24/11/2024

Quét võng mạc để phát hiện trẻ bị tự kỷ

Quét võng mạc để phát hiện trẻ bị tự kỷ

Giáo sư Benny Zee, một nhà khoa học tại ĐH Hong Kong, đã phát triển phương pháp quét võng mạc kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện sớm bệnh tự kỷ ở trẻ từ lúc mới 6 tuổi, hoặc trẻ có nguy cơ mắc tự kỷ.

 

Quét võng mạc để phát hiện trẻ bị tự kỷ - Ảnh 1.

Giáo sư Benny Zee, nhà khoa học tại ĐH Hong Kong, phát triển công nghệ quét võng mạc dùng AI để chẩn đoán trẻ mắc bệnh tự kỷ – Ảnh: REUTERS

Giáo sư Zee cho biết phương pháp quét võng mạc có thể giúp phát hiện và điều trị sớm cho trẻ.

Phương pháp của ông là dùng máy ảnh có độ phân giải cao kết hợp cùng phần mềm AI mới của máy tính để phân tích các yếu tố như các mạch máu và các lớp sợi thần kinh võng mạc.

Ông Zee đã sử dụng công nghệ này trên 70 trẻ, bao gồm 46 trẻ bị tự kỷ. Những trẻ tham gia có độ tuổi trung bình là 13 và trẻ nhất là 6 tuổi. Công nghệ quét võng mạc của ông đã phát hiện các trẻ tự kỷ với mức độ chính xác 95,7%.

Tạp chí EClinicalMedicine đã công bố phát minh của ông Zee. Theo Hãng tin Reuters ngày 15-3, nghiên cứu của Zee chưa được bình duyệt nhưng các chuyên gia về tự kỷ đã hoan nghênh phát minh của vị giáo sư này.

Các chuyên cho rằng công nghệ có thể giúp phá vỡ phần nào rào cản lớn từ cha mẹ – những người rất miễn cưỡng tin con mình bị tự kỷ dù đã thấy các dấu hiệu rõ ràng ở trẻ.

“Trong rất nhiều trường hợp, cha mẹ trẻ không chấp nhận sự thật là con họ bị tự kỷ. Nếu chúng ta có một máy kiểm tra y khoa, họ không thể phủ nhận và trẻ sẽ sớm được điều trị hơn” – bác sĩ Caleb Knight, điều hành một trung tâm chữa trị tự kỷ tư nhân, nói.

Dữ liệu từ chính quyền đặc khu Hong Kong cho biết tại các bệnh viện công, trẻ mắc chứng tự kỷ thường phải đợi 80 tuần mới được chuyên gia về tự kỷ thăm khám.

Ông Zee hi vọng có thể cung cấp máy quét võng mạc thương mại trong năm nay để hỗ trợ các bác sĩ trong khâu chẩn đoán chứng tự kỷ

 

ANH THƯ
TTO