Nghiên cứu mới: Vì sao mạng xã hội lại thống trị cuộc sống của nhiều người?
Nghiên cứu mới: Vì sao mạng xã hội lại thống trị cuộc sống của nhiều người?
Một nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí Nature Communications cho hay hành động tìm kiếm sự khẳng định thông qua lượt thích và số lượng người theo dõi của nhiều người dùng mạng xã hội có nhiều nét tương đồng với tập tính kiếm ăn ở động vật, theo hãng tin UPI (Mỹ).
Cụ thể, Giáo sư David Amodio thuộc Đại học New York (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết những phát hiện này giúp chúng ta hiểu tại sao mạng xã hội lại thống trị cuộc sống hằng ngày của nhiều người.
Trước đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích mô thức đăng bài của khoảng 4.000 người dùng trên Instagram, Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác, trong đó tập trung vào khoảng cách thời gian giữa các bài đăng.
Kết quả cho thấy người dùng sẽ đăng thường xuyên hơn khi số lượt thích của họ có xu hướng tăng và ngược lại, khi số lượt thích giảm, họ cũng ít đăng bài hơn.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã so sánh hành vi này của người dùng mạng xã hội với cách phản ứng của của động vật trong thử nghiệm nổi tiếng về điều kiện thao tác (operant conditioning) của nhà khoa học Mỹ Burrhus Frederic Skinner (1904-1990).
Trong thử nghiệm của Skinner, các động vật sẽ có xu hướng lặp lại liên tục một nhóm hành vi nhằm nhận được thứ mà chúng muốn (cụ thể ở đây là thức ăn) và ngược lại, khi không còn được đáp ứng mong muốn, chúng sẽ dần từ bỏ hành vi, điều này cũng tương thích với cách hành xử của nhiều người dùng mạng xã hội.
Tác giả chính của nghiên cứu, Phó giáo sư Bjorn Lindstrom, chuyên gia tâm lý học hành vi thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan), cho biết ông hy vọng kết quả của nghiên cứu này có thể giúp các chuyên gia tìm ra cách điều trị hữu hiệu cho những trường hợp nghiện mạng xã hội nghiêm trọng, đồng thời tạo ra môi trường tương tác trực tuyến lành mạnh.
TRÀ LINH
TNO