23/11/2024

Các tu sĩ Dòng Tên Châu Phi kêu gọi tạm miễn sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid

Các tu sĩ Dòng Tên Châu Phi kêu gọi tạm miễn sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid

Chích vắc-xin tại Bờ Biển Ngà (AFP or licensors)

Dòng Tên Châu Phi cũng theo thể thức đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ kêu gọi tạm hoãn bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ khác đối với thuốc, xét nghiệm và vắc-xin để ứng phó với Covid-19 trong thời gian đại dịch.

Sau khi toạ đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Dòng Tên vùng Châu Phi và Madagascar (JCAM) đã viết một bức thư cho Đại sứ Đức tại Kenya, Annett Günthe, yêu cầu Đức và Châu Âu không cản trở điều này. Việc miễn trừ này ​​có thể cứu sống hàng triệu người mà 400 tổ chức xã hội dân sự tại hàng trăm quốc gia trên thế giới đã ủng hộ.

Trong thư với chữ ký của chủ tịch Dòng Tên vùng Châu Phi và Madagascar, Cha Agbonkhianmeghe E. Orobator, SJ, các bề trên thượng cấp của Dòng Tên cùng lên tiếng với ĐTC Phanxicô để yêu cầu cung cấp vắc-xin Covid-19 cho tất cả mọi người như “phúc lợi phổ quát”.

Theo các tu sĩ Dòng Tên Châu Phi, lập trường của một số quốc gia, như Đức, tỏ ra thờ ơ với giả thuyết về việc tạm miễn về Quyền Sở hữu Trí tuệ liên quan đến Thương mại (TRIPS), là “không thể bên vực” vì “nó góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng toàn cầu về bất bình đẳng”.

Tác động của đại dịch đối với các cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở Nam bán cầu, đặc biệt tàn khốc. Các tu sĩ Dòng Tên Châu Phi cảnh báo: “Nếu không can thiệp, thì nguy cơ hậu quả sẽ ảnh hưởng lên tất cả mọi người. Virút càng tiếp tục lan truyền trong các cộng đồng không được bảo vệ, thì khả năng xảy ra các biến thể càng lớn, điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, bao gồm cả những quốc gia phản đối đề xuất đình chỉ bằng sáng chế.”

Lá thư viết tiếp: Tại Châu Phi, các biến thể mới đã làm gia tăng các ca nhiễm và số người chết, gây tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế mỏng manh, như Ngân hàng Phát triển Châu Phi đã chỉ ra, như thế, “có nguy cơ đẩy Châu Phi ra khỏi mục tiêu phát triển bền vững xoá bỏ nghèo cùng cực” vào năm 2030.

Do đó, bức thư nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết của việc đẩy nhanh sản xuất và phân phối vắc xin, tăng cường tài trợ đa phương cho mục đích này.

Cần nhắc lại rằng, việc tạm hoãn Quyền Sở hữu Trí tuệ liên quan đến Thương mại để tạo điều kiện tiếp cận thuốc, xét nghiệm và vắc-xin Covid-19 đã được Toà Thánh yêu cầu hôm 23/2 trong cuộc họp của Hội đồng Quyền S hữu Trí tuệ liên quan đến thương mại tại Tổ chức Thương mại Thế giới.

Văn Yên, SJ