Thực hiện xét nghiệm COVID-19 ‘tự trả tiền’, tại sao không?
Thực hiện xét nghiệm COVID-19 ‘tự trả tiền’, tại sao không?
Ngoài các đối tượng cần phải xét nghiệm bắt buộc, hiện người dân đang có nhu cầu được xét nghiệm tầm soát COVID-19 theo hình thức dịch vụ, tự trả chi phí.
Tính đến đầu tháng 2-2021, cả nước đã có gần 100 đơn vị được cấp phép đủ năng lực xét nghiệm, riêng TP.HCM hiện có 22 đơn vị.
Thế nhưng việc xét nghiệm này đến nay chủ yếu được áp dụng miễn phí cho các đối tượng nằm trong diện nguy cơ hoặc “tạo điều kiện” cho người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam; người Việt Nam có yêu cầu trước khi xuất cảnh lao động, học tập và công tác ở nước ngoài.
Nhu cầu có thật
Trước dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ông T. – chủ một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Thủ Đức (TP.HCM) – chia sẻ rất mong muốn được xét nghiệm dịch vụ tầm soát COVID-19 cho tất cả nhân viên của công ty trước khi bắt tay vào công việc.
Tuy nhiên, mong muốn này của ông không thể thực hiện bởi các nhân viên không nằm trong nhóm đối tượng cần phải xét nghiệm.
“Công ty tôi nhân viên người tứ xứ, không thể kiểm soát hết nguy cơ. Do đó, tôi mong muốn tất cả nhân viên đều “sạch” COVID-19, cũng là cách bảo vệ công ty và an toàn cho cộng đồng” – ông T. nói.
Theo ông T., nhiều bạn bè ông làm doanh nghiệp cũng muốn tầm soát cho tất cả nhân viên và đây là nhu cầu có thật. Các đơn vị sẵn sàng trả chi phí để được đảm bảo an toàn.
Khi chưa có chủ trương, ông T. chỉ còn cách đưa ra các giải pháp mang tính tình thế như lùi ngày khai trương, yêu cầu các nhân viên phải khai báo lịch trình di chuyển trong các ngày tết và hạn chế mức tối đa gặp gỡ trực tiếp.
Dù là nhu cầu của cộng đồng nhưng bác sĩ Võ Đức Chiến – giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (1 trong 22 đơn vị được cấp phép xét nghiệm) – cho biết việc xét nghiệm dịch vụ đến nay vẫn chưa được thực hiện rộng rãi, chỉ tập trung vào một số nhóm nguy cơ (người về từ vùng dịch, xuất cảnh hoặc nhập cảnh).
Điều này kéo theo việc Nhà nước đã và đang gánh một phần chi phí quá lớn cho vấn đề xét nghiệm COVID-19.
Theo bác sĩ Chiến, công suất xét nghiệm tối đa của bệnh viện hiện khoảng 300 mẫu/ngày và đến nay cũng chỉ dừng lại ở việc “chia sẻ áp lực” xét nghiệm cho ngành y tế TP khi lượng mẫu cần phải xét nghiệm trong một thời gian ngắn rất lớn, điển hình như chùm bệnh ở sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua.
“Nhìn từ Hải Dương cho thấy nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong các doanh nghiệp sản xuất là có. Theo tôi, nếu một doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hoặc thậm chí một gia đình chủ động trang trải tài chính xét nghiệm tầm soát cho tất cả mọi người thì đó là việc làm rất tốt, cần khuyến khích trong bối cảnh vừa đảm bảo sản xuất vừa chống dịch như hiện nay.
Điều này không chỉ giúp cộng đồng phát hiện sớm các nguy cơ, giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh sản xuất, mà còn góp phần giảm một phần gánh nặng chi phí cho Nhà nước” – bác sĩ Chiến phân tích.
Trong khi đó, lãnh đạo một bệnh viện được cấp phép xét nghiệm khẳng định COVID-19 ở TP.HCM cũng chia sẻ thời gian qua có nhận được nhiều lời đề nghị từ một số đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động xin được xét nghiệm dịch vụ tầm soát COVID-19 cho nhân viên.
Nhưng vị này cho rằng, cũng giống như các bệnh viện khác, đơn vị chỉ với vai trò “chia lửa” cho TP.HCM, xét nghiệm với các đối tượng nguy cơ.
“Nhu cầu này là có thật nhưng hiện tại chưa thể áp dụng bởi nguồn lực xét nghiệm của cả ngành y tế chưa thể đáp ứng đủ, mặt khác quy định chưa cho phép” – vị này thông tin thêm.
Có tạo tâm lý bất an trong cộng đồng?
Ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – khẳng định đến nay xét nghiệm COVID-19 tập trung vào đối tượng có nguy cơ (F1, F2, về từ vùng dịch…) và xét nghiệm có thu phí như người xuất cảnh, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.
Mặc dù nhu cầu xét nghiệm dịch vụ tầm soát COVID-19 là có thật, nhưng theo bác sĩ Thượng, để xét nghiệm COVID-19 thoải mái như xét nghiệm máu thì chưa có hướng dẫn và địa phương không thể làm được điều này.
“Hiện nay tỉ lệ nhiễm COVID-19 chưa phải phổ biến như ở nhiều nước. Tình hình vẫn trong kiểm soát, do đó cũng chưa đến mức ai cũng phải xét nghiệm bởi điều này đôi khi tạo nên tâm lý bất ổn trong cộng đồng” – ông Thượng đánh giá.
Giảm gánh nặng ngân sách
Theo các chuyên gia y tế, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện mục tiêu kép “vừa sản xuất phát triển kinh tế, vừa chống dịch”, việc chủ động phòng ngừa các “nguy cơ từ xa” là điều cần tính toán đến, chưa kể không loại trừ việc “sống chung với dịch” còn phải kéo dài.
Đề cập đến vấn đề này trong buổi làm việc với UBND TP.HCM ngày 19-2, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) – thừa nhận hiện người về TP.HCM không từ vùng dịch chỉ được cho khai báo y tế, giám sát sức khỏe nhưng có nhiều đơn vị muốn cho nhân viên xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo an toàn trước khi quay trở lại làm việc.
Ông Dũng kiến nghị lãnh đạo TP.HCM có thể xem đây là hình thức xã hội hóa, doanh nghiệp tham gia với ngành y tế giám sát kiểm soát dịch COVID-19. “Cần mở rộng đối tượng giám sát theo hình thức xã hội hóa này. Nghĩa là các đơn vị, doanh nghiệp tự bỏ tiền để giám sát nhân viên của họ trở về TP sau kỳ nghỉ tết.
Điều này sẽ giúp HCDC mở rộng số lượng giám sát, qua đó chủ động phòng ngừa các nguy cơ một cách hiệu quả” – bác sĩ Dũng nói.
Liên quan đến việc xã hội hóa xét nghiệm tầm soát này, ông Dương Anh Đức – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho rằng TP.HCM rất ủng hộ việc tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp tầm soát COVID-19 cho nhân viên.
Tuy nhiên, cần có thông tin công bố rộng rãi hơn, cụ thể hơn về các đơn vị được Bộ Y tế công nhận có thể xét nghiệm được COVID-19 nhưng phải công khai minh bạch về giá cả, cách thức đăng ký.
Một chuyên gia y tế cũng cho rằng chính sách hỗ trợ người dân phòng chống dịch hiện nay của nước ta đều rất tốt, đảm bảo quyền và lợi ích cho tất cả người dân. Tuy nhiên trong “tình hình mới”, cần phải có một chủ trương để vừa giảm gánh nặng chi phí cho ngân sách nhà nước vừa làm tăng độ an toàn để chống dịch, song song phát triển kinh tế.
“Tất nhiên tất cả mọi chủ trương đều phải đúng quy định, phải có quy định giám sát chặt về giá cả và chất lượng xét nghiệm. Tránh tình trạng mỗi nơi một giá và chất lượng không đảm bảo” – chuyên gia này nói.
Nhiều tỉnh thành đã xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu
Đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chủ động làm xét nghiệm COVID-19 theo hình thức tự trả phí – Ảnh: TIẾN CƯỜNG
* Quảng Ninh
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-2, ông Nguyễn Trọng Diện – giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh – cho biết từ ngày 16-2 tỉnh Quảng Ninh chính thức triển khai dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, làm việc của các cơ quan và cá nhân sau kỳ nghỉ tết tại 6 đơn vị gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản nhi tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí và Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành công văn, trong đó có quy định người lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã trở về các tỉnh, thành phố khác nghỉ tết nay quay lại để làm việc thì chủ các doanh nghiệp phải tự bố trí phương tiện đón người lao động về đơn vị mình và phải làm xét nghiệm COVID-19 cho người lao động, chỉ khi có kết quả xét nghiệm âm tính mới được đi làm.
Chi phí làm xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả. Tương tự, cán bộ, công chức công tác tại tỉnh Quảng Ninh có trở về các tỉnh, thành phố khác nghỉ tết cũng phải làm xét nghiệm COVID-19, khi có kết quả âm tính mới được đi làm trở lại và chi phí xét nghiệm sẽ do cán bộ, công chức tự chi trả.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến khích tất cả người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động làm xét nghiệm COVID-19 yêu cầu.
Đối với các mẫu xét nghiệm có cùng đặc điểm dịch tễ, ở cùng một địa điểm (cùng nhà, học cùng trường, làm cùng công ty, ở cùng khu dân cư…) thì khuyến khích hình thức xét nghiệm gộp mẫu theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giảm tối đa chi phí và thời gian xét nghiệm đồng thời tăng công suất xét nghiệm.
* HảI Dương
UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo tất cả các doanh nghiệp tại huyện Cẩm Giàng phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 tự trả phí cho toàn bộ cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, phải có bản đánh giá chỉ số nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong doanh nghiệp, khẳng định đủ điều kiện tiếp tục làm việc theo quy định và tự chịu trách nhiệm về việc đánh giá của mình.
Đối với các doanh nghiệp ở những khu công nghiệp còn lại, tỉnh cũng yêu cầu phải xét nghiệm 100% số người lao động nhưng trong khi chờ kết quả xét nghiệm, các doanh nghiệp vẫn được sản xuất trên cơ sở tự đánh giá chỉ số nguy cơ lây nhiễm để quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định cho sản xuất của mình.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Công ty CP công nghệ Việt Á tổ chức lấy mẫu và xét nghiệm cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp.
Trước mắt ưu tiên xét nghiệm cho toàn bộ công nhân làm việc trong các khu công nghiệp của huyện Cẩm Giàng và Khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương)…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể chủ động liên hệ với các đơn vị được cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 (theo công bố của Bộ Y tế) để làm xét nghiệm cho người lao động.
Sau khi hoàn thành việc xét nghiệm doanh nghiệp gửi báo cáo tóm tắt kết quả về Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để theo dõi, giám sát.
Trong ngày 20-2, Sở Y tế tỉnh Hải Dương cũng ban hành thông báo về việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có bố trí khu vực phòng khám – chăm sóc sức khỏe sinh sản (ngõ 144 Quang Trung, phường Quang Trung, TP Hải Dương) làm nơi đăng ký, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe.
Thời gian lấy mẫu bắt đầu từ chiều 20-2 (sáng từ 7h30 – 12h, chiều từ 13h – 16h30, kể cả thứ bảy và chủ nhật). Kết quả xét nghiệm trả lời trong vòng 24 giờ kể từ khi lấy mẫu (trừ các trường hợp đặc biệt).
* Hải Phòng
Thành phố này cũng khuyến khích công dân trên địa bàn chủ động xét nghiệm dịch vụ tại các cơ sở xét nghiệm của thành phố và tự trả phí xét nghiệm COVID-19. Ngoài ra, Hải Phòng quy định chủ các doanh nghiệp trên địa bàn có trách nhiệm trả phí xét nghiệm khi các cơ sở y tế của thành phố tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động của doanh nghiệp.
* Thái Bình
UBND tỉnh đã có công văn quy định về việc thu giá dịch vụ xét nghiệm cho các công dân tại địa bàn có nhu cầu làm xét nghiệm để đi lao động, học tập, làm việc ngoài tỉnh.
Theo đó, các công dân sinh sống, làm việc tại tỉnh Thái Bình có nhu cầu được xét nghiệm COVID-19 sẽ tự chi trả chi phí dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 với mức giá dịch vụ xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm theo đúng quy định hướng dẫn của Bộ Y tế.
18.102 lượt đã xét nghiệm tại Quảng Ninh
Theo ông Nguyễn Trọng Diện – giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, việc áp dụng quy định nêu trên nhằm giúp cơ quan y tế Quảng Ninh giám sát chặt, ngăn ngừa nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập.
Thực tế ngay sau khi triển khai, đã có rất nhiều cá nhân, đơn vị đăng ký làm xét nghiệm COVID-19 yêu cầu.
Theo thống kê, từ 17h đến 20h ngày 20-2 đã có 18.102 lượt người thực hiện, trong đó có 9.664 mẫu đơn, 1.728 mẫu gộp (từ 8.438 lượt người), chưa phát hiện mẫu dương tính.
TIẾN THẮNG
Quỹ vắcxin cho người Việt hoạt động thế nào?
Phát biểu tại cuộc giao ban trực tuyến với 63 tỉnh thành vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Chính trị đã họp và giao Chính phủ, Bộ Y tế tìm nguồn vắcxin ngừa COVID-19 với mục tiêu là mỗi người dân có chỉ định đều được tiếp cận vắcxin.
Ngoài số vắcxin Việt Nam đã đặt mua và vắcxin COVAX (một sáng kiến nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắcxin), nếu mỗi người Việt đều được tiêm vắcxin thì cần có 150 triệu liều vắcxin trong năm nay.
Thông tin của Bộ Y tế cho biết đang đàm phán với 2-3 nhà sản xuất vắcxin Mỹ, Nga và đều có triển vọng có thể mua được. Từ trước Tết Nguyên đán đã có 1 ngân hàng chuyển đến Bộ Y tế 21 tỉ đồng cho “Quỹ vắcxin” để mua vắcxin cho người khó khăn.
Một cán bộ có trách nhiệm của Bộ Y tế cho biết hiện Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh đề nghị Bộ Y tế tìm nguồn vắcxin, 3 địa phương này sẽ chi trả phí để tiêm vắcxin cho người dân của mình.
“Nhưng như vậy thì các tỉnh nghèo sẽ làm cách nào? Theo chúng tôi được biết, vắcxin sẽ được triển khai theo hình thức sử dụng ngân sách trung ương và địa phương, bên cạnh đó là nguồn xã hội hóa được huy động từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp…” – vị này cho biết.
Ngày 23-2 tới, lô 204.000 liều vắcxin đầu tiên sẽ được chuyển về Việt Nam. Nhân viên y tế (trực tiếp tham gia chống dịch, làm việc tại khoa truyền nhiễm, hô hấp, cấp cứu…), người làm việc trên tuyến đầu chống dịch, bộ phận làm nghề nghiệp có tiếp xúc rộng và dễ lây nhiễm sẽ được sắp xếp tiêm trước, sau đó sẽ đến các nhóm kế tiếp. (L.ANH)
Xét nghiệm COVID-19 dịch vụ: có thể sẽ thu phí cao hơn
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hiện đang hỗ trợ xét nghiệm cho Hải Dương (trên 10.000 mẫu/ngày), không xét nghiệm COVID-19 dịch vụ. Tuy nhiên, hiện rất nhiều cơ sở y tế cả công lập và tư nhân đều đã nhận xét nghiệm COVID-19.
Mức giá Bộ Y tế cho phép là 734.000 đồng/mẫu, là mức mà bảo hiểm y tế tính toán để chi trả cho người có thẻ từ đợt dịch trước, nhưng các cơ sở y tế đều cho biết mức này không đủ chi phí và nếu xét nghiệm dịch vụ sẽ thu cao hơn mức này.
Phương pháp xét nghiệm áp dụng chung hiện nay là Real-time PCR. Bộ Y tế đã cho phép áp dụng hình thức “trộn mẫu”, mỗi “mẫu” được trộn từ 16 người, nếu âm tính thì thôi, còn dương tính sẽ xét nghiệm lại. Phương pháp này giúp đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm và giảm chi phí. (L.ANH)