24/11/2024

Vượt qua thách thức: Thảm hoạ và đổi mới

Vượt qua thách thức: Thảm hoạ và đổi mới

Nghịch cảnh và thảm hoạ cũng kích thích sáng tạo, phá bỏ những bức tường quan liêu, chậm chạp, cũ kỹ…

 

Vượt qua thách thức: Thảm họa và đổi mới - Ảnh 1.

Đồ họa: HỒNG QUÂN

Gần nhà tôi có một tiệm ăn mà vợ chồng tôi vẫn coi là một dạng “tiệm cơm bình dân” của người Anh. Đó là một tiệm bán đồ ăn truyền thống cá chiên và khoai tây (fish and chips) đặc trưng của người dân xứ sở sương mù.

Dân Anh, nhất là giới lao động, rất thường mua mấy món này, đặc biệt là vào buổi chiều tối. Nhiều khi có người chỉ ghé mua một bịch khoai tây chiên, rưới nước xốt cà ri lên là xong bữa tối của họ.

Tiệm cơm bình dân “lên online”

Cái tiệm ăn bình dân ấy thường ngày đông khách, và chẳng bao giờ có ý nghĩ chuyển mô hình hoạt động.

Cứ đơn giản là khách tới mua đồ ăn mang đi. Không trang web, không tham gia các dịch vụ đặt hàng như Just Eat (một dạng tương tự Grab Food hay Now ở Việt Nam) vì những dịch vụ này sẽ “ăn” 20% doanh thu của tiệm, như ông chủ giải thích với tôi.

Nhưng rồi đại dịch xảy ra. Và một cái tiệm nói không với đặt hàng online, thậm chí rất ghét trả lời điện thoại khách hàng đã phải thay đổi.

Ông chủ hỏi tôi có biết dịch vụ nào làm trang web không, làm sao để mở ứng dụng cho khách đặt hàng online và qua điện thoại. Tôi giới thiệu một người quen chuyên làm dịch vụ này cho các nhà hàng ở Bristol mùa này, rất ăn nên làm ra, nhưng rồi ông chê mắc.

Vậy nên tôi giới thiệu cho ông một lựa chọn khác là tự làm trang web nhà hàng cho khách đặt hàng bằng Wix – một công cụ hỗ trợ người kinh doanh làm web mà không cần biết nhiều kiến thức lập trình, để ông tự mày mò.

Giá cổ phiếu của Công ty Wix đã tăng tới 300% kể từ tháng 4-2020. Ngược lại, nhiều cổ phiếu nhà hàng và khách sạn giảm giá mạnh trong năm qua, và dù đã hồi phục khá từ tháng 9, vẫn còn ở xa mức đỉnh của năm ngoái. Nhiều cổ phiếu dầu khí và hàng không cũng chỉ ở mức 1/3 của giá cao nhất năm ngoái.

Thảm họa dẫn đến sáng tạo và đổi mới

Những câu chuyện nhỏ trên có nhiều điều để người ta phải suy ngẫm.

Trước tiên, một tiệm ăn bình dân mà ông chủ có thể nói là người ngoại đạo (nếu không muốn nói là “kẻ thù”) với công nghệ cũng phải thay đổi. Ông còn may mắn là vì ông bán đồ ăn bình dân mà thói quen tiêu dùng không thay đổi nhiều do dịch bệnh (kiểu như bán phở, cơm tấm bình dân ngoài ngõ ở Việt Nam) nên ông có thể chậm thay đổi.

Tôi quan sát thấy nhiều nhà hàng ở tầm trung ít may mắn hơn, đều phải dẹp tiệm, bất kể là tiệm ăn Tây sang trọng hay tiệm Trung Quốc đông đúc trước đây.

Đại dịch có thể nói là cú đấm cuối cùng vào thành trì của những mảng kinh doanh truyền thống, không chịu “lên mạng”. Từ lâu, người ta đã dự đoán những hoạt động kinh doanh cần thuê mướn mặt bằng nhiều sẽ bị cạnh tranh dữ dội vì bị lấn lướt bởi các dịch vụ trên mạng, trên “đám mây”.

Thế nhưng sự chuyển đổi đối với mảng này có thể nói là từ từ chậm chậm. Đại dịch đã thúc đẩy cuộc cách mạng này đi nhanh hơn cả thập kỷ. Và người ta gọi trạng thái này là “bình thường mới”.

Việc bác sĩ khám bệnh qua mạng đã trở thành “bình thường mới” của Anh. Trước khi dịch diễn ra, người ta đã tranh cãi mấy năm liền về chuyện bác sĩ của Cơ quan y tế Anh (NHS) khám từ xa, và chỉ dám ở trạng thái thí điểm nhỏ lẻ. Tờ The Economist phân tích chuyện đại dịch đã “tháo xiềng xích” cho NHS như thế nào.

Trước đây thứ ngăn cản việc chẩn đoán bệnh từ xa là một chuỗi các quy định quan liêu dưới danh nghĩa an toàn cho bệnh nhân. Đại dịch đã đập vỡ bức tường quan liêu đó vì bây giờ có khám bệnh còn đỡ hơn là ngồi không.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã hỗ trợ chẩn đoán, giúp giảm sai sót, vì vậy mà được đầu tư nhiều hơn. Mấy người bạn của tôi làm cho các dự án trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ chăm sóc y tế cho người già ở Đại học Bristol cho biết đột ngột họ nhận được nhiều tài trợ hơn.

Kết quả khá ấn tượng. Theo số liệu của NHS, trước đại dịch, 80% các buổi hẹn chăm sóc sức khỏe là con người gặp nhau “mặt đối mặt”. Nay con số đó chỉ là hơn 40%.

Có người lo lắng chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng sẽ giảm đi nhưng cho đến lúc này, khi đã vào thời cao điểm của bệnh viện hằng năm, cộng với dịch bệnh đang tăng trở lại, vẫn chưa có dấu hiệu thảm họa nào xảy ra do khám bệnh từ xa.

Khám bệnh và ra đơn thuốc từ xa đang mở ra một cơ hội khiến NHS trở nên hiệu quả hơn, chăm sóc được nhiều người bệnh hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

Nhiều vấn đề nan giải mà NHS đối mặt nhiều năm qua như làm sao tăng khả năng chăm sóc người bệnh, giảm thời gian người bệnh phải đợi bác sĩ (có lúc lên đến mấy tháng) trong khi không tăng mạnh chi phí đột nhiên có lối ra. Đại dịch tạo ra thảm họa, nhưng nó cũng kích thích những sáng tạo và phá bỏ những bức tường quan liêu và lối suy nghĩ cũ.

Matt Hancock, bộ trưởng y tế Anh, hình dung COVID-19 như cuộc đại hỏa hoạn đã phá hủy một phần lớn London năm 1666.

Thảm họa đó đã hủy diệt nhiều thứ, nhưng nó để lại một di sản ấn tượng: sự ra đời của dịch vụ cứu hỏa, các công ty bảo hiểm, quy định mới về nước và điểm du lịch nhà thờ St Paul nổi tiếng của nước Anh ngày nay đã được tái sinh sau khi bị tàn phá bởi hỏa hoạn.

Chuyển đổi số được đẩy nhanh gần một thập kỷ

Một điều tra gần đây của Công ty tư vấn McKinsey cho thấy dịch bệnh đang có những tác động chưa từng có lên xu thế kinh doanh của các công ty, cụ thể là chuyển đổi số.

Theo điều tra toàn cầu Global Survey of Executives, đại dịch đã khiến các công ty đẩy nhanh số hóa các dịch vụ khách hàng, chuỗi cung ứng và hoạt động công ty từ 3 – 4 năm so với dự kiến.

Về mặt sản phẩm mới dựa trên công nghệ số hóa, con số này lên đến 7 năm – điều khiến các nhà phân tích của McKinsey sửng sốt. Nói đơn giản, đại dịch đã đẩy cuộc cách mạng số đi sớm gần một thập kỷ.

Quá trình chuyển đổi số tưởng nhọc nhằn, khó khăn và kéo dài ở một số tổ chức đã diễn ra chỉ trong vài tháng ngắn ngủi. Tại trường đại học mà tôi đang làm ở Anh, chuyện đưa toàn bộ chương trình giảng dạy lên dạy online hoàn toàn là không tưởng chỉ một năm trước đây, nhưng giờ đây phần khung đã được hoàn tất chỉ trong 3 tháng với những khoản đầu tư và nỗ lực chưa từng thấy.

Hành vi và ứng xử của sinh viên, giảng viên, lãnh đạo, nhân sự hành chính bị buộc thay đổi nhanh chóng (dù một số lớn vẫn không thích). Họp hành, thi cử, chấm điểm thi, hội đồng tiến sĩ, hướng dẫn luận văn hoàn toàn qua mạng trở thành chuyện “bình thường mới”.

Tất nhiên, trong quá trình chuyển đổi đó, một số giá trị và chất lượng phải bị giảm đi. Khám bệnh online có thể có sai sót nhiều hơn vẫn là một nỗi lo. Chất lượng giảng dạy và hướng dẫn online tự nhiên không thể bằng mặt đối mặt, cả giảng viên và sinh viên đều cảm nhận được.

Và ông chủ tiệm ăn cá chiên và khoai tây cũng không thích lên online vì mất đi cảm giác người ta đến đặt đồ ăn, đứng nói chuyện 10-15 phút ở tiệm. Không khí của những tiệm cà phê buổi sáng cũng mất đi. Người ta vẫn ấp ủ hi vọng được quay trở lại những ngày đi du lịch, ra công viên tắm nắng, sum họp đông vui như xưa…

Hẳn là nhiều thứ trong số đó sẽ quay lại như “bình thường cũ”, nhưng không thể là 100%. Chẳng hạn, nhiều buổi họp quan trọng của Đại học Bristol mà tôi phải tham dự hiện tại đều diễn ra qua Zoom hay Microsoft Teams.

Trước đây một số buổi họp dạng này thường yêu cầu phải họp trực tiếp nhưng nay ai cũng thấy yêu cầu này không cần lắm nữa. Một đồng nghiệp của tôi đã ở Hàn Quốc suốt 2 tháng nhưng mọi việc vẫn vận hành bình thường cho dù hằng năm, vào mùa này, anh phải có mặt ở Anh.

Anh cảm thấy làm việc thoải mái hơn và được gần gũi gia đình. Nhiều đồng nghiệp của tôi ở Đại học Bristol sống ở London nói rằng họ thấy “nhẹ người” vì không cần mỗi tuần phải lái xe mấy bận cả trăm cây số lên xuống đi họp, đi dạy nữa.

Sau dịch COVID-19, nhiều người trong số chúng tôi sẽ vẫn muốn duy trì một phương thức làm việc linh hoạt như vậy.

Nhiều công ty công nghệ cũng đang đẩy mạnh cơ chế “làm việc linh hoạt”. Số lượng bạn bè tôi trở về Việt Nam nhưng vẫn làm việc cho các công ty Âu – Mỹ đang tăng lên rất nhanh. Công ty cho phép họ muốn làm ở đâu cũng được. Vậy tại sao lại không về Việt Nam để gần gia đình, làm ở Việt Nam mà lãnh lương Âu – Mỹ?

Như vậy, nhu cầu các văn phòng làm việc quy mô lớn truyền thống có thể giảm đi. Một bạn tôi làm ở quỹ đầu tư tại London cho biết quỹ của bạn vừa mua lại một khu văn phòng gần 400 triệu bảng để làm mới, một bên làm văn phòng cho thuê “kiểu mới”, và một bên làm kho chứa hàng vì dự đoán dịch vụ giao hàng sẽ ngày một phát triển, trong khi diện tích các khu công nghiệp gần trung tâm để làm kho hàng đang giảm đi.

Đi cùng làn sóng này là một loạt công ty cung cấp giải pháp công nghệ, từ y tế, giáo dục, tài chính cho đến dịch vụ chuyển đổi số, hỗ trợ kinh doanh “hốt bạc”. Những con số tăng doanh thu hơn 100% còn giá cổ phiếu tăng vài lần đến vài chục lần của các loại công ty này trong năm 2020 đã là “bình thường mới” trên các sàn cổ phiếu toàn cầu.

Quan trọng là giữa những “bình thường mới” này, xã hội đang đối mặt một vấn đề nan giải. Làm sao để những người làm tiếp viên hàng không, bán hàng quần áo hay nhân viên kế toán ghi sổ dôi dư do chuyển đổi số và nền kinh tế “bình thường mới” biến thành chuyên gia phân tích dữ liệu, an ninh mạng hay nhà tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong một thời gian ngắn?

Câu hỏi nan giải thứ hai là: ai sẽ dạy những thứ đó cho họ? Thị trường lao động đang rất cần và sẵn sàng trả lương cao cho những người có kỹ năng đó. Ai sẽ chấp nhận lương thấp hơn để đi dạy đây?

Ở chiều ngược lại, những thương hiệu trăm năm dần biến mất. Nhiều hãng hàng không và khách sạn đối mặt muôn trùng khó khăn cho dù người ta dự báo rất lạc quan về một mùa hè kinh doanh hồi phục chữ V của năm 2021.

Nghịch cảnh có làm nên sáng tạo đối với họ hay không, quan sát tiếp hẳn là sẽ thấy nhiều điều bổ ích.

HỒ QUỐC TUẤN (Giảng viên Đại học Bristol, Anh)
TTO