Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phê duyệt sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phê duyệt sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới
32 sách giáo khoa lớp 2 và 40 sách giáo khoa lớp 6 của đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ngày 9.2 đã ký 2 quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2 và danh mục sách giáo khoa lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Danh mục này gồm 32 sách giáo khoa lớp 2 của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng sách giáo khoa môn tự chọn tiếng Anh; 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Đối với lớp 2, mỗi môn tiếng Việt, toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm có 3 sách giáo khoa được phê duyệt; môn tự chọn tiếng Anh có 8 sách giáo khoa.
Đối với lớp 6, mỗi môn ngữ văn, toán, tiếng Anh, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lí, dông nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp có 3 sách giáo khoa; môn tin học có 2 cuốn và tiếng Anh có 8 sách giáo khoa được phê duyệt.
Các sách giáo khoa có tên trong danh mục được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt thuộc 4 đơn vị xuất bản, gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM.
7/79 bản mẫu sách giáo khoa bị loại sau thẩm định
Trước đó, từ tháng 6 – 12.2020, Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 do 5 nhà xuất bản (ngoài 4 đơn vị xuất bản kể trên, có thêm Nhà xuất bản Đại học Vinh) gửi hồ sơ đề nghị thẩm định.
Đối với sách giáo khoa lớp 2, Bộ GD-ĐT cho biết đã nhận được 35 bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 được thẩm định. Kết quả, có 32 bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 được hội đồng quốc gia thông qua và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Đối với sách giáo khoa lớp 6, Bộ GD-ĐT nhận được 44 bản mẫu sách giáo khoa. Kết quả thẩm định có 40 bản mẫu sách giáo khoa lớp 6 được Hội đồng quốc gia thông qua và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Công tác thẩm định sách giáo khoa được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Thông tư 33 về thẩm định sách giáo khoa. Theo đó, Bộ GD-ĐT thành lập các Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa với thành viên gồm đủ các thành phần: nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục và giáo viên có kinh nghiệm, uy tín, trong đó có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là giáo viên đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Thành viên Hội đồng quốc gia có 15 ngày nghiên cứu độc lập bản mẫu sách giáo khoa trước khi làm việc tập trung để thảo luận, nghe tác giả báo cáo, thuyết minh về bản mẫu và công bố kết quả đánh giá của Hội đồng cho tác giả, nhà xuất bản để tiếp thu, chỉnh sửa.
Thực hiện quy định tại Thông tư 33 và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các hội đồng thẩm định đã đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý bản mẫu sách giáo khoa của đại diện giáo viên có kinh nghiệm đang trực tiếp giảng dạy lớp 2, lớp 6 tại các cơ sở giáo dục trên cả nước; chuyên gia, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Các ý kiến góp ý được Bộ này rà soát và cung cấp để Hội đồng thẩm định nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng thời thảo luận với tác giả, nhà xuất bản về nội dung tiếp thu, chỉnh sửa. Nhà xuất bản hoàn thiện lại bản mẫu sau tiếp thu ý kiến để Hội đồng đánh giá và thông qua kết quả cuối cùng bằng văn bản, làm cơ sở giúp Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét ban hành danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Quá trình thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 được Bộ GD-ĐT đánh giá đảm bảo đúng quy trình, tiến độ và chất lượng.
TUỆ NGUYỄN
TNO