24/11/2024

Những khám phá thú vị trong Xã hội Việt Nam thời Lê – Nguyễn

Những khám phá thú vị trong Xã hội Việt Nam thời Lê – Nguyễn

Dựa trên các nguồn tài liệu quý do nhiều giáo sĩ, thương nhân và một số nhà nghiên cứu phương Tây đã đến Việt Nam ghi chép, soạn thảo và lưu giữ, trải dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20 ít được khai thác, tác phẩm Xã hội Việt Nam thời Lê – Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn (Dtbooks và NXB Hồng Đức) vừa ấn hành, có nhiều khám phá thú vị.
Các quan trong một lễ Tế giao thời nhà Nguyễn /// ẢNH QUỲNH TRÂN CHỤP TỪ SÁCH
Các quan trong một lễ Tế giao thời nhà Nguyễn ẢNH QUỲNH TRÂN CHỤP TỪ SÁCH

Lễ tế giao qua chiều dài lịch sử

Mặc dù lễ Tế giao, nghi thức để vua chúa (thường tự xưng là con trời – thiên tử) tế cáo với trời, đất như một bổn phận của con cái đối với cha mẹ, đồng thời cũng để cầu xin sự an lành, hạnh phúc cho dân, xuất hiện từ hơn 4.000 năm trước ở Trung Quốc nhưng tại Việt Nam, nghi thức này chỉ bắt đầu vào thời vua Lý Anh Tông (1138 – 1175). Sách Xã hội Việt Nam thời Lê – Nguyễn cho biết: “Nhà vua cho lập đàn Viên khâu ở thành Thăng Long, cứ 3 năm một lễ lớn, 2 năm một lễ trung, mỗi năm một lễ nhỏ. Nhà Trần kế tục nhà Lý bỏ hẳn lệ Tế giao trong gần 200 năm (từ 1225 – 1400). Khi họ Hồ soán ngôi nhà Trần, Hồ Hán Thương lập đàn tế trời ở núi Đốn Sơn (Thanh Hóa). Tương truyền trong buổi tế, Hán Thương run tay làm đổ chén rượu trên nền bãi tế. Người đương thời cho đó là điềm gở cho nhà Hồ”.
Sách đã dẫn kể, đến lúc Lê Lợi lên ngôi, hoàng đế mới định lễ Tế giao vào mùa xuân, chọn một ngày tốt trong ba ngày Xuân đán để làm lễ. Còn thời Lê Trung hưng, do chúa Trịnh giật dây nên nhà vua làm khá đơn giản: chỉ có lễ thượng hương rồi đọc tờ tấu, lạy 8 lạy. Tới nhà Nguyễn mọi việc trở nên đi vào nền nếp.
Không dừng lại ở đó, sách còn “lai rai” nhiều chuyện hay: “Tháng 2 Âl năm 1806, vua Gia Long cho lập Giao đàn ở phía nam thành Phú Xuân và đàn chính thức mang tên Nam Giao từ đó. Đàn chia làm 4 thành: Viên đàn (đàn tròn tượng trưng cho trời), Phương đàn thấp hơn (đàn vuông tượng trưng cho đất), thành thứ ba và thứ tư thấp hơn cả. Bên tả Giao đàn là trai cung, nơi nhà vua ra đó trai giới một ngày trước buổi lễ. Quanh đàn trồng nhiều cây um tùm, rậm rạp. Lúc bình thường, đàn chỉ là những ô đất trống với nền đắp cao, khi tế lễ mới căng vải dựng nhà, tế xong thì dỡ đi. Trước khi tế lễ 3 ngày cấm tra khảo tù nhân, sát hại trâu bò”.
Lễ Tế giao vào mỗi triều vua mỗi khác. Sách mô tả dịp lễ Tế giao vào tháng 3.1918: “Vua Khải Định ngồi trong loan giá, mặc áo vàng, chít khăn vàng đến trai cung. Các hoàng thân và đình thần mặc triều phục đi theo, đám đông tiếp theo sau cả ngàn người… Trong lúc nhà vua hành lễ, chỉ có những thượng khách như Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung kỳ và một số viên chức cao cấp Pháp là được đứng trên Viên đàn để chứng kiến. Còn các quan lại Việt Nam từ tam phẩm trở lên phải phủ phục ở Phương đàn, tứ phẩm trở xuống phải phủ phục ở thềm đàn thứ ba”, những thông tin được thể hiện trong cuốn sách đã nói lên “tôn ti trật tự” thời ấy và tính trang nghiêm của lễ.
Những khám phá thú vị trong Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn1

Bìa sách  ẢNH: NXB

Về cái chết của Bá Đa Lộc và Nguyễn Nhạc

Chuyến đi qua Pháp đại diện chúa Nguyễn Ánh ký với triều đình vua Louis XVI thỏa ước Versailles 1787 nhưng cuối cùng không thực hiện được của giám mục Bá Đa Lộc, theo tác giả Lê Nguyễn cho biết trong sách thì do ngoài sự kiệt quệ về kinh tế của ngân khố Pháp và mối bất hòa ngày càng trầm trọng giữa Bá Đa Lộc và bá tước de Conway. Tuy nhiên, dựa vào hồi ký của phái bộ Anh John Barrow Một cuộc du hành qua xứ Nam Hà vào những năm 1792 – 1793, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn cũng cho rằng: Còn một lý do nữa là vì Bá Đa Lộc không tới thăm viếng nhà bà de Vienne – vợ người sĩ quan tùy viên của bá tước de Conway như phong tục mà còn chê bai công kích nên bà này trả đũa bằng cách gây áp lực với bá tước, khiến cho viên giám mục bị “thua toàn tập” trong sứ mạng được Nguyễn Ánh giao phó.
Về cái chết của Bá Đa Lộc, dù có nhiều tài liệu đề cập song cũng theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn: “Barrow đã tiết lộ chi tiết độc đáo, đó là việc Nguyễn Ánh, vì lòng kính trọng với người có nhiều công lao phục hồi vương quyền của mình nên sau khi Bá Đa Lộc qua đời được an táng theo nghi thức của giáo hội La Mã, vua đã ra lệnh cho bốc hài cốt lên cải táng long trọng theo nghi thức tôn giáo người Việt, cho dù việc làm này của Nguyễn vương bị các giáo sĩ phương Tây chỉ trích, cho đó là sự bất kính”.
Về cái chết của Nguyễn Nhạc, nếu như sách Đại Nam chính biên liệt truyện – nhà Tây Sơn cho rằng “Nhạc phẫn uất hộc máu chết” vì bị quân của vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản “tịch biên phủ khố, thu lấy binh giáp mà chiếm thành”, thì sách Xã hội Việt Nam thời Lê – Nguyễn dựa vào hồi ký của John Barrow viết khác: “Kẻ dấy loạn Nguyễn Nhạc không còn sống bao lâu khi thuyền chiến của ông bị phá hủy. Mấy tháng sau khi chúng tôi rời vịnh Tourane (Đà Nẵng) thì ông qua đời (năm 1793) vì bệnh não. Có tài liệu cho rằng, khi chứng kiến sự thành công của vị vua chính thống, ông phát điên và tuyệt vọng nhưng lại có tin rằng chứng điên của ông không chế ngự được, ông đã bị triệt hạ bằng thuốc độc”.
Có nhiều phát hiện còn khá mới mẻ với người đọc sử qua cuốn sách: Chuyện Đại sứ Mỹ Thomas Jefferson (sau là tổng thống Mỹ) từng có cuộc gặp với phái bộ hoàng tử Cảnh – Bá Đa Lộc tại Paris năm 1787; Chuyện một sĩ quan Pháp để vua Hàm Nghi thoát trước mặt ông ta trong việc truy lùng trên sông Gianh; Sứ mạng bất thành của phái bộ Miến Điện đến Việt Nam năm 1823; Quan hệ Việt – Nhật thời Trịnh – Nguyễn phân tranh; Gia Định tam gia – niềm tự hào của đất Nam bộ; Những cái chết bi tráng của Gia Định tam hùng; Hoạn quan ở các cung đình xưa…
LÊ CÔNG SƠN
TNO