Chuyên gia Pháp: Việt Nam có nguy cơ cao lây bệnh truyền nhiễm từ động vật
Chuyên gia Pháp: Việt Nam có nguy cơ cao lây bệnh truyền nhiễm từ động vật
Tại toạ đàm về hợp tác ứng phó với thách thức y tế tổ chức ngày 15-1 tại Hà Nội, bác sĩ người Pháp Thomas Mourez cảnh báo nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm từ động vật ở Việt Nam.
Bác sĩ Thomas Mourez, phụ trách y tế và phát triển xã hội Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, dẫn số liệu hơn 75% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật.
“Sự gia tăng dịch bệnh có tương quan chặt chẽ với lưu chuyển hàng hóa toàn cầu và di chuyển hàng không”, ông Mourez nói, nhấn mạnh thêm rằng nông nghiệp thâm canh là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh mới nổi.
“Quy mô đàn gia súc càng lớn, độ che phủ của rừng càng giảm thì các bệnh lây truyền từ động vật sang người càng tăng lên do không gian tiếp xúc của con người và động vật hoang dã càng gần”, ông Mourez chia sẻ thêm.
Chuyên gia Pháp cho biết Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm cao hơn do mật độ dân số cao, chăn nuôi mang tính tập trung và phát triển mạnh. Trong khi đó, rừng tự nhiên bị thu hẹp, hệ sinh thái bị hủy hoại với tốc độ nhanh và thói quen ăn động vật hoang dã còn tồn tại.
“Do đó, việc phòng chống bệnh lây nhiễm có nguồn gốc động vật phức tạp, cần cách tiếp cận đa chiều, đòi hỏi các nước suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến công nghiệp hóa, tăng dân số, địa chính trị”, ông Mourez nhấn mạnh.
Chuyên gia này nhận định đây đã trở thành thách thức ngoại giao thực sự, đòi hỏi hợp tác toàn cầu dù đó là y tế, thú y, chống biến đổi khí hậu hay chống buôn lậu động vật hoang dã.
Trong khi đó, ông Đinh Nho Hưng – phó vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) – nhấn mạnh rằng bên cạnh vấn đề cấp bách như phát triển vắc xin, các nước cần tập trung vào các câu chuyện mang tính chiến lược như chuyển đổi nông nghiệp và giảm phát thải nhằm ứng phó với COVID-19 và các nguy cơ an ninh phi truyền thống khác.
Cuối tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã nhằm đối phó với tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở Việt Nam.
Ông Hoàng Văn Ngọc – cán bộ phòng kiểm soát, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – cho biết các công cụ để kiểm soát dịch bệnh, đặc biêt là vắc xin, sẽ không phải một sớm một chiều mà có được. Dù đã có 3-4 loại vắc xin được phê duyệt, việc tiếp nhận vắc xin còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam.
Điều này phản ánh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trong cuộc chiến chống COVID-19, theo ông Ngọc. Chủ trương của Việt Nam, do đó, là đề cao minh bạch thông tin, không giấu dịch và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm với các nước nhằm ứng phó tốt hơn.
Trưởng đại diện WHO cảm ơn Việt Nam
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Kidong Park bày tỏ cảm kích với vai trò của Việt Nam trong việc đưa ra dẫn dắt sáng kiến Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27-12.
“Cảm ơn Việt Nam vì vai trò lãnh đạo trong việc chuẩn bị ngày kỷ niệm này” – ông Park bày tỏ.
Đại diện WHO cũng nhấn mạnh rằng tổ chức này không hoàn hảo nhưng đang nỗ lực hết mình để thế giới tốt đẹp hơn và chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.
Việt Nam cũng nằm trong danh sách nhận vắc xin của Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin COVID-19 (Cơ chế COVAX) do Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng nắm vai trò lãnh đạo.