Đề nghị “chia lửa”
Tây Ninh là một trong những địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới
trên tuyến biên giới Tây Nam với đường biên giới dài 240 km. Các khu cách ly tại đây đang có nguy cơ quá tải do lượng
người Việt nhập cảnh về VN dịp Tết Nguyên đán rất lớn.
Việc về quê ăn tết là nguyện vọng chính đáng của người dân, tuy nhiên cần thông tin cho người dân ở nước ngoài về tình hình Covid-19 trong nước và trên địa bàn tỉnh cùng các quy định liên quan, đặc biệt là quy định về việc cách ly tập trung
Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 14.1, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh (BCĐ) của tỉnh, cho biết trong 2 ngày 12 và 13.1, Tây Ninh ghi nhận thêm 4 ca nhiễm Covid-19 (gồm bệnh nhân 1518 – 1521) đều là các ca nhập cảnh hợp pháp về VN qua cửa khẩu quốc tế (CKQT) Mộc Bài và được cách ly ngay từ đầu. Do đó, các ca này đều được kiểm soát nên không có nguy cơ lây lan. Tuy nhiên, tuyến biên giới đang được thắt chặt ở mức độ cao nhất.
Theo ông Ngọc, BCĐ tỉnh Tây Ninh đã họp đánh giá tình hình người nhập cảnh hiện nay và khả năng đáp ứng của các khu cách ly. Theo đó, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, người VN (không chỉ sinh sống ở Campuchia mà còn đi làm việc ở các nước ASEAN như Malaysia, Indonesia,
Singapore…) nhập cảnh về nước bằng đường bộ qua Campuchia, chủ yếu qua CKQT Mộc Bài tăng đột biến. Thống kê bình quân trên 100 người/ngày, cao điểm lên đến 120 người/ngày, trong khi trước đó chỉ 15 – 20 người/ngày. Hiện toàn tỉnh Tây Ninh chỉ có 7 điểm cách ly đang hoạt động.
Kiểm tra chặt chẽ việc nhập cảnh vào VN tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Gia Lai ẢNH: TRẦN HIẾU
|
“Với lượng người nhập cảnh về nước như hiện tại, sức chứa của 7 điểm này chỉ có thể chịu đựng được trong vài ngày tới”, ông Ngọc nhận định. Trước thực tế này, UBND tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu các huyện rà soát hết những điểm có thể tận dụng để đưa vào làm khu cách ly. “Nếu tận dụng tối đa thì có thể tăng thêm được 13 điểm cách ly mới với sức chứa khoảng được 2.500 người”, ông Ngọc nói và đề nghị BCĐ T.Ư, Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 hỗ trợ Tây Ninh trong việc điều phối người nhập cảnh về vị trí các khu cách ly của các tỉnh, thành khác khi cần thiết.
Thượng tá Trần Tuấn Anh, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Trị, cũng khẳng định tình trạng xuất
nhập cảnh trái phép trong thời gian cận tết ở vùng biên Quảng Trị, đã và đang nóng lên. Tuy lực lượng chức năng đã nỗ lực vào cuộc, chốt chặn trên tuyến biên giới để phòng, chống Covid-19 nhưng tình trạng xuất nhập cảnh trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Theo thượng tá Anh, chỉ trong năm 2020 và hết ngày 11.1.2021, BĐBP tỉnh Quảng Trị đã phát hiện, xử lý 116 vụ với 158 người nhập cảnh trái phép; 42 vụ với 65 người xuất cảnh trái phép.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam khẳng định, việc về quê ăn tết là nguyện vọng chính đáng của người dân, tuy nhiên cần thông tin cho người dân ở nước ngoài về tình hình Covid-19 trong nước và trên địa bàn tỉnh cùng các quy định liên quan, đặc biệt là quy định về việc cách ly tập trung; khuyến cáo bà con không được nhập cảnh trái phép vì
sức khỏe của chính mình và sự an toàn của cộng đồng… Tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị cho các cơ sở cách ly theo yêu cầu đề ra, trưng dụng nhiều địa điểm làm nơi cách ly tập trung, để đủ chỗ cho người dân cách ly, kịp về tết.
Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum duy trì 61 tổ chốt trên dọc tuyến biên giới ẢNH: ĐỨC NHẬT
|
Sau vụ 9 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào VN qua khu vực H.An Phú (An Giang), trong đó có 4 bệnh nhân Covid-19 (1440, 1451, 1452, 1453), tỉnh An Giang và Đồng Tháp tăng cường siết chặt tuyến biên giới. An Giang và Đồng Tháp có gần 150 km đường biên giới giáp Campuchia; trong đó An Giang có khoảng
100 km tiếp giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia). Dọc tuyến biên giới có nhiều đường mòn, lối mở, nhiều kênh rạch chạy qua… là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép qua lại.
Ngày 14.1, đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và phòng chống tội phạm tuyến biên giới, An Giang đã tăng cường gần 1.500 người thuộc các lực lượng hải quan, biên phòng,
quân sự, công an, đoàn thanh niên, phụ nữ để bố trí thêm 177 chốt hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 và các loại tội phạm tại 5 huyện biên giới của tỉnh.
Nhiều địa phương bố trí thêm địa điểm cách ly
Để tạo điều kiện cho người dân về quê đón Tết Nguyên đán nhưng vẫn đảm bảo được công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại tá Trần Quốc Khánh, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy (BCH) BĐBP tỉnh An Giang, cho biết dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ có lượng lớn người VN đang làm ăn, sinh sống ở Campuchia và các nước lân cận về nước ăn tết nên khả năng mang dịch bệnh về là rất cao.
Đón tết ngay tại chốt
Những ngày cận Tết Nguyên đán, Đồn biên phòng CKQT Lệ Thanh, H.Đức Cơ (Gia Lai) đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát, siết chặt quản lý xuất – nhập cảnh qua biên giới VN – Campuchia.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 14.1, trung tá Bùi Quốc Chính, Đồn trưởng Đồn biên phòng CKQT Lệ Thanh, cho biết: “Những ngày này nhiều lao động VN ở Campuchia trở về đón Tết Nguyên đán nên chúng tôi phải tăng cường lực lượng, bố trí 10 chốt trên dọc biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép. Hiện mỗi ngày có trên dưới 20 người nhập cảnh. Số này được lực lượng y tế đưa về TP.Pleiku cách ly 14 ngày và làm những xét nghiệm liên quan theo quy định. Tinh thần là cán bộ, chiến sĩ sẽ đón tết ngay tại chốt để làm tốt nhiệm vụ của mình”.
“Để nhân dân đón tết vui tươi, an toàn, BĐBP An Giang đã phối hợp với lực lượng tăng cường kiểm soát biên giới, nhất là đường mòn, lối mở, các kênh rạch qua biên giới. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo khép kín địa bàn, không bỏ lọt người nhập cảnh trái phép, lực lượng đã phối hợp các đơn vị liên quan bố trí các chốt kiểm soát ở các trục đường giao thông huyết mạch từ biên giới vào nội địa để kiểm tra các phương tiện vận tải ra vào biên giới. Ngoài ra, trong nội địa còn bố trí thêm các tổ, chốt kiểm tra lưu động, khi gặp các đối tượng lạ mặt phải kiểm tra xét hỏi, không để xảy ra trường hợp trái phép như nhóm bệnh nhân 1440 vừa qua”, đại tá Khánh nói.
Tại Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu lực lượng biên phòng phối hợp với các sở ngành liên quan duy trì phối hợp, đảm bảo lực lượng thường trực tại các tổ, chốt nhằm thực hiện nhiệm vụ tăng cường tuần tra, ngăn chặn, siết chặt khép kín biên giới.
“Trước tình hình dịch bệnh đang phức tạp, tỉnh tuyên truyền cho người dân có người thân ở nước ngoài ở đâu thì nên ở yên chỗ đấy, hạn chế về nước. Tuy nhiên, trước dự báo tình hình sẽ có lượng lớn người Việt ở Campuchia về nước ăn tết, địa phương cũng đã bố trí thêm điểm cách ly tại H.Hồng Ngự để đón và cách ly người VN về quê ăn tết”, ông Nghĩa nói.
Theo số liệu của lực lượng Biên phòng Quảng Trị, tỉnh này có 179 km đường biên giới với 2 tỉnh Savanakhet và Salavan của nước bạn Lào; có 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (H.Hướng Hóa) và La Lay (Đakrông), 4 cửa khẩu phụ… Chính vì thế, từ nhiều tháng qua, lực lượng Biên phòng Quảng Trị đã duy trì cũng như tăng cường lực lượng tại 117 chốt với 428 cán bộ, chiến sĩ túc trực, tuần tra thường xuyên, liên tục tại khu vực biên giới. Đặc biệt, trong những ngày vừa qua, khi
nhiệt độ ở khu vực biên giới Việt – Lào đã giảm xuống còn trên dưới 7 độ C, việc tuần tra dọc biên vẫn không ngưng nghỉ.
Tăng cường lực lượng tuần tra trên tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh ẢNH: GIANG PHƯƠNG
|
Tỉnh Gia Lai với tuyến biên giới dài khoảng 90 km, tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri (Campuchia), đa số là đường rừng nên việc quản lý, kiểm soát biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Trên tuyến biên giới này hiện có hàng trăm đường mòn, lối mở khiến nguy cơ thâm nhập trái phép tăng cao. Bởi vậy, lực lượng BĐBP Gia Lai đã duy trì 29 tổ chốt chặn trên tuyến biên giới với lịch trực 24/24.
Tỉnh Kon Tum cũng có trên 150 km đường biên giới với hai tỉnh Sê Kông và Attapư (Lào), trong đó có CKQT Bờ Y và nhiều lối mòn. Ngày 14.1, ông Đặng Quang Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh Kon Tum, cho biết: “Không kể công dân về quê ăn tết hay qua lại, bất cứ công dân nào nhập cảnh vào VN qua cửa khẩu đều phải thực hiện cách ly theo quy định. Hiện tại tỉnh Kon Tum đã bố trí 3 trung tâm cách ly. Thời gian tới nếu số lượng người nhập cảnh về đông, các khu cách ly quá tải thì sẽ chuyển người dân về khu cách ly tại các huyện”.
Trong khi đó, theo BCH BĐBP tỉnh Kon Tum, đơn vị sẽ tiếp tục duy trì 61 tổ chốt trên dọc tuyến biên giới. Bình quân mỗi chốt có từ 3 – 5 chiến sĩ biên phòng cùng với các lực lượng khác như dân quân, công an, kiểm lâm… Tại mỗi chốt, lực lượng biên phòng tỉnh bố trí bảng hướng dẫn phòng, chống dịch; đảm bảo thuốc quân y,
khẩu trang y tế, phun thuốc diệt côn trùng và các thiết bị phòng chống dịch bệnh, nước rửa tay diệt khuẩn, máy đo thân nhiệt…
Vào dịp Tết Nguyên đán, khi người qua lại đông, lực lượng BĐBP tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường làm thủ tục, dựng thêm lều bạt, phân luồng đảm bảo phòng, chống dịch. Các công dân đủ thủ tục được tổ chức cách ly tại cơ sở của BCH quân sự tỉnh. Còn các trường hợp nhập cảnh trái phép sẽ cách ly tại cơ sở của BCH BĐBP tỉnh.