24/11/2024

ĐHY Rai kêu gọi các chính trị gia Liban tìm sự đồng thuận để tránh cho quốc gia sụp đổ

ĐHY Rai kêu gọi các chính trị gia Liban tìm sự đồng thuận để tránh cho quốc gia sụp đổ

Đức Hồng y Bechara Rai, Thượng phụ Công giáo Maronite ở Liban

Đức Hồng y Bechara Rai, Thượng phụ Công giáo Maronite ở Liban, đã đưa ra lời kêu gọi chống lại tình trạng bế tắc chính trị đang ngăn cản việc hình thành một chính phủ mới và đồng thời cảnh báo về tình trạng sụp đổ hoàn toàn của Liban.

Trong Thánh lễ cử hành hôm Chúa Nhật 3/1 tại trụ sở Giáo hội Maronite ở Bkerke, cách thủ đô Beirut khoảng 22 km về phía đông bắc, Đức Hồng y nói rằng “trốn tránh trách nhiệm về sự thất bại của chính phủ không giúp ích được gì. Giải pháp không phải là không có rủi ro và tất cả những rủi ro này chẳng có nghĩa lý gì khi đối mặt với giả thuyết về một sự sụp đổ hoàn toàn” mà quốc gia đang phải đối mặt.

Bỏ qua lợi ích riêng, hành động vì lợi ích quốc gia

Theo Đức Hồng y, có thể có một sự đồng thuận giữa Tổng thống Michel Aoun và Thủ tướng Saad Hariri nếu cả hai có thể bỏ qua “áp lực”, vượt qua “lý luận của việc phân chia quyền lợi”, và hành động “vì lợi ích của Liban”. Ngài than phiền rằng “sự lạc quan thận trọng” đã có trước Lễ Giáng sinh về khả năng thành lập chính phủ dường như đã biến mất và hiện nay đất nước trở lại “điểm xuất phát”.

Quốc gia vùng Địa Trung Hải nhỏ bé với 6 triệu dân này đã không có một chính phủ hoạt động đầy đủ kể từ khi nội các từ chức sau vụ nổ cảng Beirut kinh hoàng vào ngày 4/8 năm ngoái, khiến gần 200 người thiệt mạng, khoảng 5.000 người khác bị thương và phá huỷ nhiều phần của thủ đô.

Khủng hoảng kinh tế tài chính

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, Liban đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính chưa từng có – tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến 1975-1990. Tình hình kinh tế do nạn tham nhũng tràn lan của các chính trị gia đã đẩy hàng chục ngàn người vào cảnh nghèo đói và gây ra các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ. Đồng tiền Liban đã mất hơn 2/3 giá trị so với đồng đôla Mỹ trên thị trường chợ đen, khiến giá cả tăng chóng mặt.

Vào giữa tháng 10, Tổng thống Aoun giao cho Thủ tướng Hariri  nhiệm vụ lập một nội các mới. Nhưng các bên vẫn mâu thuẫn về danh mục đầu tư khi Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng đói nghèo có thể sẽ nhấn chìm hơn một nửa dân số vào năm 2021 và dự trữ của ngân hàng trung ương giảm dần.

Nguy cơ sụp đổ và phá sản hoàn toàn của Liban

Trước đó, vào ngày đầu năm mới, Đức Hồng y Rai đã chỉ trích gay gắt các chính trị gia khi nói rằng thật là “xấu hổ” khi bắt đầu năm mới mà không có người đứng đầu mới của chính phủ. Trong bài giảng tại một Thánh lễ tại Toà Thượng phụ, ngài mô tả các chính trị gia là “các con tốt trên bàn cờ của Trung Đông và của các cường quốc”. Ngài nói rằng không ai “có quyền ngăn chặn sự thành lập của chính phủ để giải quyết các tài khoản hoặc lợi ích, trước mắt và tương lai”. Đồng thời Đức Hồng y lưu ý rằng Liban “đang nhanh chóng hướng tới sự sụp đổ hoàn toàn và phá sản”. (Asia News 04/01/2021)

Hồng Thuỷ