Stress vì tóc bạc sớm, những ‘kỹ xảo’ nào nên áp dụng?
Stress vì tóc bạc sớm, những ‘kỹ xảo’ nào nên áp dụng?
Mất tự tin, thậm chí stress vì tóc bạc sớm, nhiều bạn trẻ lao đi nhuộm tóc để giấu những sợi tóc ‘xấu xí’. Nhưng nhuộm tóc nhiều lại ảnh hưởng sức khỏe. Phải làm sao?
Tại sao tóc bạc sớm?
Sắc tố của tóc do thành phần melanin quyết định. Melanin được sản xuất bởi các tế bào sắc tố (melanocyte) tại mầm nang tóc.
Sự tạo thành sắc tố của tóc bị chi phối bởi các yếu tố chính bao gồm: môi trường (khói thuốc, ô nhiễm, lối sống không lành mạnh), dinh dưỡng (thiếu vitamin B12, tiêu thụ rượu bia, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ), nội tiết tố (rối loạn chức năng tuyến giáp), bệnh lý (bạch biến, thiếu máu, chấn thương…) và gen (chủng tộc, gia đình).
Các tế bào sắc tố bắt đầu sản xuất sắc tố ngay trước khi chúng ta được sinh ra và chức năng của các tế bào này sẽ giảm dần theo tuổi, thường bắt đầu giảm 10-20% mỗi 10 năm bắt đầu từ sau 30 tuổi.
Ngoài ra tóc lão hóa bị mất sắc tố còn là do tăng sản xuất hydrogen peroxide. Đây là một chất hoạt động như chất tẩy và tẩy trắng sợi tóc từ trong ra ngoài. Tuy nhiên cho đến nay tại sao tóc bạc sớm vẫn còn là một câu hỏi bí ẩn.
Nhuộm tóc để “giấu” tóc bạc gây ảnh hưởng thế nào?
Nhuộm tóc có nhiều loại: nhuộm dần dần (tóc sậm màu dần), nhuộm tạm (màu nhuộm bị mất đi sau 1 lần gội), nhuộm lâu (màu nhuộm bị mất đi sau 4 – 6 lần gội hoặc lâu hơn), nhuộm luôn (không mất màu khi gội đầu).
Kiểu “nhuộm luôn” gây tổn thương tóc nhiều nhất bởi các hạt màu trong thuốc nhuộm loại này có kích thước rất lớn, chúng chen lấn vào thân sợi tóc và vướng luôn ở trong đó. Thuốc nhuộm còn tẩy màu cũ của các sợi tóc. Trong quá trình tẩy màu, oxygen của chất sừng sợi tóc sẽ bị phóng thích ra khỏi sợi tóc, dẫn đến sợi tóc bị mỏng lại, xốp hơn và dễ bị chẻ, gãy.
Nếu nhuộm tóc thành màu càng sáng thì trong quá trình nhuộm tóc sẽ bị tẩy màu càng nhiều. Trong đó đỏ, vàng, xanh là các màu sáng; nâu, xám, đen là các màu tối.
Thuốc nhuộm thường chứa những thành phần sau: p-phenylenedamine (PPD), toluene-diaminesulphate (TDS), resorcinol (RES), aminoazobenzene, xylidine, aminophenol. Các thành phần này thường gây ra các tác hại sau đây cho người sử dụng:
– Tóc khô, mất bóng và dễ gãy.
– Rụng tóc.
– Viêm chân tóc (các nốt đỏ ở chân tóc, rất ngứa).
– Viêm da tiếp xúc (các mảng đỏ da, tróc vảy, phù nề, nổi mụn nước… ở những vùng da tiếp xúc thuốc nhuộm.
– Viêm da dị ứng (tổn thương tương tự viêm da tiếp xúc nhưng lan rộng ra ở cả những vùng da không tiếp xúc thuốc nhuộm như trán, cổ, mí mắt, mặt).
– Tăng hoặc giảm sắc tố da đầu.
– Nguy hiểm nhất là nguy cơ gây ung thư khi tiếp xúc thuốc nhuộm (ung thư bàng quan, ung thư hệ tạo máu, u não – màng não – thần kinh thính giác…). Nguy cơ này càng gia tăng khi thuốc nhuộm càng sậm màu.
‘Kỹ xảo’ giấu tóc bạc
Tuy nhiên không phải vì những tác hại trên mà chúng ta dè dặt đối với việc sử dụng dịch vụ thay đổi màu sắc tóc. Chúng ta nên áp dụng những điều sau đây khi nhuộm tóc nhằm hạn chế tối đa các tác hại có thể xảy ra:
– Dùng loại thuốc nhuộm quen dùng, có uy tín, có thành phần từ thiên nhiên thì tốt hơn.
– Khoảng cách giữa 2 lần nhuộm không quá gần nhau, ít nhất là 6 tháng.
– Cố gắng tránh để thuốc nhuộm chạm vào chân tóc.
– Dùng găng tay khi nhuộm hoặc cắt tóc nhuộm.
– Gội đầu bằng dầu gội có thành phần dưỡng ẩm cho da và tóc.
– Chỉ dùng dầu xả cho phần ngọn tóc.
– Chống nắng cho da đầu và tóc: đội nón sậm màu, che phủ tóc khi đi nắng.
– Điều tiết chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Ngoài ra, các bạn trẻ bị bạc tóc sớm có thể tận dụng một số kỹ xảo nhằm hạn chế tần suất nhuộm tóc. Các kỹ xảo này dựa trên “nguyên tắc xoay vòng” để thay đổi hình ảnh mái tóc, chẳng hạn như có lúc nhuộm toàn bộ mái tóc, có lúc nhuộm màu sáng, có lúc nhuộm màu sậm, có lúc chỉ highlight màu sáng xen kẽ phần tóc bạc, có lúc chỉ chấm nhuộm phần rẽ ngôi hoặc phần chân tóc bị “lộ thiên”…
Với nguyên tắc này thì sẽ không có khái niệm mái tóc bạc cho hình ảnh của chúng ta mà sẽ là một mái tóc “thời trang và luôn thay đổi”.