25/12/2024

Nở rộ thi đánh giá năng lực

Nở rộ thi đánh giá năng lực

Nhiều đại học công bố dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh năm 2021. Số trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển cũng nhiều hơn.

 

Nở rộ thi đánh giá năng lực - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức tại TP.HCM – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Các trường tổ chức thi đánh giá năng lực đều là các trường lớn, có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi này.

Nhiều đợt thi

ĐH Quốc gia Hà Nội vừa cho biết năm 2021 dự kiến kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức tại Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội với quy mô khoảng 10.000 thí sinh, thi 4 – 5 đợt từ tháng 5 đến tháng 10, mỗi đợt khoảng 1.000 – 2.000 thí sinh.

Trước đó, năm 2015 ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên cả nước tổ chức kỳ thi riêng với bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào. Nhưng đến năm 2017, ĐH Quốc gia Hà Nội quyết định dừng tổ chức kỳ thi này và chỉ xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi THPT quốc gia.

GS.TS Nguyễn Đình Đức, trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội có thể mở rộng quy mô thông qua khai thác nguồn lực, cơ sở vật chất của các đơn vị thành viên, trực thuộc hoặc đối tác và ủng hộ sự tham gia của các đơn vị khác trong việc sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển nhằm tiết kiệm nguồn lực.

“Cũng như những kỳ thi đánh giá năng lực của các năm 2015 và 2016, thí sinh hoàn thành bài thi đánh giá năng lực trong một buổi thi của mỗi đợt thi. Kết quả thi được thông báo ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi cho thí sinh sau ba tuần kể từ ngày dự thi” – ông Đức cho biết thêm.

Trong khi đó, ĐH Quốc gia TP.HCM chốt phương án tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào năm 2021. Theo đó, kỳ thi này sẽ được tổ chức hai đợt: đợt 1 dự kiến vào ngày 28-3-2021 và đợt 2 diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào ngày 4-7-2021.

TS Nguyễn Quốc Chính, giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 vẫn giữ ổn định như các năm trước về cách thức tổ chức thi, hình thức làm bài và cấu trúc đề thi.

Những điều chỉnh nhỏ về mặt kỹ thuật hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh khi tham dự kỳ thi này. Các cụm thi đã ổn định năm trước sẽ tiếp tục duy trì trong kỳ thi năm 2021 như TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng.

Thí sinh có thêm lựa chọn

Bên cạnh đó, đến nay cũng có nhiều trường dự kiến tự tổ chức kỳ thi riêng trong năm 2021, hầu hết đều là những trường đại học lớn, có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Năm 2021, trường sẽ tuyển sinh theo ba phương thức. Trường cũng sẽ tiếp tục bổ sung thêm môn thi cho kỳ thi riêng để thí sinh có thêm lựa chọn”.

Cụ thể, phương thức 1: xét tuyển theo hồ sơ tài năng dành cho đối tượng là học sinh các lớp chuyên, có học lực giỏi; học sinh có chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh, chứng chỉ SAT, A-Level; học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên các môn toán, lý, hóa, sinh, tin học. Phương thức 2: tuyển sinh từ kỳ thi riêng. Phương thức 3: sử dụng điểm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Nhà trường sẽ kiện toàn thêm phương thức tổ chức thi riêng cho năm 2021. Theo đó, dự kiến ngoài đánh giá tư duy trên cơ sở đọc hiểu và môn toán có phần tự luận, sẽ thêm tổ hợp môn khoa học tự nhiên để thí sinh có sự lựa chọn. Thí sinh có thể lựa chọn thêm môn thi để theo hướng vào các ngành kỹ thuật khác. Đây là hình thức cải tiến kỳ thi riêng của trường” – ông Điền chia sẻ.

Theo TS Hà Thúc Viên – phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, năm 2021 trường sẽ tuyển 460 chỉ tiêu cho bảy ngành theo ba phương thức là xét tuyển học bạ (4 học kỳ lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 cho các trường THPT do nhà trường quy định).

Xét tuyển thẳng đối với các thí sinh có các văn bằng/chứng chỉ tốt nghiệp THPT quốc tế như TestAS, SAT, IBD, AS/A-Level, IGCSE, WACE…, hoặc thí sinh đoạt giải học sinh giỏi Olympic quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia. Trường cũng dự kiến sẽ dành khoảng 70% chỉ tiêu để xét tuyển những thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức vào tháng 5-2021.

“Kỳ thi đánh giá năng lực được trường tổ chức các năm trước sử dụng bài thi TestAS hiện đang áp dụng cho học sinh Việt Nam và quốc tế. Bài thi này gồm thi ngoại ngữ trực tuyến, kiến thức cơ bản (110 phút) và kiến thức chuyên ngành (từ 145 – 150 phút).

Trong đó, bài thi cơ bản kiểm tra các kỹ năng tổng quát về toán học cơ bản, suy luận logic, quy luật chuỗi số… Bài thi chuyên ngành được thiết kế theo các nhóm ngành khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn một trong các bài gồm: nhân văn, văn hóa và khoa học xã hội; khoa học kỹ thuật; toán học, khoa học máy tính và khoa học tự nhiên; kinh tế học” – ông Viên cho biết thêm.

Tăng chỉ tiêu, thêm địa điểm tổ chức thi

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, năm 2020 có gần 70 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để tuyển sinh. “Dự kiến năm 2021 sẽ tiếp tục tăng chỉ tiêu hơn mức 40% tổng chỉ tiêu của các trường thành viên xét tuyển từ kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực. ĐH Quốc gia TP.HCM cũng dự kiến mở rộng thêm địa điểm tổ chức kỳ thi năm 2021 ở khu vực Tây Nguyên và một cụm thi khác ở miền Trung, để thí sinh thuận lợi hơn trong việc di chuyển. Việc này sẽ được hội đồng thi quyết định dựa trên thực tế số lượng thí sinh đăng ký dự thi” – ông Chính nói.

Năm ngoái dừng, năm nay tổ chức lại

Năm 2021, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng dự định tổ chức lại kỳ thi năng lực để tuyển sinh vào cuối tháng 5-2021. Nhà trường dự kiến sẽ nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ tháng 4-2021. TS Trần Tiến Khoa, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Phương thức tuyển sinh bằng kiểm tra năng lực từng được trường tổ chức các năm 2017, 2018, 2019. Năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên trường dừng tổ chức kỳ thi này. Tuyển sinh năm 2021, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi năng lực để tuyển từ 20 – 35% chỉ tiêu tuyển sinh”.

TRẦN HUỲNH
TTO