Chống sách giả trên mạng: trông cậy nhiều vào người đọc?
Chống sách giả trên mạng: trông cậy nhiều vào người đọc?
Cùng với các kênh thương mại điện tử phát hành sách đang được bạn đọc tín nhiệm, gần đây một số trang web, fanpage ra đời có dấu hiệu bán sách giả, tiếp tay hành vi sản xuất hàng giả và gian lận thương mại.
Mới đây, một bạn đọc đã mua nhầm một lượt 4 quyển sách giả từ hai trang web bán sách online và bức xúc gửi thư phản ánh đến Tuổi Trẻ.
Có lời khuyên nào dành cho bạn đọc để tránh mua nhầm sách giả trên mạng? Trước tình trạng bán sách giả qua mạng tùy tiện, cần một biện pháp cấp thời nào? Tuổi Trẻ một lần nữa đặt vấn đề cho lãnh đạo ngành xuất bản và những người trực tiếp sản xuất sách.
* Ông Nguyễn Thành Nam (phó giám đốc, quyền tổng biên tập NXB Trẻ):
Quản lý chặt các fanpage bán sách
Để tránh mua nhầm sách giả, đặc biệt là mua trên mạng, độc giả nên chọn các cửa hàng uy tín trên các nền tảng thương mại điện tử uy tín.
Tránh những fanpage không rõ nguồn gốc trên Facebook và những fanpage luôn chạy quảng cáo những chương trình giảm giá sách, bán combo sách giá rẻ của các NXB, các công ty sách.
Mấy trang fanpage được lập ra với mục đích bán sách giả đang vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả (các NXB, công ty sách…).
Theo cách thông thường là chúng ta yêu cầu họ phải chấm dứt hành vi xâm phạm này, phải xin lỗi, cải chính thông tin và bồi thường thiệt hại hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để xử lý.
Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là các fanpage không để địa chỉ, thông tin rõ ràng. Do vậy, bản thân NXB chúng tôi khi phát hiện những trang như vậy đều báo cáo (report) Facebook về tình trạng các trang đó, đồng thời kêu gọi bạn đọc tránh xa những fanpage như thế để kẻo mua nhầm sách có chất lượng kém.
Tuy nhiên, chúng ta cần biện pháp mạnh hơn và lâu dài hơn là các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan phải vào cuộc, phối hợp với nhà quản lý nền tảng mạng xã hội (như Facebook) để quản lý chặt các fanpage bán sách cũng như có biện pháp xử lý thích đáng những trang vi phạm.
Các biện pháp xử lý cần có sự phối hợp tổng thể của nhiều bên và sự chung tay của độc giả là một bên rất quan trọng.
* Bà Ngô Phương Thảo (giám đốc Công ty sách Anbook):
Độc giả nên lưu ý giá và trang nguồn
Với bạn đọc, cần có ba lưu ý:
1/ Lưu ý về giá: dưới mức 50% giá bìa là báo động đỏ rằng đó sẽ là sách giả, bạn đọc cần tham chiếu giá bìa ở các kênh uy tín như Fahasa, các công ty sách, Tiki…
2/ Lưu ý về chất lượng và thông tin bìa trên hình ảnh: tên, logo nhà xuất bản; tên tác giả – dịch giả; tên sách: những chi tiết trên phải đầy đủ, rõ nét, chất lượng cao.
3/ Lưu ý về trang nguồn: trang web chính thức của đơn vị xuất bản; fanpage chính thức của đơn vị xuất bản; trang web của các đơn vị bán sách uy tín, dễ dàng truy xuất xuất xứ; fanpage của các đơn vị uy tín, có liên kết với trang web của đơn vị uy tín.
Đồng thời từ phía những nhà phát hành cũng cần làm ít nhất 3 việc:
1/ Đề xuất tick xanh với Facebook hay những trang khác như Instagram, Tiktok…
2/ Công bố những kênh bán hàng chính thức của đơn vị mình trên website – fanpage.
3/ Liên kết với Hội Xuất bản, nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông chính thức để tạo ra một chiến dịch tổng thể tạo nhận thức cho độc giả VN về sách thật – chương trình cần dài hơi, sáng tạo, bài bản.
* Ông Nguyễn Nguyên (cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành):
Cần sự chung tay giữa Nhà nước, nhà sách và bạn đọc
Về vấn đề này, vừa trước mắt vừa lâu dài, chúng tôi đang thực hiện 4 việc:
– Thứ nhất là phải hoàn thiện thể chế, trong đó có luật hóa một số quy định hoạt động thương mại điện tử liên quan đến sách.
Hiện nay còn đang có khoảng trống, các quy định chưa bao quát hết. Trong thời gian tới, các văn bản dưới luật sẽ khắc phục các hạn chế này.
– Thứ hai là tăng cường quản lý, trong đó có các mũi nhọn như: phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Tin học hóa, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử… vì hiện nay việc bán sách qua mạng chủ yếu trên mạng xã hội, thuộc lĩnh vực của Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.
Tôi cũng đã gửi công văn sang cục đó rồi và chúng tôi sẽ còn phải phối hợp để rà soát, phát hiện các đối tượng vi phạm, từ đó có hướng xử lý nghiêm.
Đồng thời cũng sẽ có khuyến cáo với các NXB là nếu có bị vi phạm cũng có thể kiện ra tòa như một biện pháp xử lý theo tư pháp. Tôi cho rằng đó là giải pháp tốt.
– Thứ ba là ứng dụng công nghệ. Hiện nay khó khăn nhất trong xử lý vi phạm loại này là không biết phân biệt thế nào là sách thật và sách giả. Vừa rồi chúng tôi có làm việc với một loạt đơn vị làm tem.
Tôi có đề nghị là cục sẽ không đứng ra làm con tem nào cả, chỉ khuyến cáo và tìm kiếm đơn vị nào làm tem rẻ nhất để các NXB, các nhà sách chủ động tự tìm đến đặt hàng và dán lên các sách có nguy cơ làm giả cao, để các cơ quan chức năng có cơ sở phân biệt đâu là sách thật.
– Thứ tư là tuyên truyền sâu rộng cả mấy cấp: trước hết các NXB, các đơn vị liên kết… có ý thức bảo vệ tài sản và giữ gìn bản quyền và quyền lợi của mình, đồng thời không xâm phạm quyền lợi của người khác. Tiếp theo là đối với người tiêu dùng.
Chúng ta cần có những người tiêu dùng thông minh và họ sẽ có những lựa chọn sáng suốt, cũng chính là góp phần bảo vệ thị trường xuất bản. Và việc người ta có ý thức không mua sách lậu, sách giả trên mạng chính là điều kiện tiên quyết.
Đầu tháng 11, tôi đặt mua 4 cuốn sách (Bàn về chiến tranh – NXB Quân Đội Nhân Dân, Bhagavad-gita nguyên nghĩa – NXB Tôn Giáo, Thái ất thần kinh – NXB Hồng Đức, Binh thư yếu lược – NXB Khoa Học Xã Hội) với tổng tiền 1,3 triệu đồng.
Mở ra xem thì toàn là sách tự in lại, không phải sách do NXB phát hành, người bán còn tự ý đóng dấu watermark là đường link trang web có đuôi “.net” và “.info” ở trang đầu sách để quảng cáo.
Ba trong bốn cuốn sách tôi mua là sách mới phát hành chưa lâu (2006-2018) nhưng đã bị in nhái, bản in lại mờ và nhòe không đọc được. Tôi gọi đến hotline khiếu nại thì họ không phản hồi, còn chặn số của tôi.
Bạn đọc Bùi Hải Yến