23/01/2025

TP.HCM dự kiến thu học phí mức thấp nhất

TP.HCM đang tính toán đến phương án đưa mức học phí bậc THCS về mức thấp nhất khi chờ luật Giáo dục sửa đổi có nội dung miễn học phí bậc mầm non, THCS được Quốc hội thông qua.

 

TP.HCM dự kiến thu học phí mức thấp nhất

TP.HCM đang tính toán đến phương án đưa mức học phí bậc THCS về mức thấp nhất khi chờ luật Giáo dục sửa đổi có nội dung miễn học phí bậc mầm non, THCS được Quốc hội thông qua.

 
 
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) thực hành sử dụng thiết bị thấu kính ảnh trong phòng học STEM /// BẢO CHÂU

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) thực hành sử dụng thiết bị thấu kính ảnh trong phòng học STEM  BẢO CHÂU

 
Theo Nghị định 86 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến năm học 2020 – 2021, khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông theo vùng miền áp dụng từ năm học 2015 – 2016 như sau; Vùng thành thị từ 60.000 – 300.000 đồng; nông thôn từ 30.000 – 120.000 đồng; miền núi từ 8.000 – 60.000 đồng. Từ năm học 2016 – 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch – Đầu tư thông báo.
 

Với chủ trương này, theo lộ trình, liên sở GD-ĐT và Tài chính sẽ xây dựng phương án mức học phí cụ thể tham mưu UBND TP trình HĐND trong kỳ họp sắp tới. Theo một lãnh đạo của Sở GD-ĐT, hy vọng HĐND thông qua chủ trương để áp dụng vào tháng 1.2019, như chủ trương trước đó của TP trong việc miễn học phí.

 
Mong muốn miễn học phí cho học sinh THCS
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 18 diễn ra vào tháng 10 vừa qua có đề cập đến phương án đưa học phí bậc THCS về mức tối thiểu theo khung quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ trong khi chờ luật Giáo dục sửa đổi có nội dung miễn học phí bậc mầm non, THCS được Quốc hội thông qua.
 
Sở dĩ, TP.HCM có sự điều chỉnh và tính toán phương án thay đổi học phí đối với bậc THCS vì trước đó vào ngày 13.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM về công tác chuẩn bị cho năm học mới. Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thông tin: “TP tính toán và cân đối ngân sách để có thể từ tháng 1.2019, học sinh (HS) bậc THCS tại TP sẽ được miễn học phí. Quan điểm của TP là mọi người đều có quyền học, mọi người phải có trách nhiệm cho con em đi học”.
 
 
Kiên trì đeo đuổi
Ngay sau khi nhận được văn bản trả lời của Bộ Tài chính, TP.HCM vẫn có những động thái quyết tâm theo đuổi chủ trương miễn học phí bậc THCS. Theo đó, vào đầu tháng 11, Sở Tài chính gửi UBND TP thuyết minh các nội dung trả lời Bộ Tài chính về chính sách miễn học phí cho HS bậc THCS tại các trường công lập trên địa bàn. Trong văn bản có nêu: “Việc thí điểm miễn học phí thể hiện sự chăm lo của chính quyền TP đối với người dân. Đồng thời, nhằm đảm bảo mọi đối tượng trong độ tuổi đều được tiếp cận giáo dục, giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội, hạn chế tình trạng bỏ học và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường…, TP.HCM cần có chính sách miễn học phí bậc THCS”.

 

Sau đó, vào ngày 10.9, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp thường trực UBND TP nghe báo cáo về chủ trương miễn học phí cho HS bậc THCS. Thống nhất đề xuất của liên sở Tài chính – Giáo dục vào ngày 28.8 về chính sách miễn học phí cho HS bậc THCS. Giao Văn phòng UBND tham mưu, trình UBND TP.HCM văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép TP được xem xét miễn học phí bậc THCS.

Chưa được thông qua
Ngày 12.9, UBND TP.HCM chính thức gửi văn bản đến Bộ Tài chính xin chủ trương miễn học phí cho HS bậc THCS tại các trường công lập thuộc TP.HCM. Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính, UBND TP.HCM cho biết hiện nay TP thu học phí bậc THCS theo 2 mức: 100.000 đồng/HS/tháng (áp dụng trên địa bàn 19 quận nội thành); 85.000 đồng/HS/tháng (áp dụng trên địa bàn 5 huyện ngoại thành). Số tiền thu học phí bình quân 350 tỉ đồng/năm. Và nguồn kinh phí để bù đắp chi phí khi miễn học phí bậc THCS sẽ cân đối từ ngân sách của TP.
Đến ngày 10.10, Bộ Tài chính gửi công văn trả lời UBND TP.HCM với những nội dung như sau: “Việc miễn học phí cho HS bậc THCS tại các trường công lập thuộc TP.HCM thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Việc quy định đối tượng không đóng học phí phải được quy định trong luật Giáo dục – thuộc thẩm quyền của Quốc hội”. Đồng thời, Bộ Tài chính có ý kiến đề cập đến tác động về miễn học phí rằng: “Do TP.HCM là địa phương có thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao trong cả nước nên mức đóng học phí từ 85.000 – 100.000 đồng/tháng/HS không phải quá lớn, tạo gánh nặng cho cha mẹ HS. Đồng thời việc miễn giảm học phí sẽ tạo sự không thống nhất giữa các gia đình có con theo học bậc THCS trên địa bàn TP và các địa phương liên quan”.
 
Ý kiến
 
Quyết định hợp “cả tình lẫn lý”
“Thành ủy chủ trương vẫn tiếp tục thu học phí nhưng ở mức thấp nhất là hợp “cả tình lẫn lý”. Đây là quyết định sáng suốt trong thời điểm này. Qua đó, người dân thấy được sự chăm lo của chính quyền cho người dân, tạo điều kiện cho người dân, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng được đến trường”.
Ông Nguyễn Văn Ngai 
(nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
 
Thể hiện sự quan tâm của thành phố
“Phương án hạ mức học phí là việc làm trong tầm tay của TP khi mà đề xuất miễn học phí chưa được thông qua. Việc này thể hiện sự quan tâm của TP đối với người dân mà vẫn không ảnh hưởng đến sự thống nhất chung trên cả nước”.
Ông Lưu Hồng Uyên
 (Trưởng phòng Giáo dục Q.6)
 
Tạo mọi điều kiện cho người dân
“Sự đeo bám trong việc miễn giảm học phí cho HS cho thấy lãnh đạo TP quan tâm đến giáo dục, tạo mọi điều kiện cho người dân có con em đang tuổi đến trường”.
Nguyễn Trần Thảo Quyên
 (phụ huynh HS Trường THCS Trần Hữu Trang Q.5)

 

BÍCH THANH