23/12/2024

Chúa Nhật II Mùa Vọng, B 2020: Sửa lại con đường của Chúa

Mỗi người chúng ta là con đường của Chúa. Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, để khi mọi người nhìn vào ta, họ nhận ra Chúa ở trong ta và ta dẫn họ tới Chúa. Hơn nữa, khi ta đi theo Chúa Giêsu, sống theo đường lối của Người, ta trở thành hiện thân của Chúa Giêsu, trở thành con đường dẫn con người tới Chúa Cha.

Chúa Nhật II Mùa Vọng, B 2020

Sửa lại con đường của Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Nhật II Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn lại con đường của Chúa (x. Bài đọc I: Is 40,1-5.9-11) và sửa lại con đường đó cho ngay thẳng như ông Gioan Tẩy Giả đã làm theo sứ mệnh được Chúa trao phó (x. Mc 1,1-8). Vậy, con đường đó là gì, tình trạng nó thế nào và làm sao để sửa lại là những điều ta cần tìm hiểu trong tuần này.

1. Con đường của Chúa là gì?

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta hiểu: đường là lối đi nhất định được tạo ra để nối liền những địa điểm, nơi chốn. Nó còn được hiểu là cách thức hành động để đạt được mục đích nào đó, ví dụ như “đường cách mệnh”, “đường lối ngoại giao”. Đôi khi người ta còn hiểu đường là một tình trạng, một phong cách sống, như trong câu thơ của cụ Phan Bội Châu gửi cho linh mục Mai Lão Bạng khi ông bị giam trong tù vì phong trào Đông Du: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai!”.

Trong Thánh Kinh Cựu Ước, người ta dùng từ “con đường của Chúa” để chỉ cách thức Thiên Chúa hành động, điều khiển con người và vạn vật, hay “con đường cho Chúa” để chỉ những hành động tốt đẹp, cách sống liêm chính dẫn đưa người khác gặp được Chúa.

Chúng ta vừa nghe tiên tri Isaia nhắc bảo: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa sẽ tuyên phán” (Is 40,3-5).

Sau khi vào được đất Hứa, dân Israel còn phải “tiếp tục bước đi trong đường lối Chúa” (Tv 128,1), “tuân giữ các luật pháp của Chúa” (Tv 119,1). Đó là con đường của sự sống (Cn 2,19; 5,6; 6,23; 15,24) bảo đảm cho người đi theo được sống trường thọ và thịnh vượng. Còn con đường của kẻ xấu (Tv 1,6) và kẻ tội lỗi (Tv 1,1) chỉ dẫn đến cái chết (Cn 12,28) và sự diệt vong (Tv 1,6).

Trong thời Tân Ước, Thiên Chúa sẽ thực hiện một cuộc xuất hành mới để đưa toàn thể nhân loại và vũ trụ vào miền đất sự sống kỳ diệu, để họ được an nghỉ (x. Dt 4,8), được cứu độ hoàn toàn, được biến đổi tận cùng. Vì vậy Ngài sẽ làm nên một con đường mới mẻ và Thiên Chúa yêu cầu: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3).

Đức Giêsu Kitô chính là con đường mới này như Người đã xác nhận: “Tôi là con đường” (Ga 14,6). Người là con đường nối hai điểm: Thiên Chúa – con người vì Người là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để nâng con người lên tới Thiên Chúa qua cái chết và cuộc sống lại của mình. Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13) và nói với các môn đệ: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Thư Do Thái đã xác định: “Đức Giêsu đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động, qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10,20). Bức màn trong cung thánh đó đã xé rách từ trên xuống dưới (x. Mt 27,51), qua cái chết của Chúa Giêsu, để ta gặp gỡ được Thiên Chúa. Con đường Đức Giêsu dẫn ta đến sự thật toàn diện và sự sống siệu việt của Thiên Chúa, nên Người mời gọi chúng ta hãy bước theo Người (x. Mt 4,19; Lc 9,57-62; Ga 12,35).

Cuối cùng, mỗi người chúng ta là con đường của Chúa. Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, để khi mọi người nhìn vào ta, họ nhận ra Chúa ở trong ta và ta dẫn họ tới Chúa. Hơn nữa, khi ta đi theo Chúa Giêsu, sống theo đường lối của Người, ta trở thành hiện thân của Chúa Giêsu, trở thành con đường dẫn con người tới Chúa Cha.

2. Tình trạng con đường hiện nay

Ngày nay, với những phương tiện và kỹ thuật hiện đại, người ta xây dựng được rất nhanh những con đường vật chất rộng rãi, bằng phẳng, gọi là những xa lộ, đường cao tốc. Người ta có thể làm những con đường hầm chui dưới sông, xuyên qua núi, qua biển hay tạo nên những đường hàng không để đến được các vùng đất xa xôi chỉ có băng tuyết, núi đá.

Tuy nhiên, những con đường tinh thần dẫn tới Chúa, hay chính con đường của Chúa thì lại bị bỏ hoang không còn ai xây dựng hay sửa chữa. Trong xu thế hưởng thụ vật chất, người ta nghĩ rằng con đường của Chúa vô hình, chẳng dẫn tới đâu hay mang lại một lợi ích cụ thể nào.

Chính con người là thụ tạo được Chúa dựng nên, đã chối bỏ Chúa là nguồn hiện hữu của mình, rời xa đường lối chính trực công minh của Chúa. Con người như bình đất sét nói với người thợ gốm: “Ông không làm ra tôi”. Rất nhiều người theo những chủ nghĩa vô thần, duy vật, hiện sinh, đã công khai lên tiếng chối bỏ sự hiện hữu của Chúa. Họ đã đi theo con đường của quỷ dữ dẫn đến cái chết, khi chiều theo những tham vọng và dục vọng.

Tuy nhiên, như thánh Phêrô nói trong Bài đọc II: “Kỳ thực Thiên Chúa kiên nhẫn với anh em vì Ngài không muốn cho ai bị diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn, hối cải” (2Pr 3,9).

Chính con đường cụ thể của Chúa là Đức Giêsu Kitô cũng đã bị chối bỏ. Người Do Thái cho tới ngày nay vẫn không công nhận Đức Giêsu. Họ vẫn mong chờ một Đấng Mêsia nào đó, dù Đức Giêsu trong thời của Người đã làm biết bao phép lạ, cho kẻ chết sống lại và chính Người đã chết và sống lại vì họ.

Trong dòng lịch sử hiện nay, Đức Giêsu cũng đang bị chối bỏ. Cuộc đời của Người, giáo lý của Người đang bị xuyên tạc không phải chỉ bởi những người duy vật, vô thần, mà còn bởi chính chúng ta là những môn đệ của Người, là những người đang đi trên con đường Giêsu, nhưng lại không chấp nhận Giêsu!

Những anh em Tin Lành theo phong trào giải trừ huyền thoại Phúc Âm, do nhà thần học Rudoft Bultmann (1884-1976) khởi xướng, đã loại bỏ tất cả những hành động phi thường, gọi là phép lạ, thậm chí cả cuộc sống lại của Chúa Giêsu. Họ nghĩ rằng khi làm như thế, thì những người thời nay, chuộng khoa học thực nghiệm, sẽ dễ đón nhận Lời Chúa hơn. Nhưng đó là hành động làm sai lạc, biến dạng con đường Giêsu.

Còn chúng ta, những người Công giáo, đang tự hào xưng mình là hiện thân của Chúa Giêsu, thử hỏi, khi người khác nhìn vào đời sống của ta, họ có nhận ra Chúa Giêsu không? Sau nhiều thế kỷ truyền đạo, hiện mới chỉ có 18% dân số trên khắp thế giới tin theo Đức Giêsu, và ở Việt Nam mới chỉ có 6,1% dân số. Rất nhiều người trẻ hiện nay không biết Đức Giêsu là ai, bởi vì những phim ảnh, sách báo, thậm chí cả chương trình giáo dục, đã cố ý xuyên tạc, loại bỏ Đức Giêsu ra ngoài.

3. Sửa lại con đường cho Chúa

Hình ảnh Gioan Tẩy Giả như mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại đường đời của mình, bởi vì Thiên Chúa đã chọn ta, đặt ta làm sứ giả, sai ta đi dọn đường cho Chúa: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con” (Mc 1,2).

Gioan Tẩy Giả đã gợi ý cho ta khi ông loan báo Đức Giêsu là con đường cứu độ, là Đấng Mêsia phải đến để mang lại ơn giải thoát cho con người và vũ trụ bằng cách sống theo tinh thần nghèo khó của chính Chúa Giêsu. “Ông mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”. Tinh thần nghèo khó này mời gọi con người thời đó, cũng như thời nay, đừng chạy theo những đam mê, hưởng thụ vật chất, những tham vọng và dục vọng để chối bỏ Đức Giêsu.

Vì thế, chúng ta được mời gọi nhìn lại đường đời của mình để sửa chữa những chỗ lồi lõm, cong queo không ngay thẳng. Làm sao cho người khác, khi nhìn vào đời sống của ta, nhận ra Đức Giêsu đang ở trong ta, nhận ra Cha của Đức Giêsu đang yêu thương ta, nhận ra Chúa Thánh Thần đang hành động nơi ta, bằng một đời sống “tinh tuyền, không chi đáng trách, và bình an thật sự” (2Pr 3,14).

Lời kết

Như thế, chúng ta mới cảm nhận được Chúa đến với ta trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh này.

HKK