23/12/2024

Chúa Nhật I MV B 2020: Tỉnh táo để trân trọng từng giây phút sống trên đời

Những hành động của ta, dù làm bất cứ việc gì, vào bất cứ lúc nào, ta đều đưa tình yêu, đưa ý thức vào trong chúng, thì mỗi giây phút sống đều có giá trị và đều đóng góp vào công trình của Chúa Giêsu.

Chúa Nhật I MV B 2020

Tỉnh táo để trân trọng
từng giây phút sống trên đời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta bắt đầu một năm Phụng vụ mới với Mùa Vọng: mùa mong chờ Chúa đến trong niềm hy vọng. Nhưng bao giờ Chúa đến và đến như thế nào? Các bài Thánh Kinh hôm nay mời gọi chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của thời gian, của từng giây phút ta sống ở đời này để không bất ngờ khi Chúa đến.

1. Hai quan niệm khác nhau về thời gian

Theo định nghĩa trong Từ điển Việt Nam hiện nay: “Thời gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất (cùng với không gian), trong đó vật chất vận động và phát triển liên tục” (x. Từ điển Tiếng Việt 2013 của Viện Ngôn ngữ). “Thời gian là khái niệm để xác định trình tự diễn tiến và khoảng cách kéo dài của các biến cố” (x. Từ điển Bách khoa Việt Nam, mục từ “Thời gian”). Hầu hết các dân tộc, qua nền văn hoá, có hai quan niệm khác nhau về thời gian: thời gian tính theo vòng tròn hay tính theo đường thẳng.

Trước hết, thời gian giống như một vòng tròn xoay mãi không ngừng với những điểm tính bằng giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm để định hình cho công việc. Một giờ có 60 phút, một phút có 60 giây, mỗi ngày có 24 giờ. Sáng chúng ta thức dậy, vệ sinh, ăn sáng rồi đi học hay đi làm. Trưa về ăn trưa, nghỉ một chút rồi lại tiếp tục học hành, làm việc đến chiều. Tối đến lại ăn uống và nghỉ ngơi; ngày hôm sau ta lại tiếp tục những công việc gần giống với ngày hôm trước. Tháng bắt đầu với trăng tròn, trăng khuyết, rồi lại trăng tròn. Năm với bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông liên tục nhau trở lại sau vòng quay như vậy. Người ta nghĩ rằng cuộc đời con người cũng xoay vòng ổn định như thế, không có gì lạ lùng, vì những chuyện xảy ra cho ta hay trên thế giới hôm nay cũng đã từng xảy ra trong quá khứ.

Khi chỉ nghĩ đến vật chất như vậy, người ta thấy rằng bao nhiêu việc làm, bao nhiêu sự cố gắng học hành, bao nhiêu của cải, tài sản, đến một lúc nào đó, đều phải buông bỏ, khi cho rằng chết là hết, vì không còn vật chất nữa nên cũng không còn thời gian và không gian.

Nhiều người nghĩ đến vòng luân hồi như thế nên chỉ muốn sống và hưởng thụ theo ý thích và tự do của mình. Tại sao ta phải đánh răng mỗi ngày? Nếu bớt thời gian đánh răng, ta có thêm thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi! Tại sao phải ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày? Nếu bớt thời giờ ngủ đi, ta sẽ làm được nhiều việc hơn! Đó là chủ trương của những người theo thuyết hiện sinh duy vật.

Trong niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng làm chủ lịch sử của con người và vũ trụ, người Do Thái lại quan niệm thời gian như một đường thẳng. Chúng ta biết đường thẳng được thành hình bởi những chấm liên tục kế tiếp nhau. Mỗi chấm nhỏ là một sự kiện xảy ra trong đời sống. Họ tin rằng đường thẳng đó bắt đầu từ vô biên với Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tinh thần, nên khi con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa vừa có thể xác vừa có tinh thần, thì con người được đưa vào trong kế hoạch tổng thể của Ngài. Dù con người phạm tội, Thiên Chúa vẫn cứu độ con người và vũ trụ bằng tình yêu của Ngài, nên mỗi biến cố trong dòng lịch sử đều hướng người Do Thái và mọi dân tộc về nước Thiên Chúa với Đấng Mêsia sẽ được gửi đến. Cho đến nay, người Do Thái vẫn tiếp tục mong đợi Đấng Mêsia đó.

Đối với người Kitô hữu chúng ta, thời gian là ân huệ của Chúa vì mỗi giây phút, mỗi biến cố trong đời sống của con người cũng như của toàn thể vũ trụ đều bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Từ muôn thuở, Ngài yêu thương tất cả, muốn chia sẻ những gì tốt đẹp, cao quý, kỳ diệu của mình nên đã dựng nên vũ trụ và đặt chúng ta vào trong kế hoạch tổng thể tình yêu của Ngài. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người đã đón nhận thể xác vật chất và đã đưa ân sủng cứu độ vào tinh thần con người, để sau cái chết và cuộc sống lại của Người, tất cả được biến đổi, được thăng hoa.

2. Ý nghĩa của thời gian

Vì thế, thời gian bây giờ không còn vô nghĩa, mỗi hành động ta lặp đi lặp lại trong từng ngày sống đều có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Mỗi chấm tạo nên đường thẳng là các biến cố, những hành động trong cuộc đời của con người, của dân tộc hay của toàn thể vũ trụ đều có ý nghĩa vì nó chứa đựng tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chứa đựng tình yêu của ta khi hành động vì yêu Chúa hay vì yêu anh chị em. Vì thế, hôm nay Giáo Hội mời gọi ta tìm ra ý nghĩa của thời gian, ý nghĩa của từng giây phút sống.

Trong Bài đọc I, tiên tri Isaia nhắc nhở rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta: “Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con… Ngài là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (Is 63,16; 64,7). Như thế, ta không còn là một hạt bụi vô nghĩa, một cục đất sét vô danh nào đó có thể tan vỡ bất cứ lúc nào. Nhưng ta là con người, là hình ảnh của Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên ta bằng tất cả tình yêu, chia sẻ cho ta sự sống vĩnh hằng, sự khôn ngoan vô tận và vẻ đẹp tuyệt vời của Ngài. Do đó, hành động đánh răng buổi sáng nay của tôi khác với hành động đánh răng của ngày hôm qua, hôm qua tôi đánh răng không có ý thức gì hết, nó có vẻ là vô nghĩa; nhưng hôm nay tôi đánh răng với tất cả tình yêu, vì sức khoẻ của tôi để tôi phục vụ anh chị em khác. Khi đó hành động đánh răng có giá trị mãi mãi.

Khi con người xúc phạm đến Thiên Chúa qua tội nguyên tổ, Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong thân phận đau khổ, Ngài đã sai Con của Ngài là Ngôi Lời trở thành người để cứu độ muôn loài. Chúng ta đang chờ đợi Con Chúa đến với Mùa Vọng này để chuẩn bị cho ngày lễ Giáng Sinh sắp tới, nhưng Người còn đến với tất cả vinh quang trong cuộc giáng lâm vinh hiển.

Thánh Phaolô trong Bài đọc II nhắc nhở chúng ta: “Thiên Chúa là Đấng trung thành đã kêu gọi anh chị em đến hiệp thông với Con của Ngài là Đức Giêsu, Chúa chúng ta” (1Cr 1,9). Khi gắn bó với Đức Giêsu, “Đấng làm chủ thời gian và muôn thế hệ” (x. Lời nguyện khi cắm dấu thánh vào ngọn nến Phục Sinh), ta hiểu rằng Đức Giêsu sẽ chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng và sự sống vĩnh hằng của Người để ta trở thành con cái Thiên Chúa giống như Người, để những hành động dù nhỏ bé nhất trong đời ta cũng mang một giá trị vĩnh hằng như Người. Thánh Phaolô đã nhắc: “Trong Đức Giêsu Kitô, anh chị em được phong phú về mọi phương diện khiến anh chị em không thiếu một ân huệ nào trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mạc khải vinh quang của Người” (1Cr 1,5-7).

Như thế, mỗi giây phút ta sống, mỗi hành động ta làm đều có giá trị vĩnh cửu vì có thể mang lại những ân huệ hết sức lớn lao cho ta cũng như cho người khác bởi vì đều là hành động cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Cuộc sống của ta, từ những chấm rất nhỏ, từ những công việc có vẻ vô nghĩa hằng ngày, khi nối kết với nhau thành ngày, thành tháng, thành năm, sẽ tạo nên một đường dài vô tận để ta gặp gỡ Đức Giêsu Kitô và mở ra đến vô biên để ta có thể kết hợp mật thiết với Cha của Người.

3. Tỉnh táo để trân trọng từng giây phút sống trong đời

Chúa Giêsu hôm nay mời gọi ta hãy tỉnh táo (x. Mc 13,33-37). Tỉnh táo là ở trạng thái tỉnh, không buồn ngủ, không mê muội, vẫn minh mẫn, không để cho tình hình rắc rối, phức tạp tác động đến tư tưởng, tình cảm của mình (x. Từ điển Tiếng Việt 2013). Tỉnh táo không phải vì sợ Chúa đến bất ngờ khi ta đang ngủ mê trong tham vọng và dục vọng, không kịp ăn năn tội lỗi, không kịp nhận bí tích xức dầu. Tỉnh táo vì mỗi giây phút ta sống, mỗi chấm nhỏ trong cuộc đời ta, mỗi hành vi dường như vô nghĩa trước mặt con người, thì đều có giá trị vĩnh hằng, đều kết nối với con đường sự thật và sự sống của Đức Kitô để mang lại ơn cứu độ.

Vì thế, dù ta là môn đệ của Người, hay bất cứ ai, đều không biết ngày Chúa đến với mình. Nhưng cách thích hợp nhất để chờ ngày đó: là luôn tỉnh táo để không bị bất ngờ. Tỉnh táo, không phải là đợi chờ một cách thụ động, mà là chủ động trong việc chu toàn trách nhiệm được Chúa trao phó.

Hình ảnh “ông chủ đi xa, để cửa nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc”, cho thấy ý nghĩa tích cực của việc tỉnh thức này. Chúng ta nhớ đến bổn phận mà mỗi người đang có: bổn phận làm sáng danh Chúa và mưu ích cho con người. Những hành động của ta, dù làm bất cứ việc gì, vào bất cứ lúc nào, ta đều đưa tình yêu, đưa ý thức vào trong chúng, thì mỗi giây phút sống đều có giá trị và đều đóng góp vào công trình của Chúa Giêsu. Chúng làm cho ta lúc nào cũng gắn bó với Chúa, không bao giờ sợ bất ngờ khi Chúa đến.

Lời kết

Từ đó, ta sẽ cảm nghiệm được sức mạnh, tình yêu, quyền năng của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình. Ta mới thấy không một giây phút nào trong cuộc đời bị bỏ lỡ và thấy mình trở thành đầy tớ trung thành và khôn ngoan của Chúa Giêsu!

HKK