23/11/2024

Vấn đề bổ nhiệm các giám mục trở nên thời sự

Vấn đề bổ nhiệm các giám mục trở nên thời sự

Một lế tấn phong giám mục (ANSA)

Trong thời gian gần đây, dư luận và báo giới nói đến những cuộc bổ nhiệm khác thường, và đó đây người ta lên tiếng đề nghị cải tổ thủ tục tuyển chọn và bổ nhiệm giám mục trong Giáo Hội.

Trường hợp Trung Quốc: tự thông báo trước

Ví dụ ngày 23/11/2020, trang mạng của Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (chinacatholic.cn) đưa tin Cha Tôma Trần Thiên Hạo (Chen Tienhao), 58 tuổi, đã thụ phong giám mục ban sáng cùng ngày tại Nhà thờ Chính toà Thánh Micae của Giáo phận Thanh Đảo (Qingdao), tỉnh Sơn Đông (Shandong). Tân Giám mục là Chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước ở địa phương, và Giám mục chủ phong Phòng Tinh Diệu (Fang Xingyao), là Chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, hai Giám mục phụ phong là Giuse Dương Vĩnh Cường (Yang Yonggiang), Giám mục Giáo phận Chu Thông (Zhoucun), Phó Chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước, và Đức cha Trương Hiến Vượng (Zhang Xianwang), Giám mục Giáo phận Tể Nam (Jinan), Phó Chủ tịch Lưỡng Hội, là cơ quan bao gồm Hội đồng Giám mục và Hội Yêu Công giáo Yêu nước.

Phòng Báo chí Toà Thánh xác nhận sau

Không có tin gì của Toà Thánh về việc bổ nhiệm giám mục này, khiến giới báo chí cạnh Toà Thánh phải gặn hỏi. Vì thế ngày hôm sau, 24/11/2020, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, ông Matteo Bruni, xác nhận tin Cha Tôma Trần Thiên Hạo (Chen Tienhao) đã được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Thanh Đảo (Qingdao). Ông cho biết đây là giám mục thứ ba được bổ nhiệm và truyền chức trong khuôn khổ Hiệp định Tạm thời giữa Toà Thánh và Trung Quốc, đồng thời nói: “Tôi có thể thêm rằng chắc chắn trong tương lai sẽ có thêm những vụ truyền chức vì hiện đang có tiến trình bổ nhiệm các giám mục mới.”

Biện minh sự khác thường

Nguyên những chi tiết trên đây cũng cho thấy đó là một cuộc bổ nhiệm và truyền chức giám mục khác thường. Địa phương bầu và Đức Thánh Cha phê chuẩn, cho hiệp thông với ngài và qua đó với Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Vatican News, thuộc Bộ Truyền thông của Toà Thánh, truyền đi cũng ngày 24/11/2020 nhắc lại mục đích Hiệp định Tạm thời giữa Toà Thánh và Trung Quốc luôn luôn có tính chất mục vụ đích thực: nghĩa là để các tín hữu Công giáo có những giám mục hoàn toàn hiệp thông với đấng kế vị Thánh Phêrô và đồng thời được chính quyền Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc công nhận.

Trường hợp Thuỵ Sĩ

Một biến cố khác thường khác xảy ra tại Thuỵ Sĩ. Ngày 23/11, 22 vị kinh sĩ Nhà thờ Chính toà Giáo phận Coira (Chur) âm thầm họp nhau để chọn giám mục trong danh sách 3 ứng viên do Toà Thánh đề nghị. Nhưng sau cuộc bầu, kinh sĩ đoàn không chấp nhận vị nào trong số 3 ứng viên ấy, họ gửi trả lại Đức Thánh Cha và xin ngài đề cử các ứng viên khác. Người ta chưa biết rõ lý do chính thức, có kinh sĩ thì nói với báo chí rằng 3 ứng viên ấy “chưa đủ Công giáo”. Và danh tánh 3 vị ấy bị tiết lộ ra ngoài, đó là Cha Mauro Lepori, người Thuỵ Sĩ tiếng Ý, hiện là Viện phụ Tổng quyền Dòng Xitô, tiếp đến là Cha Vigeli Monn, Viện phụ của Đan viện Biển Đức ở Disentis, và Cha Joseph Bonnemain, thuộc Giám hạt Tòng nhân Opus Dei, thành viên toà án giáo phận, vị này đã 72 tuổi.

Bây giờ “trái banh” ở trong tay Đức Thánh Cha: ngài có thể cho làm danh sách ứng viên mới, hoặc trực tiếp bổ nhiệm giám mục cho Giáo phận Coira, vì các kinh sĩ không dùng đặc ân bầu cử của mình, nên kể như mất.

Coira, một giáo phận khó khăn

Giáo phận Coira có 700.000 tín hữu Công giáo và từ mấy chục năm nay ở trong tình trạng phân hoá giữa phe cấp tiến, như nhiều giáo phận ở Đức, nhưng cũng có phe truyền thống, trung thành với luật lệ và đạo lý của Giáo Hội. Coira và 2 giáo phận khác là Basilea và San Gallo ở Thuỵ Sĩ được đặc ân từ lâu đời là được quyền bầu giám mục, tuy rằng theo các thể thức khác nhau: hoặc chọn giám mục trong số các ứng viên do Toà Thánh đề nghị hoặc tự chọn ứng viên và đệ lên Đức Thánh Cha để ngài bổ nhiệm.

Đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thuỵ Sĩ

Nhân những vụ này, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thuỵ Sĩ, Đức cha Felix Gmuer, Giám mục Giáo phận Basilea, là giáo phận lớn nhất Thuỵ Sĩ với hơn 1,1 triệu tín hữu Công giáo và gồm 11 tiểu bang, đã viết một bài báo để nghị cải tổ việc bổ nhiệm giám mục. Đức cha cho rằng các linh mục, phó tế, và các nhận viên khác của Giáo Hội, cũng như các giáo dân phải có tiếng nói trong công hội bầu các giám mục. Cần tìm ra những cơ cấu, hợp với những nhạy cảm văn hóa của mỗi địa phương, để bảo đảm “tính cách đại diện của toàn thể dân Chúa trong giáo phận”. Tuy nhiên, đây không phải là một thủ tục tranh cử, nhưng là một tiến trình phân định tinh thần, đưa tới một quuyết định đồng thuận bao nhiêu có thể. Việc chọn lựa này cũng phải bao gồm cả các giáo phận lân cận và đức giáo hoàng phê chuẩn việc bầu cử giám mục. Đức cha Gmuer nhắc lại nguyên tắc của Thánh Leo Cả Giáo hoàng: “Bất kỳ ai phải chủ trì tất cả thì cũng phải được tất cả bầu lên.”

Vụ cựu Hồng y McCarrick

Không biết ý kiến của Đức Giám mục Giáo phận Basilea khả thi đến mức độ nào trong thời đại ngày nay, nhưng trong thời gian qua, cũng có một số thần học gia đề nghị thay đổi cách thức bổ nhiệm giám mục hiện thời, nhất là sau vụ xì căng đan cựu Hồng y McCarrick ở Mỹ, được trình bày trong phúc trình dài 450 trang của Phủ Quốc vụ khanh, công bố ngày 10/11 vừa qua. Người ta đặt câu hỏi: tại sao một người có đời sống luân lý sa đoạ như McCarrick lại có thể leo lên đến các chức vụ Giám mục Metuchen, rồi Tổng Giám mục Giáo phận Newark, sau đó làm Tổng Giám mục Thủ đô Washington, rồi làm hồng y nữa. Chắc chắn trong tiến trình bổ nhiệm đương sự có những thiếu sót cần cải tiến.

Giáo luật hiện hành

Điều chắc chắn là việc bổ nhiệm giám mục trong Giáo Hội đã trải qua 2.000 năm lịch sử, với bao nhiêu thăng trầm, khuyết điểm cần cải tiến, tiêu chuẩn mới mà mỗi vị giáo hoàng đề ra như ưu tiên trong việc chọn các ứng viên. Giáo luật hiện hành, khoản số 377, triệt 1, quy định: “Đức giáo hoàng tự do bổ nhiệm các giám mục hoặc là phê chuẩn các giám mục đã được bầu lên một cách hợp pháp.”

Việc đức giáo hoàng trực tiếp bổ nhiệm là điều được hiện được áp dụng hầu hết trong hơn 2.600 giáo phận trên thế giới. Nhưng trong Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương, thì hội đồng thượng phụ hoặc tổng giám mục trưởng bầu giám mục cho lãnh thổ thuộc quyền và xin đức giáo hoàng phê chuẩn. Và không kể một số trường hợp đặc ân như tại Thuỵ Sĩ hay ở Đức.

Triệt 2 của Giáo luật 377, quy định thêm: “Ít là 3 năm 1 lần, các giám mục của một giáo tỉnh, hoặc các giám mục trong hội đồng giám mục, phải thoả thuận với nhau và với tính cách bí mật, thiết lập một danh sách các linh mục, kể cả các linh mục dòng, xem ai có tư cách làm giám mục, và gửi bản danh sách đó cho Toà Thánh; tuy nhiên, mỗi giám mục vẫn được quyền thông tri cho Toà Thánh một cách riêng rẽ danh tánh những linh mục được ngài xét thấy xứng đáng và có tư cách để lãnh nhận nhiệm vụ giám mục.”

Tại Toà Thánh có 3 cơ quan có thẩm quyền cứu xét và chuẩn bị việc bổ nhiệm giám mục. Trước tiên là bộ giám mục, có thẩm quyền đối với hầu hết các giáo phận tại các nước Âu, Mỹ, Úc và Philippines; tức là những nước không thuộc bộ truyền giáo. Tiếp đến là bộ truyền giáo, tức là cơ quan đại diện ĐTC điều hợp các hoạt động tại các xứ truyền giáo với khoảng 1.100 giáo phận trong đó có Việt Nam. Sau cùng là Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương phụ trách khoảng 100 giáo phận thuộc các Giáo Hội này.

Đức tính ứng viên giám mục phải có

Giáo luật số 378 quy định: “Để xứng đáng được tiến cử lên chức giám mục, đương sự cần phải:

1. Trổi vượt về đức tin vững vàng, tính nết tốt, đạo đức, nhiệt tâm với các linh hồn, thông thái, khôn ngoan và có những nhân đức nhân bản khác, có những đức tính giúp cho đương sự đủ khả năng chu toàn chức vụ.

2. Phải có danh thơm tiếng tốt.

3. Đã trọn 35 tuổi; đã chịu chức linh mục ít là 5 năm; có văn bằng tiến sĩ, hoặc ít ra có Cử nhân về Thánh Kinh, Thần học hoặc Giáo luật ở một cao đẳng học viện được Toà Thánh công nhận hoặc ít ra thực sự chuyên môn về những môn đó.

Xét cho cùng, các phương thức chọn lựa và bổ nhiệm giám mục đều có thể có những thiếu sót, và kết quả sự chọn lựa không nhất thiết 100% là tuyệt hảo. Cách đây hơn 25 năm, có một vị được đại diện của 11 tiểu bang bầu làm giám mục ở Thuỵ Sĩ, nhưng chỉ một năm rưỡi sau đó đã sa ngã và phải từ chức, gây xì căng đan lớn. Trong số 12 Tông đồ do Chúa Giêsu chọn cũng có Giuda, kẻ phản bội.

G. Trần Đức Anh OP