26/12/2024

Khoa học chụp ảnh ‘chân dung’ thật sự của nhiễm sắc thể, không như trong sách

Khoa học chụp ảnh ‘chân dung’ thật sự của nhiễm sắc thể, không như trong sách

Trong sách giáo khoa, hình ảnh nhiễm sắc thể của con người thường được minh hoạ dạng chữ X ‘như 2 thanh xúc xích gắn vào nhau’. Nghiên cứu mới đây cho thấy trên thực tế chúng không phải vậy.

 

 

 

Khoa học chụp ảnh chân dung thật sự của nhiễm sắc thể, không như trong sách - Ảnh 1.

Ảnh 3D tạo bởi nhóm nghiên cứu sinh thuộc Đại học Harvard – Ảnh: scitechdaily/Xiaowei Zhuang lab

Theo SciTechDaily, nhóm nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard đã chụp được ảnh 3D độ phân giải cao của nhiễm sắc thể người – một “ngôi nhà phức tạp” của ADN. Những hình ảnh mới này có thể cung cấp đủ bằng chứng để thay đổi hình ảnh dạng chữ X trong sách giáo khoa sang một dạng phức tạp hơn nhưng lại chính xác hơn rất nhiều.

Điều này không chỉ giúp giảng dạy thế hệ nhà khoa học tiếp theo mà còn giúp thế hệ hiện tại giải mã những bí ẩn về tác động của cấu trúc nhiễm sắc thể lên chức năng.

Các ảnh minh họa nhiễm sắc thể người trong sách giáo khoa, kể cả ở Việt Nam, đều thể hiện nó dưới dạng các chữ X giống những thanh xúc xích được buộc với nhau. Một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết chắc chắn 90% rằng chúng không tồn tại với hình dạng đó.

Khoa học chụp ảnh chân dung thật sự của nhiễm sắc thể, không như trong sách - Ảnh 2.

Nhiễm sắc thể trong sách giáo khoa thường có dạng chữ X như các thanh xúc xích – Ảnh: genengnews.com

Tất cả sinh vật sống bao gồm con người đều phải tạo ra các tế bào mới để thay thế các tế bào già và hết chức năng. Để làm được điều đó, tế bào phân chia và nhân bản ADN. ADN được “gói” bên trong các “thư viện mê cung” bên trong chất nhiễm sắc – vật chất của nhiễm sắc thể.

Nếu được trải thẳng ra, ADN của một tế bào có thể dài tới gần 2 mét, nhưng chúng được gói chặt trong cấu trúc phức tạp của nhân tế bào. Chỉ cần một lỗi sao chép hay lỗi cuộn xoắn cũng có thể gây ra đột biến gen hay sai chức năng.

Việc nắm được cấu trúc tinh vi này là rất quan trọng trong việc xác định tác động của nó đến chức năng hoặc các bệnh. Nhưng việc nhìn cận cảnh để thấy được cấu trúc chất nhiễm sắc rất khó. Phương pháp tạo ảnh 3D của nhóm nghiên cứu sinh có thể giúp ích rất nhiều.

Phương pháp tạo ảnh phân giải cao của nhóm được ví như là Google Maps 3D của bộ gen, giúp đặt ra các giả thuyết mới cho nghiên cứu chuyên sâu. Ngoài ra, họ cũng khám phá rằng không có nhiễm sắc thể nào giống hệt nhau, dù cho chúng ở trong các tế bào giống hệt nhau.

Nhóm nghiên cứu nhận định sẽ còn cần sự hợp sức từ rất nhiều phòng nghiên cứu để có được hiểu biết toàn diện.

LÊ CHUNG
TTO