Hội đồng kiểm duyệt sách giáo khoa nên hội tụ đủ ba miền

Hội đồng kiểm duyệt sách giáo khoa nên hội tụ đủ ba miền

Câu chuyện biên soạn sách giáo khoa đã trở thành một đề tài ‘nóng’ trong buổi toạ đàm ‘Người thầy và những sách vỡ lòng’ diễn ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình sáng 21-11.

 

Hội đồng kiểm duyệt sách giáo khoa nên hội tụ đủ ba miền - Ảnh 1.

Các nhà giáo tham gia chia sẻ về việc biên soạn và giảng dạy sách giáo khoa – Ảnh: THÙY DUNG

Buổi tọa đàm có sự tham gia của những nhà giáo, nhà hoạt động giáo dục lâu năm: thầy Huỳnh Văn Ngôn – nguyên hiệu trưởng trường Sư phạm thực nghiệm, thầy Hồ Liên Biện – nguyên phó giám đốc Trung tâm học liệu Sài Gòn và thầy Lê Văn A – nguyên hiệu trưởng trường Đinh Thiện Lý.

Kiến thức thay đổi nhanh, biên soạn sách chậm

Tham gia tọa đàm, các khách mời chia sẻ những kí ức về những trang sách vỡ lòng, về việc biên soạn, xuất bản, sử dụng các sách giáo khoa trong nhà trường và những nhận định về sách giáo khoa xưa và nay.

Nói về những tranh cãi trong biên soạn sách giáo khoa hiện nay, thầy Huỳnh Văn Ngôn chia sẻ: “Sách giáo khoa hiện nay phần lớn đều do các bạn đồng nghiệp ở miền Bắc soạn nên có nhiều từ ngữ, phương ngữ người miền Nam không hiểu được.

Tôi lấy ví dụ trường hợp từ “thở hi hóp”. Dù tra từ điển tôi vẫn không tìm được nghĩa của từ. Người biên soạn sách ở miền nào không quan trọng nhưng tôi nghĩ nên có các chú thích khi sử dụng phương ngữ”.

Các khách mời cũng đồng ý rằng hội đồng kiểm duyệt sách nên hội tụ đủ ba miền để tránh trường hợp từ ngữ sử dụng trong sách lạ lẫm khi đem về giảng dạy ở địa phương.

Thêm vào đó, việc biên soạn sách cần phải có sự tham gia đóng góp từ các giáo viên kinh nghiệm – những người trực tiếp  sử dụng sách giáo khoa.

Quy trình viết sách giáo khoa thời xưa cũng có nhiều khác biệt khi các giáo viên cũng có thể tự biên soạn sách riêng và sử dụng giảng dạy. Vấn đề xã hội hóa giáo dục nên được xem xét kỹ. Bên cạnh việc xây dựng bộ sách giáo khoa chuẩn do Bộ GD-ĐT thực hiện, cũng cần mở cơ hội cho những đơn vị, cá nhân để biên soạn sách riêng. Phụ huynh và giáo viên sẽ là người quyết định nên sử dụng loại sách nào.

“Bộ sách giáo khoa tiếng Anh dùng cho chương trình THPT hiện nay do tôi biên soạn cũng đã qua 10 năm trong khi kiến thức ở quốc tế thay đổi rất nhanh. Biên soạn sách giáo khoa hiện nay còn quá chậm. Nên sớm thúc đẩy để tránh các kiến thức bị lạc hậu” – thầy Hồ Liên Biên bổ sung thêm.

Cần trân trọng các giá trị của sách giáo khoa xưa

Hội đồng kiểm duyệt sách giáo khoa nên hội tụ đủ ba miền - Ảnh 2.

Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến giới thiệu bộ sưu tập sách giáo khoa thời kì trước của mình – Ảnh: THÙY DUNG

Các nhà giáo cũng chia sẻ ấn tượng về những trang sách vỡ lòng và nhấn mạnh giá trị của những sách giáo khoa thời kì trước. Những bài học trong sách giáo khoa xưa đều rất giản dị, dễ học. Không chỉ dạy học chữ mà còn lồng ghép nhiều bài học về làm người, về lòng tử tế và nuôi dưỡng lòng yêu nước.

“Sách giáo khoa cũ vẫn còn nhiều cái hay để học hỏi. Ví dụ cuốn học vần tập đọc Con gà trống thời kháng chiến chống Pháp dành cho bình dân học vụ rất hay. Sách được biên soạn hợp lí nên hoạt động xóa mù hoạt động hiệu quả và nhanh chóng. Chỉ trong vòng 3 tháng nhiều người có thể đọc viết trơn tru. Tôi rất tiếc khi những cuốn hay như vậy không còn nhiều nữa” – thầy Huỳnh Văn Ngôn nói.

Việc tái bản các cuốn sách giáo khoa xưa cũng được đề cập khi các cuốn sách này đều mang giá trị lịch sử riêng và đều là những công trình cần lưu giữ để học hỏi.

Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến – người sưu tầm hơn 300 đầu sách giáo khoa trước 1975 cũng bày tỏ mong muốn có thể tập hợp các bài tập đọc trong các cuốn sách giáo khoa ở các thời kì trước làm thành một tuyển tập. Đây sẽ là tự liệu tham khảo bổ ích cho giáo viên và học sinh trong giảng dạy và học tập.

THÙY DUNG
TTO