24/11/2024

Giải quyết vấn đề của nhà trường, xã hội

Giải quyết vấn đề của nhà trường, xã hội

Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo theo nhiều thay đổi trong dạy và học, nhiều chuyên gia nhận xét các công trình, sáng kiến vào vòng chung khảo “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 bám sát thực tế, trở thành giải pháp cho nhà trường, xã hội.

Giải quyết vấn đề của nhà trường, xã hội - Ảnh 1.

Ban giám khảo vòng chung khảo đánh giá sản phẩm “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn vật lý” của tác giả Lê Thanh Liêm (Hậu Giang) – Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 13-11 tại Hà Nội, 15 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 bước vào tranh tài vòng chung khảo, thuyết phục đội ngũ ban giám khảo là các chuyên gia đầu ngành về khoa học, giáo dục. Chương trình do Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Sau 5 năm, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” đã lan tỏa sâu rộng trong xã hội, mang tính nhân văn rất lớn. Ngoài đầu tư nguồn lực, chúng tôi trực tiếp kết nối các ý tưởng đến các cơ quan, đơn vị sản xuất thiết bị cho giáo dục để tiếp tục phát triển, hoàn thiện sản phẩm.
Ông Nguyễn Minh Triết (trưởng Ban thanh niên trường học Trung ương Đoàn, trưởng ban tổ chức chương trình)

Biến thành “sản phẩm xã hội”

Suốt 5 năm dành tâm huyết cho chương trình, TS Nguyễn Quân, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, vui mừng trước số lượng công trình, sáng kiến vượt trội gửi về trong năm nay, đặc biệt top 15 công trình, sáng kiến lọt vào vòng chung khảo có bước tiến về chất lượng, nhiều sản phẩm phục vụ người khuyết tật, đối tượng khó khăn trong xã hội ở vùng sâu, vùng xa.

“Những sản phẩm của các thầy cô giáo, các em học sinh không phải ở những đô thị lớn mà đến từ các tỉnh thành xa xôi chứng tỏ các tác giả có niềm đam mê rất đặc biệt, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng rất sáng tạo, tạo ra sản phẩm có khả năng ứng dụng rất tốt.

Tôi nghĩ nếu có thêm chuyên gia tư vấn, có nhiều nhà đầu tư quan tâm, sản phẩm sẽ có tính khả thi, khả năng thương mại hóa cao, nhờ đó trở thành sản phẩm của xã hội, phục vụ quá trình học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên, giáo viên”, ông Quân nhận xét.

Còn TS Trần Quang Quý, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận định dịch COVID-19 đã khiến ngành giáo dục thay đổi rất nhiều, đặc biệt là phương pháp dạy và học. Các tác giả tham gia chương trình năm nay đã bám sát sự thay đổi đó với nhiều công trình, sáng kiến quan tâm đến phương pháp dạy học trực tuyến, áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thiết kế, tổ chức đổi mới phương pháp giảng dạy, dụng cụ phục vụ công tác giảng dạy.

PGS.TS Phạm Kim Chung – phó chủ nhiệm khoa công nghệ giáo dục Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) – cho rằng năm nay các công trình, sáng kiến có sự đầu tư rõ rệt, mang tính thiết thực, có khả năng ứng dụng trong thực tiễn.

Ông đặc biệt ấn tượng với nhiều công trình, sáng kiến hướng đến định hướng, rèn kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên, hướng đến đổi mới sách giáo khoa hay nhiều sản phẩm giúp đỡ cho học sinh yếu thế, học sinh khuyết tật.

Cần nhiều nhà đầu tư, tài trợ

“Trong 5 năm qua, nhiều đề tài nghiên cứu đã được đưa vào thực tiễn như cuốn sách giáo dục giới tính hay chế tạo thiết bị thí nghiệm vật lý trong trường phổ thông. Tuy nhiên, mong muốn là cần có thêm nhiều “nhà” hơn nữa. Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long làm sao tăng cường, quảng bá chương trình nhằm thu hút các nhà tài trợ, các nhà đầu tư để nhiều sản phẩm, công trình được đưa vào áp dụng thực tế, sản xuất đại trà” – ông Quý chia sẻ.

Chia sẻ điều này, ông Quân đánh giá chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” có sức lan tỏa lớn trong toàn quốc, từ thành thị cho đến vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đồng thời tạo ra trào lưu đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục, trong giới trẻ. “Sau 5 năm, chúng ta nên tiếp tục chương trình này, kết nối thêm nhiều nhà tài trợ để ngày càng có thêm nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội” – ông Quân nói.

HÀ THANH
TTO