Bộ GD-ĐT nói gì về đề xuất tăng học phí?
Bộ GD-ĐT nói gì về đề xuất tăng học phí?
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phạm Ngọc Thưởng nếu đề xuất của Bộ được Thủ tướng phê duyệt, thì 2 năm nữa mới áp dụng tăng học phí (từ năm học 2022 – 2023) và lộ trình tăng thêm hằng năm khoảng 2,5%/năm…
Trước phản ứng của dư luận về dự kiến tăng học phí từ năm học 2020 – 2021, ngày 13.11, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ cho phép giữ nguyên mức học phí hiện hành trong năm học tới.
Tiếp thu phản ánh của dư luận
Thưa ông, vì sao Bộ GD-ĐT lại xây dựng dự thảo Nghị định “Cơ chế thu, quản lý học phí (HP) đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo”, thay thế cho Nghị định số 86 ở thời điểm này?
|
Ông Phạm Ngọc Thưởng – Ảnh: BỘ GD-ĐT |
Chính sách HP và hỗ trợ chi phí học tập đang được thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (ngày 2.10.2015) của Chính phủ, quy định về “Cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ HP học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021”. Do Nghị định số 86 chỉ có thời hạn hiệu lực đến hết năm học 2020 – 2021, nên để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở GD-ĐT thực hiện từ năm học 2021 – 2022 và các năm tiếp theo, cần phải xây dựng nghị định thay thế…
Thực hiện Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ và Thủ tướng, Bộ GD-ĐT được giao chủ trì, phối hợp xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 86, thời hạn trình vào tháng 12 tới. Bộ đã dự thảo và đang lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GD-ĐT và toàn xã hội để hoàn thiện dự thảo nghị định. Hiện nay, dự thảo nghị định đã được đăng lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến nhân dân.
|
Bộ GD-ĐT cũng đã thực hiện khảo sát chi phí trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật trong lĩnh vực GD-ĐT từ cấp mầm non đến đại học, làm căn cứ đề xuất mức HP giai đoạn tiếp theo.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc tăng HP ở các cấp học là chưa phù hợp?
Việc xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 là việc phải thực hiện để đảm bảo tính liên tục của quy định pháp luật. Quá trình xây dựng và đề xuất mức tăng HP đã được tính toán dựa trên kế hoạch và các căn cứ hợp lý.
Tuy nhiên, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão, lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. Trước phản ánh của dư luận, để chia sẻ và giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh (HS), Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định 86 đối với năm học 2021 – 2022 với mức HP giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp áp dụng theo mức HP của năm học 2020 – 2021 đã được quy định tại Nghị định số 86; mức HP mầm non, phổ thông áp dụng theo khung của năm học 2020 – 2021 và tiếp tục giao HĐND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xem xét phê duyệt. Các chính sách miễn giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86 và các văn bản liên quan đã ban hành.
Đồng thời, Bộ cũng đề xuất được lùi thời gian trình ban hành nghị định sang năm 2021, để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội, tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định.
Như vậy, nếu đề xuất của Bộ được Thủ tướng phê duyệt, thì 2 năm nữa mới áp dụng nghị định mới (từ năm học 2022 – 2023) và lộ trình tăng thêm hằng năm chỉ khoảng 2,5%/năm so với mức tăng hằng năm của Nghị định số 86 đã ban hành.
Thu học phí bình quân 42.755 tỉ đồng/năm
Theo Bộ GD-ĐT, giai đoạn từ năm học 2015 – 2016 đến hết năm học 2019 – 2020, ước tính số thu HP trong các cơ sở GD-ĐT công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đạt bình quân 42.755 tỉ đồng/năm. Đặc biệt, số thu HP của các cơ sở giáo dục đại học công lập chiếm đến 60% tổng nguồn thu.
Theo tổng hợp báo cáo của các tỉnh, TP trong cả nước, HP chiếm 6,3% so với tổng chi thường xuyên (ngân sách nhà nước cấp cộng với thu HP); ngân sách nhà nước cấp chiếm 93,7% tổng chi thường xuyên cho giáo dục phổ thông.
Vì sao vẫn có quy định học phí với cấp tiểu học?
HS tiểu học công lập lâu nay vẫn được áp dụng chính sách miễn HP. Luật Giáo dục 2019 cũng duy trì chính sách này và mở rộng việc hỗ trợ HP cho HS tiểu học của các trường ngoài công lập. Vậy, vì sao trong dự thảo nghị định mà Bộ đang xây dựng vẫn quy định khung HP đối với cấp học này?
Nghị định số 86 của Chính phủ quy định HS tiểu học không phải đóng HP. Tuy nhiên, nghị định này không quy định mức thu HP đối với giáo dục tiểu học nên không có mức cấp bù ngân sách cho đối tượng HS tiểu học không phải đóng HP. Hiện nay, các cơ sở giáo dục tiểu học chỉ được nhà nước cấp kinh phí chi hoạt động thường xuyên để duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường. Mức cấp ngân sách này trên thực tế còn hạn chế. Do đó, các cơ sở giáo dục tiểu học còn gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngân sách nhà nước được chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.
Luật Giáo dục 2019 tiếp tục duy trì chính sách miễn HP cho HS tiểu học công lập và mở rộng việc hỗ trợ HP cho HS ngoài công lập ở địa bàn không đủ trường công lập. Bộ GD-ĐT xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86 tuân thủ yêu cầu này của luật. Tuy nhiên, để có cơ sở hỗ trợ tiền đóng HP cho HS ngoài công lập, đồng thời có căn cứ và minh bạch ngân sách cấp cho các cơ sở giáo dục tiểu học, dự thảo nghị định có quy định khung giá dịch vụ (khung trần HP đối với các cơ sở giáo dục tiểu học).
Điều này nhằm tiến tới việc nhà nước cấp ngân sách theo đối tượng thụ hưởng (cấp trực tiếp cho HS) để đóng cho nhà trường, hoặc nhà nước cấp ngân sách theo phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Đảng.
Ý kiến
Tăng nhảy vọt sẽ gây bức xúc trong xã hội
Các chuyên gia kinh tế đã dự báo năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn bởi những tác động từ dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ. Thời gian sắp tới việc giảm HP, đặc biệt miễn giảm HP cho con em các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh mới là chính sách nhân văn. Vì ngay cả lộ trình tăng lương phải dừng lại mà HP lại đề nghị tăng nhảy vọt sẽ gây bức xúc trong xã hội.
Đỗ Tiến (TP.HCM)
Nên cân nhắc những đề xuất
TP.HCM đã từng có đề nghị được miễn HP THCS. Vì vậy khi Bộ GD-ĐT đề xuất Chính phủ giữ nguyên mức HP do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến đời sống của người dân thì thiết nghĩ TP.HCM tiếp tục thực hiện theo định hướng trước đây. Cần giảm sâu hơn hoặc tiến tới miễn HP để cùng chia sẻ với cuộc sống của người dân. Các cơ quan quản lý nên cân nhắc trước những đề xuất về HP.
Nguyễn Thành Trung (phụ huynh HS Trường Chu Văn An, Q.1, TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
Lộ trình miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh THCS
Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015, HS THCS ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo kể từ năm học 2021 – 2022 được miễn HP. Đến năm học 2025 – 2026 sẽ miễn HP cho HS THCS ngoài các đối tượng trên.
Với trẻ em mầm non 5 tuổi thì đến năm học 2023 – 2024 sẽ miễn HP cho trẻ ngoài đối tượng ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
Ngoài ra, sẽ bổ sung đối tượng hỗ trợ đóng HP cho HS tiểu học học trường tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập. Bổ sung đối tượng và nâng mức hỗ trợ chi phí học tập. Bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là trẻ em mẫu giáo và HS phổ thông ở thôn, bản đặc biệt khó khăn…
Sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng HP và chi phí sinh hoạt theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng HP, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
TUỆ NGUYỄN
TNO