24/11/2024

Sở Y tế giải thích về việc dùng thuốc tan máu bẩm sinh thay thế

Sở Y tế giải thích về việc dùng thuốc tan máu bẩm sinh thay thế

Thuốc generic có giá thấp hơn thuốc phát minh nhiều lần nhưng hoàn toàn đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh tan máu bẩm sinh. Việc sử dụng thuốc là quyền và trách nhiệm của bác sĩ sau khi đánh giá tình trạng bệnh và khả năng chi trả quỹ BHYT.

 

 

 

 

Sở Y tế giải thích về việc dùng thuốc tan máu bẩm sinh thay thế - Ảnh 1.

Chi phí điều trị bệnh tan máu bẩn sinh đang là thách thức lớn đối với người bệnh – Ảnh: T.T

Đó là khẳng định của Sở Y tế TP.HCM liên quan đến dư luận việc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM thay thế thuốc thải sắt Exjade 250mg (thuốc biệt dược gốc) với giá 197.000 đồng/viên bằng thuốc Deferox 500mg (thuốc generic) với giá 27.000 đồng/viên.

Sự chênh lệch giá giữa 2 loại thuốc (cùng một hoạt chất) khiến người bệnh lo lắng về hiệu quả điều trị và có khiếu nại tới Bộ Y tế.

Theo Sở Y tế TP.HCM, ngay sau khi có dư luận, sở đã làm việc với bệnh viện để tìm hiểu sự việc. Theo báo cáo của Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, hiện đơn vị đang sử dụng thuốc có hoạt chất Deferasirox trong phác đồ điều trị thải sắt cho người mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) là hoàn toàn phù hợp với phác đồ điều trị của các nước trên thế giới.

Cụ thể, thông qua đấu thầu bệnh viện lựa chọn được 2 loại thuốc có cùng hoạt chất Deferasirox là thuốc Exjade 250 (thuốc biệt dược) với giá trúng thầu 192.595 đồng/viên và thuốc Deferox 500 (thuốc generic) với giá trúng thầu 26.900 đồng/viên.

Việc dùng thuốc có hoạt chất Deferasirox là thuốc Exjade 250 hay thuốc Deferox 500 tại bệnh viện là do bác sĩ chỉ định, căn cứ vào khả năng đồng chi trả của người bệnh. Hiện tại bệnh viện sử dụng song song 2 loại thuốc trên cho các bệnh nhân đang điều trị.

Qua gần 2 năm sử dụng thuốc Deferox 500, các bệnh nhân được chỉ định loại thuốc này vẫn đáp ứng hiệu quả điều trị và chưa ghi nhận tác dụng phụ.

Theo lý giải của Sở Y tế TP.HCM, thuốc generic được sản xuất trong nước, có giá thấp hơn rất nhiều so với thuốc phát minh là do “chi phí nghiên cứu ít hơn” nhưng thuốc vẫn đảm bảo chất lượng.

Bởi thuốc được sản xuất, kiểm soát chất lượng chặt; được cấp phép sản xuất lưu hành chất lượng tương tự thuốc phát minh và được chỉ định thay thế thuốc phát minh.

Được biết, ngoài Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng sử dụng thuốc thải sắt loại generic điều trị bệnh Thalassemia.

Sở Y tế TP khẳng định việc thay thế thuốc tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP là “hoàn toàn phù hợp” với các nguyên tắc trong chỉ định thuốc là hiệu quả, an toàn, hợp lý và kinh tế.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế TP.HCM, việc tư vấn sử dụng thuốc qua phiếu tư vấn như ở Bệnh viện Truyền máu huyết học TP là chưa phù hợp và dễ gây hiểu nhầm cho người bệnh.

Thuốc biệt dược gốc khác thuốc generic như thế nào?

Theo Sở Y tế TP.HCM, thuốc biệt dược gốc là thuốc đầu tiên được cấp phép lưu hành trên cơ sở có đầy đủ dữ liệu nghiên cứu lâm sàng về chất lượng, an toàn và hiệu quả. Thuốc biệt dược gốc còn gọi là “thuốc phát minh”.

Thuốc generic là thuốc có cùng dược chất, hàm lượng, dạng bào chế với thuốc biệt dược gốc và thường được khuyến khích sử dụng thay thế biệt dược gốc nhằm giảm gánh nặng cho quỹ BHYT và người bệnh kể cả các quốc gia có nền kinh tế mạnh như Mỹ, châu Âu.

Các thuốc phát minh được bảo hộ độc quyền trong một thời gian thường là 15-20 năm tùy theo chính sách bảo hộ của mỗi quốc gia. Sau khi hết thời gian bảo hộ độc quyền của thuốc phát minh, các nhà sản xuất dược phẩm mới được quyền sản xuất thuốc generic.

Để nghiên cứu thành công một thuốc phát minh thường các nhà sản xuất phải mất hàng chục năm với chi phí nghiên cứu lên hàng tỉ USD. Do đó, thuốc biệt dược gốc thường có giá khá cao để nhà sản xuất có lợi nhuận, bù vào chi phí nghiên cứu và phát triển thuốc mới.

HOÀNG LỘC
TTO