24/11/2024

‘Rừng’ keo làm tăng nguy cơ sạt lở

‘Rừng’ keo làm tăng nguy cơ sạt lở

Trong 250.000ha rừng trồng tại Quảng Ngãi có đến 190.000ha bị bão số 9 cày nát. Trong 190.000ha rừng này, đa số là cây keo.

 

Rừng keo làm tăng nguy cơ sạt lở - Ảnh 1.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, có 190.000ha rừng (phần lớn là cây keo) của tỉnh này bị thiệt hại – Ảnh: T.M.

Ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết không chỉ cây keo dễ ngã đổ khiến người dân điêu đứng mà qua những vụ sạt lở dọc miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, thực trạng cây keo không giúp việc chống sạt lở, thậm chí còn gây tác động xấu đến những triền đồi.

“Trong đợt bão lũ này, tôi liên tục đi kiểm tra nhiều khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi, nhiều điểm sạt lở cây keo bị vùi trong đất. Bộ rễ của cây keo quá nông, thời gian trồng lại ngắn nên không bám vào đất, do đó chẳng giúp ích gì trong việc ổn định lòng đất. Thực trạng thì thấy rõ, nhưng tỉnh chưa có phương án và loại cây thay thế”, ông Minh nói.

Người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi cũng thừa nhận cây keo không thể phủ xanh rừng. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy núi đồi xanh ngút ngàn. Nhưng thực tế thảm thực vật dưới tán cây keo gần như không còn. Nước mưa ngấm thẳng vào lòng đất và không có thời gian thẩm thấu.

Cây keo còn gia tăng sức nặng cho các triền đồi, vô hình trở thành gánh nặng cho các triền núi, tăng nguy cơ sạt lở.

“Cây keo nói riêng và các cây công nghiệp khác chẳng giúp ích gì trong việc bảo vệ triền đồi. Tôi nghĩ các bộ ngành cần nghiên cứu, phục hồi những cây bản địa. Hiện tại ở Quảng Ngãi có cây quế. Tuy nhiên, trận bão cũng cho thấy cây quế không đủ sức chống lại bão gió”, ông Minh nói thêm.

Không thể coi đồi keo là rừng!

GS.TS BẢO HUY (chuyên gia tư vấn độc lập quản lý tài nguyên và môi trường) chia sẻ với Tuổi Trẻ:

Cây keo có một đặc tính rất nổi trội đó là phát triển nhanh, dễ thích nghi với nhiều loại đất, đặc biệt là đất đồi núi cằn cỗi, đất cát. Loài cây này được trồng ồ ạt chỉ với lý do duy nhất: thích ứng tốt và nhanh cho thu hoạch, năng suất hơn các loại cây trồng khác trên cùng địa hình thổ nhưỡng.

Chủ trương trồng keo không sai, nhưng cái tệ của ngành lâm nghiệp chúng ta là coi keo là rừng. Người ta ngộ nhận đồi keo là rừng chứ cây keo cũng y hệt cây cao su, thực chất nó là cây công nghiệp, tối ưu về hiệu quả kinh tế chứ không có nhiều đóng góp cho môi sinh, môi trường, thổ nhưỡng.

Cây keo có bộ rễ cạn, chất gỗ cũng rất dễ phân hủy, vì cây sinh trưởng quá nhanh và được phát triển trong thời gian rất ngắn nên về tác dụng giữ đất là không nhiều như các loại rừng tự nhiên, cây gỗ lớn.

Nguy hại của loài cây này là hút nước rất nhiều, bộ rễ dày đặc nên nơi keo mọc lên thì đất đai rất khô, không khí nóng nực. Ở nơi nào keo được trồng lên thì các loài cây khác không mọc lên được. Như vậy có thể nói về giá trị đóng góp cho môi trường thì cây keo không có hoặc rất ít, lá keo cũng thuộc nhóm phân hủy chậm.

Hiện nay người dân khi thu hoạch keo xong thì có thói quen phát đốt nên các loài sinh vật cũng bị triệt tiêu. Hơn nữa khi rễ keo mục thì đó là những lỗ thoát nước xuống lòng đất.

Tôi cho rằng chỉ nên coi cây keo là loài cây kinh tế chứ không nên coi đó là cây có tác dụng phòng hộ hay chống sạt lở. Những khu vực gầy rừng sinh thái và cả những nơi gần dân cư thì cần hạn chế phát triển loài cây này.

* Ông PHẠM VĂN ĐIỂN (phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn):

Ưu tiên trồng cây bản địa có khả năng hình thành rừng

Trong giai đoạn 2021 – 2025, cả nước sẽ trồng bình quân 260.000ha rừng/năm, trong đó trồng mới rừng 30.000ha và trồng lại rừng sau khai thác khoảng 230.000ha. Việc trồng mới rừng được thực hiện đối với rừng sản xuất, rừng phòng hộ và một phần ở rừng đặc dụng.

Với rừng sản xuất, chúng tôi sẽ tập trung vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện của từng vùng. Với rừng phòng hộ, phương hướng chung là trồng hỗn giao cây bản địa có tuổi thọ cao, ổn định lâu bền, rừng trồng này được mong đợi có kết cấu gần với kết cấu của rừng tự nhiên. Với rừng đặc dụng, sẽ ưu tiên cây bản địa, có khả năng hình thành rừng làm nền tảng cho bảo tồn tính đa dạng sinh học.

Ngoài ra, ngành lâm nghiệp cũng đang nghiên cứu phương hướng trồng mới rừng bằng con đường chuyển đổi nương rẫy thành rừng cung cấp lương thực, thực phẩm. Khi đó, sản xuất nông nghiệp được “trú ẩn” dưới tán rừng. Đây là một hình thức canh tác nông nghiệp không gây mất rừng, một lựa chọn khôn ngoan.

Đối với diện tích rừng trồng lại thời gian qua chủ yếu được thực hiện đối với rừng sản xuất. Trong số diện tích rừng được trồng lại hằng năm giai đoạn 2016 – 2020 có khoảng 85% là rừng trồng thuần loài keo, bạch đàn. Phần còn lại là rừng trồng thuần loài hoặc hỗn loài cây bản địa, như quế, hồi, thông mã vĩ, mỡ, bồ đề, trẩu, sao đen…

Giai đoạn tới đây, chúng tôi hướng tới trồng lại rừng là trồng hỗn giao theo đám hoặc theo lô, nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao sức chống chịu của rừng trồng trước các tác nhân như sâu bệnh, cháy rừng hay suy thoái đất. Phương thức đa dạng hóa lâm sinh này mở ra cơ hội bổ sung cây bản địa vào tập đoàn cây trồng rừng.

Ngoài ra, việc kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng trồng cũng là một phương hướng quan trọng, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo tính bền vững về sinh thái và phát huy chức năng bảo vệ môi trường của rừng. Do đó, phát triển rừng trồng gỗ lớn trong chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050, ngành lâm nghiệp dự kiến tăng từ 200.000ha hiện nay lên trên 500.000ha vào năm 2030. Những loài cây có triển vọng trồng rừng gỗ lớn đang tiếp tục được khảo nghiệm như keo tai tượng, bạch đàn, tếch, lát hoa, lim xanh, trám trắng, chò chỉ, sao đen, dầu rái, sồi phảng, gáo vàng, tống quá sủ…

CHÍ TUỆ

* Ông HOÀNG TRỌNG THỦY (chuyên gia về nông nghiệp):

Chọn cây bản địa như cây xoan

Chúng ta cần phân biệt được rừng che phủ và độ che phủ. Rừng phải là một hệ sinh thái thì việc chống sạt lở đất mới hữu hiệu, còn rừng trồng để che phủ như cách tính chúng ta hiện nay thì khả năng chống chịu sạt lở, lũ quét rất kém.

Khi rừng trồng mà trở thành một hệ sinh thái thì phải mất 20 – 30 năm. Hiện nay, rừng trồng chủ yếu là cây keo, cao su…, là các cây thân mềm, độ che phủ không thể bằng rừng tự nhiên nên chống mưa lũ, chống sạt trượt rất kém, đặc biệt là khu vực núi cao, sườn dốc.

Khu vực miền Trung có địa hình độ dốc cao, gió bão thường xuyên nên chúng ta phải lựa chọn cây bản địa như cây xoan là một ví dụ để chống sạt trượt hay gió bão cũng chỉ gãy cành nhỏ. Không nên trồng tập trung cây công nghiệp như keo, cao su… chỉ để đạt mục đích tăng trưởng kinh tế.

Các địa phương nên tính toán phân vùng, định hướng rừng trồng phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng, thời tiết phát triển theo hướng giảm cây công nghiệp, tăng cây gỗ lớn, cây bản địa để tăng chất lượng rừng thì mới mang lại hiệu quả kinh tế mà lại đảm bảo tăng chất lượng và độ che phủ rừng.

* TS HỒ THANH HÀ (phó trưởng khoa phụ trách nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, ĐH Nông lâm Huế):

Nên phát triển rừng gỗ lớn

Quan điểm phát triển rừng gỗ lớn, thay thế dần rừng keo là chủ trương rất hay và sẽ tạo tính bền vững cả về giá trị kinh tế lẫn môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sạt lở đất ngày càng gia tăng.

Cây keo được gọi là cây lâm nghiệp, nhưng thực ra nó cũng là cây công nghiệp bởi đặc tính của bà con khi trồng là muốn thu hoạch nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn. Hơn nữa, cây keo đa số được ươm bằng bầu nên không có rễ cọc như cây gieo bằng hạt, khi trồng xuống đất rễ chùm tỏa ra bám vào tầng đất cạn chứ không có rễ cọc như cây gỗ lớn, vì thế có rất ít khả năng bám sâu giữ đất.

Tuy nhiên, hiện nay vì mục đích kinh tế mà các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên phát triển loài cây này rất nhiều và thực tiễn đã chứng minh nơi nào có nhiều cây keo thì nơi đó môi trường và sạt lở không được hạn chế nhiều bằng rừng gỗ lớn.

Chúng ta cần tính toán để đầu tư rừng căn cơ, lâu dài, hướng phát triển rừng gỗ lớn sẽ là giải pháp tốt không chỉ cho môi trường không khí mà rễ cây gỗ lớn cắm sâu, bám chặt và có độ bền dài, vừa tạo mạng lưới xanh bao bọc đồi núi vừa giữ đất chống sạt lở rất tốt.

C.TUỆ – TH.B.DŨNG ghi

TRẦN MAI – THÁI BÁ DŨNG
TTO