Bác sĩ nói về ‘ăn uống sai cách dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm’
Bác sĩ nói về ‘ăn uống sai cách dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm’
Nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm như tăng huyết áp, đột quỵ, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đặc biệt là ung thư,… tiến triển chính do cách ăn uống sai hằng ngày của mỗi người.
Theo thông tin của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bệnh không lây nhiễm (còn gọi là bệnh mạn tính không lây) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, cứ 10 người tử vong thì có gần 8 người tử vong do các bệnh mạn tính không lây, chủ yếu do các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và phổi tắc nghẽn mạn tính.
Trong đó, các nhóm bệnh đang phổ biến và nguy hiểm hiện nay gồm: tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh tim mạch (suy tim, bệnh mạch vành…), đái tháo đường, các bệnh ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD),…
“Chế độ ăn uống không hợp lý không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại mà còn làm phát triển các bệnh không lây nhiễm sau này”, tiến sĩ – bác sĩ Đỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) nhận định.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có khuyến cáo, 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ và đái tháo đường loại 2 và trên 40% ung thư có thể được phòng ngừa được thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá.
Cả thiếu và thừa dinh dưỡng đều tác động tiêu cực tới sự phát triển bệnh.
Ngoài ra, dinh dưỡng cũng có tác động tới sự biểu hiện của gien và hình thành bộ gien, từ đó xác định các cơ hội đối với sức khỏe và tính nhạy cảm đối với bệnh tật.
Suy dinh dưỡng sớm trong 1000 ngày vàng đầu đời cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính ở các giai đoạn sau của cuộc đời.
Ăn sai gây bệnh
Bác sĩ Hà đã chỉ ra những điểm sai trong ăn uống có thể dẫn đến nguy cơ của nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm.
Ăn ít rau và quả: Là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới. Trong đó có 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ.
Hiện nay hơn một nửa dân số trưởng thành Việt Nam ăn thiếu rau, quả.
Ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng: Thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo và đường, làm tăng nguy cơ béo phì và tác hại cũng giống như ăn ít rau và quả chín.
Ăn thực phẩm có nhiều chất béo no và chất béo chuyển hóa: Chất béo no có nhiều trong mỡ động vật và chất béo chuyển hóa (Trans fatty acid) thường có trong thực phẩm chế biến sẵn. Các loại chất béo không tốt này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường.
Ăn nhiều muối: Lượng muối ăn vào hằng ngày làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác.
Hiện nay người trưởng thành Việt Nam đang ăn muối (9,4g/ngày) nhiều gần gấp 2 lần mức khuyến nghị.
KHẢI LINH
TNO