23/11/2024

Câu chuyện truyền cảm hứng của nhiếp ảnh gia trồng 2 triệu cây rừng ở Brazil

Rõ ràng câu chuyện truyền cảm hứng của nhiếp ảnh gia người Brazil Sebastião Salgado là một gợi ý tốt cho chúng ta trước thực trạng biến đổi khí hậu gây ra nhiều thảm hoạ nghiêm trọng cho Việt Nam trong thời gian qua và chắc chắn vẫn còn tiếp diễn trong tương lai.

Câu chuyện truyền cảm hứng của nhiếp ảnh gia trồng 2 triệu cây rừng ở Brazil

Lê Hồng Lâm

Viết cho BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn (29 tháng 10 2020).

Một nhà báo, nhiếp ảnh gia kiệt xuất cùng với vợ mình đã trồng hơn 2 triệu cây rừng để phủ xanh một vùng đồi trọc ở Brazil trong vòng 20 năm, ngăn chặn được nạn xói mòn đất và giúp nhiều loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng quay trở lại sinh sống.

Sebastião Salgado
Nguồn hình ảnh, Getty Images – Sebastião Salgado

Trong khi đó ở Việt Nam, những trận bão lũ liên tiếp ở miền Trung Việt Nam gây nên nhiều thảm họa tang thương và lộ ra những tác động tiêu cực từ nạn tàn phá rừng phòng hộ hay xây dựng nhà máy thủy điện dày đặc. Hai vụ thảm họa sạt lở núi, đồi trọc gây ra nhiều cái chết thương tâm ở Huế và Quảng Trị mới đây là những ví dụ điển hình.

Liệu câu chuyện truyền cảm hứng của nhiếp ảnh gia người Brazil Sebastião Salgado có thể được áp dụng vào Việt Nam với một chiến lược mang tầm quốc gia để ngăn chặn những thảm họa tương tự diễn ra trong tương lai?

CON NGƯỜI LÀ MUỐI CỦA TRÁI ĐẤT

Cho dù đã có hơn 40 năm hoạt động như một nhà báo, nhiếp ảnh gia kỳ cựu từng đặt chân đến khắp những điểm nóng khắp thế giới, nhưng mãi đến năm 2014, khi bộ phim tài liệu chân dung The Salt of the Earth ra mắt, nhận được nhiều đề cử quan trọng, trong đó có LHP Cannes và giải Oscar, khán giả đại chúng mới biết đến Sebastião Salgado.

Bộ phim tài liệu tuyệt vời này do đạo diễn người Đức Wim Wenders và Juliano Ribeiro Salgado thực hiện, nhằm ghi nhận và tri ân những đóng góp to lớn của nhà báo, nhiếp ảnh gia này trong suốt cuộc đời hoạt động của ông.

Trong 40 năm qua, nhiếp ảnh gia Sebastião Salgado đã đi khắp các lục địa, theo từng bước chân của một thế giới với những biến chuyển chóng mặt trong thế kỷ 20. Ông đã đến tận nơi và chứng kiến một số sự kiện lớn trong lịch sử gần đây của loài người như các vụ xung đột chính trị, những cuộc giao tranh quốc tế, nạn đói và các cuộc di cư. Ông cũng bắt tay vào việc khám phá các vùng lãnh thổ nguyên sơ, các loài động thực vật hoang dã, và các cảnh quan hùng vĩ như một phần của dự án nhiếp ảnh khổng lồ nhằm tôn vinh vẻ đẹp của hành tinh. Bộ phim đã đưa người xem qua cuộc hành trình dài của một trong những nhiếp ảnh gia được kính trọng nhất thế giới.

Sebastião Salgado sinh ngày 8/2/1944 tại Aimorés, Minas Gerais, Brazil. Cuối thập niên 60, sau khi chạy trốn khỏi Brazil do những xung đột chính trị phức tạp, ông đặt chân đến Pháp và bắt đầu bước vào sự nghiệp nhiếp ảnh.

Và trong suốt 40 năm sau đó, với các dự án khác nhau, mỗi dự án kéo dài khoảng vài năm, ông đã đặt chân đến hầu hết các điểm nóng trên thế giới, ghi lại hàng vạn bức ảnh đáng giá về nỗi thống khổ của con người trong những cuộc xung đột quốc tế, chiến tranh, nạn đói, tị nạn, di dân…

Những di sản bằng ảnh (chủ yếu là đen trắng) của ông được xem như những khoảnh khắc đáng giá nhất của lịch sử nhân loại trong thế kỷ 20.

Đó cũng chính là muối, được kết tinh từ những chuyến đi không mệt mỏi và thậm chí rất nguy hiểm của Sebastião Salgado qua những vùng đất cằn cỗi và đau thương nhất của thế giới.

Cây bút phê bình của tờ Los Angeles Times không quá lời khi gọi bộ phim này là “một sự khai sáng”, trong khi nhiều nhà phê bình và khán giả gọi đó là “một bộ phim truyền cảm hứng mạnh mẽ”.

Còn gì hứng cảm hơn khi được chứng kiến cuộc đời của một con người dành ra hơn 40 năm đi khắp sáu châu lục trên thế giới, đặt chân lên hơn 100 quốc gia, bỏ lỡ khoảnh khắc chứng kiến đứa con trai đầu lòng chào đời, thay vào đó là tận mắt chứng kiến và ghi lại bằng hình ảnh những cuộc xung đột chiến tranh liên miên ở vùng Balkans, nạn chết đói và di cư ở Sudan, Ethiopia, Rwanda, những bộ lạc thổ dân ở Indonesia, những công nhân lao động nguy hiểm ở một hầm mỏ khai thác vàng lộ thiên ở Brazil…

Mỗi bức ảnh đều có một câu chuyện, một khoảnh khắc để ghi lại. Hầu hết chúng được chụp đen trắng và tuyệt đẹp, đặc biệt là ánh sáng.

Một khu trồng rừng cạnh trụ sở Instituto Terra
Nguồn hình ảnh, Getty Images – Chụp lại hình ảnh, Một khu trồng rừng cạnh trụ sở Instituto Terra

Có lẽ vì thế mà khi xem xong The Salt of the Earth, chúng ta rất đồng cảm với câu nói nổi tiếng được chọn làm chủ đề của phim: “Vào lúc kết thúc của một ngày, con người là muối của Trái đất”. Nhan đề của bộ phim cũng được rút gọn từ ý của câu nói này.

Hình ảnh hơn 50.000 người đàn ông mình trần ở một mỏ vàng gợi nhớ tới hình ảnh người xưa xây kim tự tháp hay tháp Babel. Đôi mắt của những đứa trẻ sắp chết đói ở Ethiopia, chân dung một người đàn bà mù lòa nhưng hằng ngày nước mắt vẫn chảy ra từ hốc mắt hay vẻ đẹp tuyệt vời của cơ thể những chàng trai thổ dân trần truồng leo thoăn thoắt lên ngọn cây để thu lượm thành quả săn bắn… Muối của Trái đất vì vậy như những kết tinh đẹp nhất của một chuyến hành trình đi qua nỗi thống khổ của con người mà vẫn thấy đẹp, thấy đầy cảm hứng.

Và Sebastião Salgado chắc chắn là một người nghệ sĩ thuần khiết nhất của thế giới, khi những gì ông chạm vào đều tạo nên dấu ấn của riêng ông. Nhưng nỗi đau đớn và thống khổ của con người thì ông bất lực.

Đó cũng là câu hỏi đạo đức mà ông luôn tự dằn vặt mình, “làm sao có thể đứng ngoài nỗi đau của con người khi hằng ngày, hằng giờ ông tiếp cận với nó”?

Một trong những chủ đề gây ấn tượng mạnh trong nhiếp ảnh của Sebastião Salgado chính là thiên nhiên, đặc biệt là khám phá những vùng đất nguyên sơ, hoang dã, những loài động thực vật quý hiếm và những cảnh quan hùng vĩ nhất của thế giới, những thứ đang dần mất đi cũng bởi chính con người.

Ông đã dành ra tám năm và tiếp tục với chủ đề này, lang thang ở sa mạc Gobi, đảo Phục Sinh, các bộ lạc biệt lập với thế giới ở Indonesia… để lưu lại “muối của Trái đất”, để trở thành một sinh vật nhỏ bé của thiên nhiên rộng lớn, như câu nói của ông: “Tôi là một phần của tự nhiên, như một chú rùa, như một cái cây, như một hòn đá”.

Câu chuyện cuộc đời của Sebastião Salgado có thể được định nghĩa ngắn gọn qua bộ phim tài liệu chân dung của đạo diễn nổi tiếng người Đức Wim Wenders và Juliano Ribeiro Salgado, cũng là con trai của Sebastião Salgado: “người viết lại bằng ánh sáng những nỗi đau đớn, thống khổ nhưng cũng tuyệt đẹp của loài người, của thiên nhiên”.

Với The salt of the Earth, hai đạo diễn đã đồng hành cùng nhiếp ảnh gia Sebastião Salgado trong một chuyến đi khám phá thế giới và ghi lại những hình ảnh, phỏng vấn trong suốt chuyến đi.

Phần hình ảnh này được xen kẽ với những thước phim tư liệu và đặc biệt là những bức hình đen trắng, nhiều trong số đó được xem là những kiệt tác nhiếp ảnh của Sebastião Salgado được trưng bày, triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới.

VÀ CÂU CHUYỆN TRỒNG 2 TRIỆU CÂY RỪNG TRONG 20 NĂM

Phần cuối của bộ phim phát hành năm 2014 này có đề cập đến một trong những dự án quan trọng trong cuộc đời hoạt động không mệt mỏi của Sebastião Salgado: đó là câu chuyện trồng 2 triệu cây rừng của hai vợ chồng ông.

Ông từng thú nhận trong phim rằng sau hơn 4 thập niên làm nhiếp ảnh gia và chứng kiến liên tiếp những nỗi thống khổ của con người ở nhiều nơi trên thế giới, bản thân ông rơi vào trầm cảm vì cảm giác bất lực và vô vọng.

Đầu năm 2000, ông quay trở lại Brazil và trở về quê hương của ông ở vùng Minas Gerais, Brazil. Tại đó, ông phát hiện ra khu rừng nhiệt đới tươi tốt từng thuộc về cha mẹ ông đã bị phá hủy bởi nạn tàn phá rừng tại quốc gia này.

Ở Amazon, khoảng 17% diện tích rừng đã biến mất trong khoảng 50 năm qua, phần lớn do chuyển đổi rừng để chăn nuôi gia súc của người dân. Không chỉ gần khu dân cư, sông ngòi mà ngay cả những khu vực hẻo lánh nhất ở Brazil cũng bị xâm phạm mà vùng quê của ông là một ví dụ.

Trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình, Sebastião Salgado dành nhiều mối quan tâm cho thiên nhiên, những vùng đất nguyên sơ, hoang dã, những loài động thực vật quý hiếm và những cảnh quan hùng vĩ nhất của thế giới, những thứ đang dần mất đi cũng bởi chính con người.

Và khi trở về quê hương với một trái tim đầy thương tổn, lại chứng kiến tận mắt những khu đồi trọc của cha mẹ ông do nạn phá rừng gây ra, Sebastião Salgado quyết định làm một điều gì đó để xoa dịu vết thương nội tâm và kết nối trở lại với thiên nhiên quê hương ông.

Ông và người vợ của mình đã lên kế hoạch trồng hai triệu cây rừng để phủ xanh những khu đồi trọc đang bạc màu vào mùa khô hạn và xói mòn vào mùa mưa.

Hai vợ chồng ông đã thành lập một tổ chức nhỏ có tên Instituto Terra, tổ chức này đã giúp mang lại sự sống cho khu rừng bằng cách trồng 4 triệu cây non. Sebastião tin rằng họ có giải pháp. “Có một sinh vật duy nhất có thể chuyển CO2 thành oxy, đó là cây. Chúng tôi cần phải trồng lại rừng “, nhiếp ảnh gia nói.

Từ khoảng 4 triệu cây giống, một khu rừng tươi tốt đã mọc lên và dần dần phủ xanh vùng Minas Gerais của Brazil.

Bây giờ, sau gần 20 năm, 600 ha đất cằn cỗi trở nên trù phú với hai triệu cây xanh thuộc 293 loài khác nhau. Các suối nước trước đây khô cạn giờ đang chảy trở lại. Sau khi môi trường sống được khôi phục, động vật hoang dã bắt đầu trở lại rừng một lần nữa, với 172 loài chim, 33 loài động vật có vú, 15 loài lưỡng cư và bò sát sinh sống ở thiên đường mới được phục hồi.

Khu rừng của hơn 50 năm trước được khôi phục một lần nữa và được chính phủ Brazil tuyên bố là “Khu bảo tồn Di sản Thiên nhiên Tư nhân”.

Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo tôn giáo để thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu, Salgado đã củng cố khái niệm gắn kết tâm linh với môi trường xung quanh chúng ta, một trong những bài học quan trọng mà ông học được từ nỗ lực trồng rừng của gia đình mình.

Theo National Forest Foundation, việc tái trồng rừng là vô cùng có lợi cho môi trường sống. Tái tạo diện tích đất bị tàn phá đồng nghĩa với việc chất lượng nguồn nước tự nhiên tốt hơn, các loài động thực vật có khả năng phục hồi tốt hơn, chất lượng không khí được cải thiện và thậm chí có nhiều lựa chọn giải trí ngoài trời hơn cho người dân.

Với khu rừng do vợ chồng Sebastião Salgado phục hồi trong suốt 2 thập niên qua, ông đã ghi nhận nhiều lợi ích, thành tựu và hiệu quả tích cực như ngăn chặn nạn xói mòn, lở đất; phục hồi lại các con suối tự nhiên với nguồn nước dồi dào. Và đặc biệt nhất, theo ông là giúp cho các loại động thực vật hoang dã tìm được môi trường sống của chúng. 172 loài chim đã quay trở lại, 6 loài trong số đó hiện có nguy cơ tuyệt chủng; 33 loài động vật có vú đã quay trở lại, trong đó có hai loài đang bị tổn thương; 15 loài bò sát và 15 loài lưỡng cư và sắp tuyệt chủng trên toàn thế giới; và vô số loài loài thực vật đã tìm được thiên đường của chúng.

Rõ ràng câu chuyện truyền cảm hứng của nhiếp ảnh gia người Brazil Sebastião Salgado là một gợi ý tốt cho chúng ta trước thực trạng biến đổi khí hậu gây ra nhiều thảm hoạ nghiêm trọng cho Việt Nam trong thời gian qua và chắc chắn vẫn còn tiếp diễn trong tương lai.