9 tật xấu nhiều người mắc phải mà ‘không thừa nhận’
9 tật xấu nhiều người mắc phải mà ‘không thừa nhận’
Những người chăm chỉ tập thể dục, chăm sóc cơ thể kỹ càng, chú ý ăn uống không phải lúc nào cũng giữ thói quen lành mạnh. Họ có thể cho phép bản thân thực hiện những điều bị cho là tổn hại sức khoẻ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ biến những lần “thả lỏng” thành thói quen thiếu lành mạnh lâu dài. Bạn cũng vậy, chỉ thỉnh thoảng nuông chiều bản thân thôi nhé.
1. Bỏ tập luyện
Một cuộc khảo sát với 2.000 người Mỹ cho thấy 19% nói dối rằng họ tập luyện trong khi họ nghỉ, theo The List.
2. Không dùng kem chống nắng
Theo một cuộc khảo sát năm 2019 tại Mỹ tiết lộ, chỉ 1/10 người bôi kem chống nắng hằng ngày quanh năm và có đến 47% người hoàn toàn không sử dụng nó, theo The List. Nhưng chú ý là Việt Nam ở khu vực nhiều nắng, hãy cân nhắc trước khi bắt chước “đội bạn”.
|
3. Ngoáy mũi
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Lâm sàng cho thấy 91% số người cho biết họ thỉnh thoảng ngoáy mũi.
Theo Healthline, mọi người có thể ngoáy mũi nếu cảm thấy quá khô hoặc quá ướt, lo lắng hoặc buồn chán. Hầu hết các chuyên gia y tế đều đồng ý rằng ngoáy mũi là một thói quen khá lành tính, mặc dù “khó coi”.
4. Rửa tay không đúng
Một nghiên cứu cho thấy 95% người Mỹ rửa tay sai cách. Ngoài ra, nhiều người rửa tay sau khi đi vệ sinh, nhưng lại bỏ qua việc này vào những thời điểm quan trọng khác.
Chẳng hạn, những người cuồng thể dục có thể ưu tiên sức khỏe, nhưng lại quên mất việc mất vệ sinh khi tay chạm vào dụng cụ thể dục chung (đầy vi khuẩn và nguy cơ lây nhiễm) rồi vuốt mặt lau mồ hôi…
Chuyên gia khuyến nghị bạn nên rửa tay bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
5. Ăn đồ ăn nhanh
Những người có lối sống lành mạnh giải thích rằng họ có lựa chọn dung hòa vì “vẫn là một chiếc bánh mì kẹp thịt, nhưng thêm salad và táo sẽ làm tròn dinh dưỡng, cung cấp nhiều chất xơ hơn và một bữa ăn ít natri hơn hầu hết đồ ăn nhanh khác”, theo The List. Chọn kiểu “lành mạnh” này ít thôi nếu không muốn mọi nỗ lực giữ sức khỏe đổ sông đổ bể.
6. Cào, gãi, cậy… da mặt
Sanam Hafeez, nhà tâm lý học ở New York (Mỹ), nói với Byrdie rằng mọi người chạm tay lên mặt như một hình thức giảm lo lắng hoặc để cảm thấy như họ có quyền kiểm soát.
Thật không may, thói quen này có thể dẫn đến sẹo hoặc nhiễm trùng. Nhiều người khỏe mạnh biết rằng đây là một mô hình luẩn quẩn, nhưng rất khó cưỡng lại sự cám dỗ.
7. Không theo thói quen ngủ đúng, đủ
CDC Mỹ khuyến cáo người lớn trung bình nên ngủ ít nhất 7 giờ/đêm. Tuy nhiên, CDC Mỹ phát hiện ra rằng cứ 3 người thì có 1 người không ngủ đủ giấc, kể cả người khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ và tập thể dục thường xuyên.
8. Mê tivi
Theo Washington Post, việc ngồi lì xem TV nhiều giờ (hoặc nhiều ngày) có thể gây ra một số ảnh hưởng xấu đến sức khỏe ngắn hạn và dài hạn. Nhưng những người năng động và khỏe mạnh không cần cảm thấy tội lỗi về việc thỉnh thoảng ham TV. Trên thực tế, họ có thể vừa xem TV vừa thực hiện động tác bật nhảy liên tục, ngồi xổm, plank… để đảm bảo sức khỏe.
9. Ít rời điện thoại (smartphone)
Việc chăm chăm vào điện thoại có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm gân và hội chứng ống cổ tay hoặc gây tê các ngón tay, làm đau cổ và có hại cho mắt.
Theo Forbes, từ thói quen, bạn có thể nghiện điện thoại di động, khiến sức khỏe tâm thần của bạn bị suy giảm. Hãy luôn ý thức thú vui nhất thời không thay thế được sức khỏe lâu dài, cho nên, dừng đúng lúc bạn nhé!