24/11/2024

Hướng về miền Trung: Trắng tay vì lũ

Hướng về miền Trung: Trắng tay vì lũ

Nỗi đau và mức độ thiệt hại cứ dâng cao theo lũ ở Quảng Bình, hàng nghìn hộ dân trắng tay…
Nước lũ nhấn chìm xã Hàm Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Nước lũ nhấn chìm xã Hàm Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình ẢNH: NGỌC DƯƠNG

“Mất sạch rồi !”

Đã là ngày thứ tư, nhưng khi PV Thanh Niên tìm đến xã Mỹ Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) chiều 20.10, lũ vẫn ngập sâu với mức nước 1,5 – 2 m. Khu vực chưa hề dính lũ như đội 2, thôn Mỹ Hà cũng chịu nạn. Nước dâng và chảy xiết khiến người dân không kịp trở tay, chỉ kịp khuân một ít đồ đạc đưa lên cao, sau đó phải “bỏ của chạy lấy người”… “Hơn 60 năm qua, chưa khi nào tôi thấy lũ lớn như lần này. Nhà tôi bị nước ngập ngang cổ”, một phụ nữ có nhà sống ven đường dẫn vào khu vực cầu Ngò Cho thảng thốt.
Quốc lộ 12A lên cửa khẩu Cha Lo, H.Minh Hóa (Quảng Bình) bị đứt, gãy ẢNH: Đ.H

Quốc lộ 12A lên cửa khẩu Cha Lo, H.Minh Hóa (Quảng Bình) bị đứt, gãy ẢNH: Đ.H

Nhiều cụ già, người neo đơn được hàng xóm và lực lượng thôn xã di tản. Mọi người được đưa đến những ngôi nhà kiên cố 2 tầng, hoặc có gác lửng. Nhiều nhà đang cho tá túc trên dưới 30 người. Trường tiểu học Mỹ Thủy cũng là một điểm tập kết đông người. Cảnh sống tạm bợ đã gây ra không ít phiền toái. Không điện nước, không màn chiếu. Một vài cụ già rơi vào trạng thái bất an, cứ “đòi” ở lại nhà mình dù nước đang ngập ngang mái, buộc lực lượng cứu hộ gần như phải cưỡng chế…
Nước lũ nhấn chìm xã Hàm Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Nước lũ nhấn chìm xã Hàm Ninh, H.Quảng Ninh (Quảng Bình) ẢNH: NGỌC DƯƠNG

“Nhà em trắng tay rồi!”, Trương Hoàng Long, 17 tuổi, ở thôn Mỹ Hà (Mỹ Thủy) nghẹn ngào chỉ về phía xóm có nhiều mái ngói lúp xúp nước lũ, trong đó có trang trại chăn nuôi của gia đình em. Long chèo đò đưa chúng tôi vào trang trại. Nhiều dãy chuồng lợn và gà ngập lũ, nước ngang mái. Cả đống xác gà chết bốc mùi hôi thối. Gạt nước mắt, Long nói: “4.000 con gà thịt chưa kịp bán, tính giá bình thường cũng đã gần 700 triệu đồng. Chưa kể mấy chục con lợn thịt và lợn sinh sản. Rồi thêm đàn bồ câu nữa… Trôi và chết gần hết”. Anh Trương Văn Mười, bố của Long, kể rằng nước dâng liên tục khiến vợ chồng tất bật “nâng” các chuồng gà, chuồng lợn mãi không xuể. “Chưa biết khi nào nước rút hết. Mất sạch rồi!”, anh than thở. Bao nhiêu vốn liếng đổ dồn vào chăn nuôi, phút chốc đã tiêu tan.
Tài sản, ô tô, xe máy ở vùng trũng Lệ Thủy ngập lũ ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Tài sản, ô tô, xe máy ở vùng trũng Lệ Thủy ngập lũ ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Chúng tôi từng tình cờ ngồi chung với vợ chồng ông bà Đoàn Công Quyết, Trần Thị Hiên (ở thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy) trên chuyến xe tải chở thuyền cứu hộ của Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Bình. Vợ chồng ông mắc kẹt ở Hà Nội khi lũ đang tràn về Quảng Bình. Toàn bộ 3 kho hàng lân đạm và mấy chiếc ô tô chở hàng bị nhấn chìm. Thấp thỏm trên đường về nhà, vợ chồng ông nhẩm đếm đã mất mát hơn 3 tỉ đồng.

Ngổn ngang “trục dọc”

Hôm qua 20.10, PV Thanh Niên đi dọc vùng lũ Quảng Bình, từ biển lên núi, và tiếp tục chứng kiến những thiệt hại kinh hoàng. Xuất phát từ rốn lũ Lệ Thủy, nơi nước dâng 4,88 m và vượt 0,97 m so với trận lũ lịch sử năm 1979, đọng lại hình ảnh bà Nguyễn Thị Hai (ở xã Cam Thủy) bần thần ngồi cạnh túi quà gồm sữa, mì gói, nước uống… mà đoàn cứu hộ vừa tiếp tế. “Trời ơi đừng mưa nữa! Mấy ngày qua người dân chúng tôi đã chịu đựng đủ rồi. Tài sản tích góp bao lâu nay cũng trôi theo lũ”, bà than phiền.
Lũ Quảng Bình có rút nhẹ, nhưng từ tối 19.10 đến sáng qua 20.10 lên nhanh trở lại. Hơn 23.000 hộ dân đã phải di dời. Tái diễn cảnh các nhóm cứu hộ lao nhanh về phía những người dân còn mắc kẹt. Thuyền nan của ngư dân miền biển vẫn liên tục được chuyển bằng xe tải lên, sau đó “rẽ” dòng lũ vào tận những thôn xóm để cứu người và tiếp tế lương thực, nước uống…
Rời rốn lũ H.Lệ Thủy, chúng tôi đi dọc ra phía H.Quảng Ninh. Tuyến QL1 vẫn ngập sâu từ 0,5 – 1 m, ô tô xếp hàng dài hơn 1 km. Anh Nguyễn Tuấn Tú (40 tuổi, trú Quảng Trị) mắc kẹt trên đường chạy xe ra Quảng Bình chở máy phát điện về bán. “Hơn 2 giờ dừng chờ tại đây rồi, tôi hy vọng nước sớm rút để di chuyển”, anh nói. Đại úy Lê Hoàng Việt, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình, cảnh báo QL1 còn thêm nhiều đoạn ngập sâu ở địa bàn H.Lệ Thủy, H.Quảng Ninh nữa, phải cắm biển và cử người trực hướng dẫn.
Trang trại của gia đình Long ở thôn Mỹ Hà, xã Mỹ Thủy, H.Lệ Thủy (Quảng Bình) thiệt hại vì lũ ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Trang trại của gia đình Long ở thôn Mỹ Hà, xã Mỹ Thủy, H.Lệ Thủy (Quảng Bình) thiệt hại vì lũ   ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Ngược lên hướng vùng cao Minh Hóa, chúng tôi ngang qua nhiều nhóm người ở xã Văn Hóa đang chờ nhận hàng cứu trợ từ các đoàn từ thiện. Chỉ chờ lũ rút là bà Nguyễn Thị Hương (55 tuổi, ở thôn Xuân Hạ) cùng hàng xóm chèo thuyền ra đường chờ “tiếp tế”. Đàn gà, 2 con heo nái đang thời kỳ sinh sản và lúa giống bị lũ cuốn, lương thực dự trữ cũng không còn. “Ba đêm lũ lên là ngần ấy thời gian cả nhà tôi thức trắng. Cả 5 người cứ co ro, chen chúc trên nóc nhà…”, bà Hương than phiền.
Lại thêm nạn núi lở tràn vào nhà ở địa bàn khác, H.Tuyên Hóa. Ông Nguyễn Viết Sơn (ở thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa) vừa đưa cả nhà lánh nạn ở nhà văn hóa thôn. Ông Sơn ngao ngán kể, từ chiều 19.10, ngọn núi gần đó sạt lở, đất đá tràn vào nhà ông và nhiều nhà lân cận, tài sản bên trong cũng vùi lấp hết… Ông Nguyễn Xuân Các, Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa, cho hay không chỉ gia đình ông Sơn mà có thêm 12 hộ khác đã phải lánh nạn trong đêm.

Sạt lở bất thường phía tây Quảng Bình

Hôm qua 20.10, đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình, cho biết đơn vị đã chỉ đạo đặt biển cảnh giới sạt lở sau khi xảy ra sự cố nứt toác, đổ sập dãy nhà tại Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo.
Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã lên phương án, trước mắt thông báo cho các đơn vị liên quan hạn chế tối đa người và phương tiện xuất nhập cảnh từ Lào về Việt Nam và ngược lại. Trước đó, tối 19.10, sạt lở đất xuất hiện trên tuyến đường 12A cách cổng Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo khoảng 100 m.
Bức tường rào phía trước đơn vị (cách cổng đồn khoảng 200 m về phía đông, hướng từ nội địa lên cửa khẩu) cũng bị sập, đất sụt lún; dãy nhà ở của cán bộ, chiến sĩ bị sập hoàn toàn… Quả đồi bên phía taluy dương (bên trái đường 12A hướng từ nội địa lên cửa khẩu Cha Lo) tại Km137+150 bị sụt lún, “di chuyển” cả quả đồi, lấp toàn bộ đường 12A và suối Cha Lo với cả ngàn khối đất đá. BĐBP tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương di dời khẩn cấp 34 hộ dân của bản Cha Lo về bản Bãi Dinh, Ka Vàng (xã Dân Hóa, H.Minh Hóa).
T.Q.Nam – M.Cường 
TRƯƠNG QUANG NAM – MẠNH CƯỜNG
TNO