24/11/2024

Trái đất ‘thở phào’ sau khi hố đen gần nhất hóa ra là hệ sao hiếm

Trái đất ‘thở phào’ sau khi hố đen gần nhất hóa ra là hệ sao hiếm

Một vật thể hồi đầu năm được xem là hố đen gần Trái đất nhất giờ đây hóa ra là một hệ sao đôi với quỹ đạo bất thường, và thế là ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm cho vận mệnh của địa cầu.

 

 

Hệ HR 6819 /// Đài thiên văn Nam Âu
Hệ HR 6819 ĐÀI THIÊN VĂN NAM ÂU
HR 6819, nằm cách Trái đất khoảng 1.120 năm ánh sáng, lâu nay là một câu đố trong giới thiên văn học, theo trang Space.com hôm 20.10.
Ban đầu, vào những năm thuộc thập niên 1980, nó được cho là một ngôi sao thuộc nhóm B, chỉ những sao cực kỳ sáng và màu xanh, đang xoay với vận tốc ở đường xích đạo là khoảng 200 km/giây.
Đến năm 2003, giới thiên văn chuyển sang giả thuyết rằng HR 6819 không phải chỉ một mà là hai ngôi sao, lần lượt là sao thuộc dạng B3 III và Be, dù vào thời điểm đó họ chưa đưa ra được minh chứng về lập luận này.
Nhiều năm sau, các chuyên gia một lần nữa thay đổi quan điểm về HR 6819. Dựa trên các kết quả phân tích lần nay, họ phát hiện sao B3 III, khối lượng gấp 6 lần mặt trời, có quỹ đạo 40 ngày, xoay quanh sao Be có cùng khối lượng nhưng dường như bất động.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một sự nghịch lý: hai sao có khối lượng như nhau, chúng phải cùng xoay quanh một tâm, chứ ngôi sao này không thể đảo quanh đồng bạn.
Sau khi phân tích kỹ lưỡng, một đội ngũ các nhà thiên văn kết luận sao B3 III có thể đang xoay quanh một thứ gì khác và vô hình trước các ống kính thiên văn của Trái đất: một hố đen chẳng hạn.
Thế nhưng, các nhóm khác mới đây đã bác bỏ giả thuyết trên, trong đó có bộ đôi nhà thiên văn Douglas Gies và Luqian Wang của Đại học bang Georgia (Mỹ).
Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy HR 6819 thật sự là hệ sao đôi, chứa sao Be lớn hơn gấp nhiều lần và đồng bạn khối lượng nhỏ hơn. Điều này giúp giải thích tại sao B3 III lại xoay quanh sao Be.
Báo cáo thứ hai của nhóm do chuyên gia Julia Bodensteiner ở Đại học KU Leuven (Bỉ) dẫn đầu cũng rút ra kết luận gần như tương tự.
HẠO NHIÊN
TNO