01/11/2024

Lũ chồng lũ tàn phá miền Trung

Lũ chồng lũ tàn phá miền Trung

Từ ngày 8 – 16.10, người dân nhiều nơi ở miền Trung đã 4 – 5 lần chạy lũ
Chiếc ô tô vượt qua dòng nước lũ tại cầu Ba Khe (xã Đại Đồng, H.Đại Lộc, Quảng Nam) /// ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Chiếc ô tô vượt qua dòng nước lũ tại cầu Ba Khe (xã Đại Đồng, H.Đại Lộc, Quảng Nam)  ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Hôm qua (17.10), mưa lớn kèm lũ dữ dồn dập ở miền Trung tiếp tục tàn phá nhiều địa bàn. Người dân lại phải thêm một lần nữa oằn mình chạy lũ…
Sau 2 ngày mưa lớn liên tiếp 16 – 17.10, lũ trên các sông ở Quảng Trị lên rất nhanh trở lại. Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn vượt báo động 3; sông Bến Hải tại Gia Voòng (thượng nguồn) vượt báo động 2, tại Hiền Lương (Vĩnh Linh) vượt báo động 1; sông Hiếu (tại TP.Đông Hà) cũng vượt báo động 3.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, hồ chứa thủy lợi – thủy điện Quảng Trị đã đạt dung tích trữ. Lưu lượng xả tràn ghi nhận hôm qua đến 1.110 m3/giây.
Ở Quảng Nam, lúc 18 giờ ngày 17.10, thủy điện Sông Bung 4 xả qua tràn xuống hạ du 586 m3/giây; thủy điện Sông Tranh 2 xả 1.292 m3/giây, thủy điện Đak Mi 4 xả 203 m3/giây…
Lũ chồng lũ tàn phá miền Trung

Sạt lở nghiêm trọng trên QL9 ở Quảng Trị  ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Đường sắt, đường bộ tê liệt

Mưa lớn kèm thủy điện – thủy lợi xả lũ khiến giao thông trên địa bàn Quảng Trị tê liệt trong hôm qua 17.10. QL1 đoạn qua TP.Đông Hà nhiều nơi ngập sâu từ 0,5 – 0,8 m. Nhiều xã, thôn xóm bị chia cắt, giao thông đường bộ tê liệt. Lũ nhấn chìm nhiều cầu tràn, ngầm… khiến người dân không dám qua lại. Đường sắt bắc – nam qua địa bàn tỉnh cũng bị tê liệt nhiều giờ, do đường ray bị sạt lở đoạn giữa ga Quảng Trị và ga Diên Sanh; đến chiều qua mới khôi phục tạm.

21 thuyền viên đang bị nạn ở vùng biển Quảng Bình

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết lúc 1 giờ ngày 17.10, tàu hàng VTB Star trọng tải 28.000 tấn, dài 170 m do ông Tạ Thanh Phương (48 tuổi, quê ở Hải Phòng) làm thuyền trưởng, trên tàu có 20 thuyền viên đang neo đậu tại khu vực cảng Hòn La (Quảng Bình) tránh gió, thì bị đứt neo. Sau đó, tàu trôi dạt và mắc cạn tại vùng biển P.Quảng Thọ (TX.Ba Đồn). Trong hôm qua, lực lượng cứu hộ đang tiếp cận tàu bị nạn và triển khai phương án cứu hộ.
T.Q.Nam

Ở Quảng Nam, các điểm sạt lở mới cũng “nối dài” ách tắc với các vị trí sạt lở cũ chưa kịp khắc phục trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Địa bàn vùng cao Quảng Nam hôm qua ghi nhận thêm nhiều điểm sạt lở khiến nhiều tuyến đường lên các xã vùng cao, biên giới bị cô lập. Tuyến đường từ H.Đại Lộc lên Đông Giang cũng bị “cắt” làm đôi. Nhiều xã bị mất điện kéo dài do sự cố mưa lũ. Vì thế, thông tin liên lạc hầu như đều bị cắt đứt…

Bị cô lập 4 lần chỉ trong 8 ngày

Theo kế hoạch, sáng qua 17.10 đoàn cứu trợ của Báo Thanh Niên và Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (TP.HCM) sẽ vào vùng “lòng chảo” Ba Lòng (H.Đakrông, Quảng Trị) để trao tặng 160 suất quà (500.000 đồng/suất).

Sạt lở đất vùi lấp ngôi nhà ở Quảng Trị, bên trong có 6 người

Tối 17.10, ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa (Quảng Trị), cho biết tại địa bàn thôn Tà Rùng (xã Húc, H.Hướng Hóa) đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng vào khoảng 17 giờ, vùi lấp 1 nhà dân.
Theo ông Tuấn, thông tin ban đầu cho biết tại thời điểm xảy ra lở đất, trong nhà có 6 người. Hiện tại, đã tìm thấy 2 thi thể gồm Hồ Thị An và Hồ Thị Hạnh (chưa rõ tuổi).
Trao đổi với PV Thanh Niên vào tối qua, trung tá Lê Văn Hòa, Phó trưởng công an H.Hướng Hóa, cho biết công an huyện đã cử một nhóm công tác vào thôn Tà Rùng. “Lúc 21 giờ ngày 17.10, anh em vẫn chưa đến được hiện trường do mưa lớn, đường bị chia cắt, di chuyển rất nguy hiểm”, trung tá Hòa nói.
Nguyễn Phúc

Vùng cao này thường xuyên biệt lập mỗi khi lũ dữ đổ về. Dòng sông Đakrông hung hãn đã nhấn chìm cầu tràn Ba Lòng, biến nơi này thành khu vực “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Sáng sớm qua, đứng nhìn con nước đang đục ngầu cuồn cuộn chảy, nhiều người dân địa phương không dám bước chân lên thuyền để sang bờ bên kia. Đoàn cứu trợ của Báo Thanh Niên dù xoay trở mọi cách vẫn không thể vào được cầu tràn Ba Lòng. Lúc đó, lũ dâng ngập đường đi, chia cắt con đường duy nhất vào xã Triệu Nguyên và Ba Lòng.

Qua điện thoại, ông Hồ Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng, lo lắng: “Mới 8 ngày mà Ba Lòng bị cô lập tới 4 lần. Chúng tôi huy động quân đội, công an và các lực lượng dọn dẹp vừa xong thì nước lại vào. Bùn đất ngổn ngang”. Ông Hoàng mô tả “lòng chảo” Ba Lòng đang mênh mông nước cứ như giữa biển Hồ, nhất là ở thôn Đá Nổi bị ngập đến 7 – 8 m, lút nóc nhà dân. “Cột điện cao 5,5 m mà cũng… mất tích”, ông Hoàng cho hay.
Tình cảnh lũ chồng lũ liên tiếp đã khiến người dân ở Ba Lòng kiệt quệ, thiếu thốn rất nhiều thứ. “Nhưng giờ có muốn hỗ trợ cũng không được, không đoàn cứu trợ nào có thể vào Ba Lòng lúc này”, ông Hoàng buồn bã.
Ở nhiều vùng cô lập khác tại địa bàn H.Cam Lộ (Quảng Trị) cũng bị nhấn chìm trong nước lũ. Trước tình thế rất cấp bách, Công an H.Cam Lộ triển khai đội cứu nạn, dùng ca nô đến từng khu dân cư cứu hàng chục người dân thoát khỏi vùng lũ dữ…
Tại Thừa Thiên-Huế, chưa kịp gượng dậy sau đợt lũ lịch sử (từ ngày 7 – 14.10) vượt đỉnh năm 1999, người dân lại vất vả hứng đợt lũ mới gây ngập lụt nghiêm trọng. Nhiều người chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ đã không thể về lại nhà mình, do nước lên quá nhanh.
Nước lũ dâng nhanh đã nhấn chìm trở lại nhiều tuyến đường từ thành thị đến làng quê. Nhiều ngôi nhà vừa mới dọn lũ chưa lâu, nay phải kê dọn trở lại sau đợt mưa trắng trời trên diện rộng, kèm nước sông dâng và triều cường.
Lũ chồng lũ tàn phá miền Trung

Đường Hoàng Diệu (TP.Đông Hà, Quảng Trị) biến thành sông ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Trắng tay sau họa “núi đè”

Đã gần một tuần trôi qua, nhiều hộ dân sống dưới chân đồi Thượng Đức (thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh, H.Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại trận sạt lở kinh hoàng xảy ra vào sáng 11.10. Rất may, nhiều người kịp thoát được họa “núi đè”. Thời điểm xảy ra sạt lở đất, cũng là lúc người dân đang lo dọn dẹp tài sản để chạy lũ.

Lũ trên các sông miền Trung lên nhanh, ngập lụt trở lại

62 người chết, 4 người mất tích do mưa lũ
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong ngày 17.10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế có mưa rất lớn.
Cập nhật từ các trạm khí tượng Trung bộ, lượng mưa từ 19 giờ ngày 16.10 đến 13 giờ ngày 17.10 phổ biến từ 150 – 350 mm. Đặc biệt, một số khu vực có lượng mưa đặc biệt lớn như tại Minh Hóa (Quảng Bình) có mưa 452 mm; tại Trường Sơn (Quảng Bình) có mưa 450 mm; tại Hướng Linh (Quảng Trị) có mưa 667,8 mm; tại Khe Sanh (Quảng Trị) có mưa 502 mm. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực trung Trung bộ, các tỉnh Trung bộ có mưa to đến rất to, kéo dài đến ngày 21.10.
Lũ chồng lũ tàn phá miền Trung

Tại thôn Phú Thành (xã Mò Ó, H.Đakrông, Quảng Trị), nước lũ dâng ngập đường đi, chia cắt con đường duy nhất vào các xã Triệu Nguyên, Ba Lòng ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Cùng ngày, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã phát tin cảnh báo khẩn cấp lũ trên các sông miền Trung vượt mức báo động 3 và còn tiếp tục duy trì mực lũ cao trong những ngày tới, khi khu vực này tiếp tục dự báo có mưa lớn. Theo đó, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam sẽ có nguy cơ cao ngập lụt ở vùng đô thị, vũng trũng thấp trong những ngày tới.
* Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết mưa lũ tại các tỉnh miền Trung từ ngày 6 – 17.10 đã làm 61 người chết (Quảng Bình 2 người, Quảng Trị 17 người, Thừa Thiên-Huế 22 người, Quảng Nam 11 người, Đà Nẵng 3 người, Quảng Ngãi 1 người, Gia Lai 1 người, Đắk Lắk 1 người, Lâm Đồng 1 người, và Kon Tum
2 người). Ngoài ra, 4 người khác đang mất tích (Quảng Trị 2 người, Đà Nẵng 1 người và Gia Lai 1 người).
Phan Hậu

Nhớ lại thời khắc kinh hoàng đó, bà Đỗ Thị Thanh Hóa (thôn Tân Hà) cho biết khoảng 7 giờ ngày 11.10, sau tiếng nổ lớn, hàng trăm khối đất đá tràn xuống vùi lấp nhiều ngôi nhà nằm dưới chân núi. Bà Hóa cùng đứa cháu ngoại vừa đi ra khỏi nhà để phụ con trai dọn đồ chạy lũ nên may mắn thoát nạn. Bà không khỏi bàng hoàng nhìn cảnh hàng trăm mét khối đất đá “nuốt chửng” ngôi nhà. Nhà bị chôn vùi trong đất lở nên đến giờ cả gia đình ông Lê Văn Cảm phải tá túc ở phòng trưng bày của tượng đài chiến thắng Thượng Đức, cùng nhiều hộ dân khác và đến hôm qua vẫn chưa thể về lại nhà. “Xảy ra quá nhanh, lớp đất đá vùi cao 2 – 3 m nên mọi giấy tờ, tài sản đều bị lấp cả rồi”, ông Cảm xót xa.

Bà Trương Thị Minh Phương, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, cho biết không chỉ có đến 1.600 ngôi nhà bị ngập đợt lũ trước, chưa bao giờ ở địa phương lại xảy ra cảnh sạt lở khủng khiếp như vậy. Mọi tài sản người dân tích góp được bao lâu nay đều chôn vùi dưới đống đất đá, trắng tay. Người dân phải tìm chỗ tá túc. “Địa phương cũng đã cấp gạo, quần áo, thuốc men, hỗ trợ một ít tiền mặt cho các hộ dân. Chính quyền huyện cũng đã thăm hỏi và lên phương án hỗ trợ”, bà Phương nói.
Từ trận núi đè hôm đó, mọi người rời nhà chuyển đến ở tạm tại khu vực tượng đài chiến thắng Thượng Đức, đến hôm qua 17.10 vẫn chưa về. Mà lối về càng thêm “mờ mịt” khi hôm qua lũ lại dâng, cắt đứt mạch lưu thông từ Đại Đồng lên vùng Đại Lãnh, Đại Hưng…
Mưa lũ dồn dập khiến nhiều thôn xóm ở vùng rốn lũ Đại Lộc tang thương, xơ xác. Hôm qua, nước các sông dâng cao khiến người dân lại oằn mình dọn đồ chạy lũ, nhiều khu dân cư lại bị cô lập. “Đây là lần thứ 5 chúng tôi dọn đồ chạy lũ. Lũ cũ chưa kịp rút thì lũ mới đã đổ về. Hôm qua mới dọn lớp bùn đất để đưa đồ đạc xuống, thì trưa nay phải dọn lên lại. Đợt trước lũ đổ về nhanh khiến nhiều tài sản cũng bị cuốn trôi hết. Hầu như năm nào người dân chúng tôi cũng đều phải chạy lũ, thiệt hại nhiều lắm…”, bà Nguyễn Thị Phương (49 tuổi, ở thôn Hà Nha, xã Đại Đồng) nói trong nước mắt.
MẠNH CƯỜNG – ĐÌNH TOÀN – NGUYỄN PHÚC
TNO