Sách giáo khoa lớp 1 mới: Bất ổn cả khâu thẩm định lẫn thực nghiệm
Sách giáo khoa lớp 1 mới: Bất ổn cả khâu thẩm định lẫn thực nghiệm
Hội đồng thẩm định đề nghị sửa nhưng tác giả sách giáo khoa lớp 1 mới không sửa. Sách giáo khoa sử dụng đại trà nhưng chưa có thời gian thực nghiệm trên diện rộng.
Đây là những vấn đề đang khiến dư luận băn khoăn sau những ồn ào về sách giáo khoa lớp 1 mới.
Cần thực nghiệm trước khi dạy đại trà
Cuối năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Về nguyên tắc, sau khi chương trình chính thức được phê duyệt mới tiến hành biên soạn sách giáo khoa (SGK).
Thời điểm đó, Bộ GD-ĐT tổ chức tuyển chọn tác giả cho bộ sách do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm biên soạn nhưng không tuyển được. Nhiều chuyên gia có kinh nghiệm đã ký hợp đồng với các nhà xuất bản (NXB) và triển khai biên soạn SGK.
Đến đầu năm 2019, đã có những bản mẫu SGK mới được cơ bản hoàn thiện.
Trong một cuộc họp báo vào tháng 3-2019, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định nếu bộ tổ chức mời tác giả lần thứ hai để biên soạn được một bộ SGK thì sẽ phải tổ chức thực nghiệm trong học kỳ 1 năm học 2019-2020, căn cứ vào kết quả thực nghiệm mới điều chỉnh, hoàn thiện. Việc thực nghiệm sẽ tiến hành ở các nội dung mới.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng phương pháp, cách thức tổ chức dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Đây là điểm cốt lõi phân biệt giữa chương trình mới và chương trình hiện hành. Nhưng thời điểm này đã có những bản mẫu SGK của đơn vị xã hội hóa được hoàn thành.
Ông Phạm Tất Thắng – phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – cho biết theo quy trình biên soạn SGK, việc thẩm định của hội đồng thẩm định cho thấy SGK đáp ứng được các tiêu chí đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng vẫn cần có thời gian dạy thực nghiệm các bộ SGK.
Từ thực tế dạy học sẽ có những vấn đề phải điều chỉnh trước khi đưa vào sử dụng đại trà.
Theo một số chuyên gia giáo dục, để chặt chẽ, việc thực nghiệm SGK cần phải triển khai trước, trong quá trình biên soạn và cả sau khi được thẩm định. Nhưng chỉ nhìn vào các mốc thời gian và quá trình triển khai thì thấy đang có những bất ổn về quy trình thực nghiệm.
Đây cũng là nguyên nhân khiến cho SGK lớp 1 đã qua thẩm định và được lựa chọn vào nhà trường để dạy mới bộc lộ những bất ổn như bài học quá nhanh, quá nặng, ngữ liệu không phù hợp với trẻ lớp 1.
“Nếu SGK được thực nghiệm nghiêm túc theo các đối tượng tương ứng với nhiều vùng miền trong diện hẹp và rộng thì có thể sẽ kịp khắc phục những bất cập như dư luận đã nêu vừa qua” – một chuyên gia giáo dục nêu ý kiến.
Chọn sách vì thương hiệu NXB
Không có căn cứ thực tiễn để chọn sách nên nhiều giáo viên, cán bộ quản lý khi được hỏi “vì sao chọn” đã cho biết những lý do như tiến độ bài dạy, tên tác giả biên soạn sách, thương hiệu NXB… Chỉ khi tiến hành dạy mới thấy có những bất cập.
“Mấy hôm nay, một số phụ huynh lớp tôi có thắc mắc với tôi rằng SGK lớp 1 môn tiếng Việt bộ “Cánh diều” có nhiều “sạn” như thế mà tại sao trường lại chọn để giảng dạy chính thức cho học sinh.
Tôi đã giải thích rất thực tình là chúng tôi chọn bộ “Cánh diều” vì tiến độ bài dạy môn tiếng Việt đi chậm hơn so với các bộ sách khác. Tức là chúng tôi mong muốn học sinh học bộ “Cánh diều” thì sẽ giảm bớt căng thẳng” – cô Th., giáo viên lớp 1 ở TP.HCM, giải thích.
Cô Th. thừa nhận: “Bản thân tôi có tên trong danh sách hội đồng chọn lựa SGK lớp 1, nhưng thực sự tôi không có nhiều thời gian để đọc hết tất cả nội dung bài học của tất cả 5 bộ sách với nhiều đầu sách khác nhau chứ không chỉ 1 môn tiếng Việt.
Hiện tôi đã dạy đến bài 31 của SGK môn tiếng Việt. Trong 31 bài đó có những câu, từ trúc trắc, khó hiểu và xa lạ đối với học sinh thì tôi đã cố gắng tìm tranh, ảnh và clip để giảng cho các em. Còn những bài đọc mà dư luận phản ảnh thời gian qua thì gần cuối học kỳ 1 mới học tới.
Hiện chúng tôi vẫn đang chờ cấp trên có hướng dẫn cụ thể về việc này”.
Đề nghị trường báo cáo những khó khăn
Ông Trần Trọng Khiêm – phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, TP.HCM – cho biết: “Hiện chúng tôi đã có văn bản gửi các trường đề nghị các trường báo cáo những khó khăn, thuận lợi cùng những đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai chương trình mới.
Phòng GD-ĐT cũng đã có chỉ đạo về mặt chuyên môn đối với các trường là giáo viên cần linh hoạt trong quá trình giảng dạy. Tức là giáo viên không nhất thiết phải dạy theo hoàn toàn và sử dụng hoàn toàn những ngữ liệu trong SGK mà có thể thay đổi nếu thấy không phù hợp”.
Hội đồng “khuyến nghị”, nhóm tác giả không sửa
Phát biểu sau đợt thẩm định SGK lớp 1 vào 1 năm trước đây, đại diện một số hội đồng bộ môn SGK lớp 1 khẳng định đã làm việc nghiêm túc, đọc kỹ từng trang bản mẫu. Đối với SGK lớp 1, các nhóm biên soạn có sách “đạt nhưng cần sửa chữa” có cơ hội chỉnh sửa để tham gia thẩm định lần hai.
Trao đổi với báo chí về việc này, ông Thái Văn Tài – vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) – từng cho biết các tác giả có SGK được yêu cầu chỉnh sửa trong đợt 1 đã nghiêm túc chỉnh sửa theo yêu cầu của hội đồng thẩm định.
SGK sau khi được đánh giá “đạt” ở vòng hai còn được Bộ GD-ĐT rà soát lần nữa để đảm bảo không trái quy định pháp lý trước khi chuyển cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Nhưng “sự cố” sách để lọt những ngữ liệu gây tranh cãi lại hé lộ việc hội đồng thẩm định đã chưa rốt ráo tới cùng trong việc yêu cầu nhóm tác giả chỉnh sửa những nội dung mà họ thấy nên thay, nên chỉnh.
Ông Mai Ngọc Chừ – phó chủ tịch hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt lớp 1 – trong các nội dung trả lời báo chí đều cho biết về một số nội dung dư luận đang phê phán thì ở biên bản thẩm định đợt 1, hội đồng đã đưa ra khuyến nghị nhóm tác giả sửa chữa. Và do đó chỉ là nội dung “khuyến nghị” chứ không phải nội dung bắt buộc yêu cầu sửa nên nhóm tác giả “Cánh diều” đã không sửa.
“Kẽ hở” này khiến cho vấn đề trở nên phức tạp khi SGK đã được phê duyệt và đang được triển khai thực hiện ở các trường tiểu học với tỉ lệ chọn rất cao.
TS Hoàng Thị Tuyết, nguyên giảng viên khoa giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định: “Cần nghiêm túc xem lại trách nhiệm của hội đồng thẩm định SGK lớp 1. Một cuốn sách có nhiều vấn đề nhưng vẫn được thẩm định thì sẽ rơi vào một trong ba trường hợp.
Một là, hội đồng thẩm định có cùng quan điểm với tác giả biên soạn sách. Hai là, có thấy, có nhận ra những vấn đề chưa ổn nhưng nể nang nhau và cho qua. Ba là, hội đồng thẩm định vô tình không biết.
Nhưng dù có rơi vào trường hợp nào đi chăng nữa thì hội đồng thẩm định sách cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình”.