28/11/2024

Phục chế hiện vật quý trông vào dự án nước ngoài?

Các chuyên gia cho biết, các dự án phục chế hiện vật do nước ngoài hỗ trợ như cú ‘hà hơi’ tiếp sức cho việc bảo quản trong nước bài bản hơn.

 

Phục chế hiện vật quý trông vào dự án nước ngoài?

Các chuyên gia cho biết, các dự án phục chế hiện vật do nước ngoài hỗ trợ như cú ‘hà hơi’ tiếp sức cho việc bảo quản trong nước bài bản hơn.

 

 

Chuyên gia phục chế cửa chùa Phổ Minh /// Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp

Chuyên gia phục chế cửa chùa Phổ Minh  ẢNH: BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA CUNG CẤP

 
Nhét xi măng vào cửa gỗ, đục bỏ hoa văn bị hoen Gỉ
Cánh cửa chùa Phổ Minh đã bị mục ruỗng nhiều chỗ khi chuyên gia Nhật Bản bắt đầu bảo quản, phục chế. Nhưng không chỉ mục và thủng, cửa còn có những chỗ thủng được lấp đầy tai hại. “Trước đây đã nhiều lần được gia cố, tu sửa bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như thạch cao, xi măng, sơn…”, thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Thơm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết. Chính vì thế, một trong những công đoạn phục chế mà các chuyên gia Nhật Bản đã phải làm là moi hết các vật liệu đã được cấy vào hiện vật đó ra. Nhóm chuyên gia sau đó cũng sử dụng những miếng gỗ lim có kết cấu tương tự để ghép vào cửa, rồi đục chạm lại. Câu chuyện kể ra thì ngắn, nhưng đó là cả một hành trình dài chi li trong suốt 6 năm.
 

Dự án 6 năm này còn bảo quản phục chế 2 hiện vật nữa của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đó là bức tranh chùa Hàm Long và tượng Phật Nhật Bản. Các hiện vật đều được bảo quản phục chế với kinh phí từ 1,6 – 2,6 tỉ đồng. Khoản tiền này do Quỹ Sumitomo (Nhật Bản) tài trợ, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản.

 
Không phải hiện vật nào cũng may mắn như 3 hiện vật trên. Tại buổi báo cáo về dự án phục chế nói trên diễn ra sáng 25.10, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử, đã nhắc tới những trường hợp không may mắn. Chẳng hạn, nhiều hiện vật đồng thời sơ sử của bảo tàng ngoài công lập được chồng lên nhau để đỡ tốn diện tích. Thậm chí, theo ông Quân: “Nhiều hoa văn bị đục bỏ do lớp đất laterit bám quá chặt, mà người chủ sở hữu muốn vứt bỏ để tạo vẻ đẹp hào nhoáng cho hiện vật. Họ không biết đó là sự can thiệp thô bạo”.
 
Cũng có cả trường hợp hiện vật quý bị cấy ghép thêm hoa văn, hay “đầu cá vá đầu tôm”. Chẳng hạn, ông Quân từng chứng kiến một chiếc kiếm có đốc hình người, giống như cán dao găm hình người Đông Sơn thường thấy. Tuy nhiên, nó lại được gắn với một lưỡi kiếm Sở thời Chiến Quốc. Chỉ khi làm X-quang mới phát hiện ra cán và lưỡi đã bị gá lắp. Chưa kể, theo ông Quân, còn có trường hợp khi đưa hiện vật xuống mộ, do quan niệm, người ta đã làm hiện vật vỡ đi một phần. Khi đó, việc ghép thêm phần còn lại vào cho lành lặn cũng không phản ánh đúng quan điểm của thời kỳ lịch sử đó.
 
 

Phục chế hiện vật quý trông vào dự án nước ngoài?1

Tượng Phật Nhật Bản trong quá trình bảo quản, phục chế

 
Ước mơ trung tâm bảo quản quốc gia
Hiện tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang xây dựng một quy trình bảo quản hiện vật khảo cổ học chất liệu đồng tại đơn vị mình. Theo đó, các bước bảo quản được thực hiện theo thứ tự: chụp ảnh đánh giá, xác định nguyên nhân hư hại, làm sạch bề mặt để loại bỏ tác nhân gây hại, gia cố tạo lớp bảo vệ… Cũng phải nói thêm, tại bảo tàng này hiện có rất nhiều hiện vật đồng đã là bảo vật quốc gia như: cây đèn hình người quỳ, trống đồng Đông Sơn, thạp đồng Đào Thịnh…
 
Tuy nhiên, vẫn có một câu hỏi là liệu chúng ta có phụ thuộc vào các dự án bảo quản phục chế hiện vật của nước ngoài hay không? Dự án do Quỹ Sumitomo tài trợ có giá trị khoảng 6 tỉ đồng cho 3 hiện vật. “Một con số lớn so với bảo tàng VN”, một chuyên gia bảo tàng nói. Rõ ràng, nếu không có tài trợ, việc xử lý khoa học nhưng tốn kém sẽ khiến các bảo tàng đau đầu.
 
Về điều này, một uỷ viên Hội đồng Di sản quốc gia nhìn nhận: “Nếu không có dự án nước ngoài thì các bảo tàng trong nước vẫn phải làm bảo quản, phục chế thôi. Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài rất bài bản. Họ kỹ ở nghiên cứu bắt bệnh hiện vật rồi mới đưa ra phương án. Còn mình dùng kinh nghiệm để phán đoán. Tất nhiên, mình rút ngắn được thời gian và tiết kiệm tiền. Nhưng hồ sơ nghiên cứu mình để lại sẽ không dày như họ”. Vị ủy viên này cũng cho biết, cán bộ bảo quản phục chế hiện vật trong nước lương rất thấp dù có khả năng. “Tiền công của họ còn kém cả thợ cắt tóc”, ông nói. Chính vì thế, theo vị này, cái chúng ta cần nhất ở các dự án với nước ngoài chính là “chuyển giao công nghệ”. “Nhờ nhiều dự án thì mình cũng có nhiều người làm đúng phương pháp hơn, thay vì chỉ làm bằng kinh nghiệm. Đó là sự hà hơi, để có phương pháp làm việc khoa học, quy trình bảo quản có bài bản”, ông phân tích.
 
Trong khi đó, TS Phạm Quốc Quân lại chia sẻ ước mơ về các trung tâm phục chế với chuyên môn sâu. “Như ở Singapore, họ có trung tâm lớn để bảo tàng có thể đưa hiện vật lên thăm khám. Ngành văn hóa cũng có ý định thành lập 3 trung tâm ở 3 miền khác nhau dựa trên các chất liệu phổ biến. Miền Bắc trung tâm đồng, gỗ. Miền Trung là đồ đá Champa. Miền Nam là giấy vải vật liệu hữu cơ. Chẳng hạn thế. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa làm được”, ông Quân nói.
 
 
TRINH NGUYỄN