27/11/2024

MỘT NỀN NHÂN BẢN TOÀN DIỆN VÀ LIÊN ĐỚI


Lời người dịch: Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (“quyển Tóm lược”) quả là một kỳ thư, cẩm nang, xứng đáng là quyển“cảo thơm lần giở trước đèn”cho mọi Kitô hữu. Sách gồm Nhập đề, 12 Chương và phần Kết luận, tổng cộng 583 số, dày 696 trang bản dịch tiếng Việt (do Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn cùng Nhóm Dịch Thuật thực hiện), và 525 trang bản tiếng Anh. Quả là một tác phẩm khá đồ sộ. Để việc nghiên cứu, học hỏi quyển Tóm lược có hiệu quả hơn, cần có một bản tóm lược của Tóm lược. Giáo sư Joe Holland, Chủ tịch Phong trào Pax Romana Hoa Kỳ, cùng với một nhóm đồng nghiệp và đồng sự, đã phân công nhau thực hiện công việc tóm lược này, hiện nay mới chỉ đưa ra bản tóm tắt phần Nhập đề và 4 Chương đầu quyển Tóm lược dưới dạng bản thảo (draft pdf file).
Chương nhập đề này do Giáo sư Joe Holland tóm lược. Chúng tôi sẽ dịch và lần lượt gửi đến quý độc giả 4 chương đầu của quyển Tóm lược.

Vào buổi bình minh ngàn năm thứ ba (từ số 1 đến số 6)


Quyển Tóm lược bắt đầu bằng cách bảo ta rằng, vào buổi bình minh của Ngàn Năm Thứ Ba, Giáo Hội, “một đoàn dân lữ hành, dưới sự hướng dẫn của Đức Kitô, vị “Mục Tử nhân lành”, Đấng chính là “đường, là sự thật và là sự sống” ngỏ lời với “mọi dân tộc và mọi quốc gia” để loan báo ơn cứu độ toàn diện. Ơn cứu độ toàn diện này cần được thâm nhập vào thế giới này qua các thực tại kinh tế và lao động, công nghệ và truyền thông, xã hội và chính trị, cộng đồng quốc tế và các mối quan hệ giữa các nền văn hoá và giữa các dân tộc.


Giáo huấn về ơn cứu độ toàn diện này bao gồm “các đòi hỏi của công lý và hoà bình” là trung tâm của “luật yêu thương mới”. Giáo huấn được được xây dựng trên “phẩm giá siêu việt” của con người khi họ “đến gặp người khác qua một mạng lưới các quan hệ”. Như vậy, giáo huấn xã hội của Giáo Hội có một sự thống nhất sâu xa đâm rễ sâu trong tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Được Thiên Chúa yêu thương, mọi người được kêu gọi trở nên nhân bản đích thực bằng cách tìm hiểu “phẩm giá siêu việt của mình” và bằng cách hành động cho “công lý và hòa bình” thông qua “luật yêu thương mới” cho những người anh em của chúng ta “trong một mạng lưới các quan hệ” ở mọi cấp độ cho “tới tận cùng trái đất”.


Chúng ta có biết bao “anh chị em nghèo đói đang cần giúp đỡ”, bao gồm những người đang chịu cảnh áp bức bất công, thất nghiệp, thiếu thốn sự chăm sóc y tế, đói khát, không nhà không cửa, những người giàu có nhưng tuyệt vọng vì không tìm được ý nghĩa cuộc đời, những người nghiện ma tuý, những người già bị bỏ rơi, những người bị gạt ra bên lề xã hội vì bị kỳ thị, những người gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng môi sinh, chiến tranh và những sự vi phạm nhân quyền. Các nhu cầu đó đòi hỏi “sự tố cáo, các đề nghị và sự dấn thân vào những dự án văn hoá và xã hội” với một “trách nhiệm được gợi hứng bởi một nền nhân bản toàn diện và liên đới”.


Ý nghĩa của Tài liệu này (7-12)


Quyển Tóm lược bảo ta rằng học thuyết xã hội của Giáo Hội cung hiến cho chúng ta: “những nguyên tắc để suy tư”, “những tiêu chuẩn để phán đoán” và “những chỉ dẫn để hành động”.


Là “xuất phát điểm để thúc đẩy một nền nhân bản toàn diện và liên đới”, học thuyết này là “một ưu tiên mục vụ đích thực”, “một phần trong sứ mạng loan báo Phúc Âm của Giáo Hội” và thiết yếu cho “công cuộc tân Phúc âm hoá”. Quyển Tóm lược trình bày “một cái nhìn đầy đủ và có hệ thống” về “những yếu tố căn bản” trong Huấn quyền của Giáo hội về các lĩnh vực xã hội, “các hội đồng giám mục tùy theo tình hình địa phương mà đưa ra những áp dụng thích hợp”. Trong khi “giáo huấn này” được rút ra từ “các văn kiện thuộc nhiều thẩm quyền khác nhau”, cần phải xem đó như “một tổng thể thống nhất” có đặc điểm là “càng ngày càng liên hệ chặt chẽ với nhau hơn”, cần có “một cách tiếp cận có hệ thống” đối với các thực tế trong thời đại của chúng ta, cần có sự “cập nhật liên tục” để có thể giải thích “các dấu chỉ mới của thời đại”, “những đối sách mới” và “các đoàn sủng khác nhau” nhằm phục vụ “công cuộc Phúc âm hoá thực tại xã hội”. Quyển Tóm lược “nhắm trước tiên đến các giám mục, là người sẽ quyết định những phương pháp thích hợp nhất để giải thích tài liệu một cách đúng đắn”, và cho các linh mục, các nam nữ tu sĩ, các tín hữu giáo dân, các cộng đồng Kitô hữu cũng như “các anh em thuộc các Giáo hội và các Cộng đồng Giáo hội khác”, cho “các tín đồ của các tôn giáo khác” và cho “tất cả những người thiện chí”. Quyển Tóm lược cũng hoan nghênh cuộc đối thoại mới giữa “các tôn giáo và các nền văn hóa” trong công cuộc “thăng tiến công lý, tình huynh đệ, hoà bình và sự phát triển con người”.


Để phục vụ sự thật toàn vẹn về con người (13-17)

Để phục vụ “con người trong thời đại chúng ta”, Quyển Tóm lược đã “rút ra từ Hiến chế Mục vụ Vui mừng và Hy vọng (Công đồng Vatican II) và phản ánh “một mục tiêu duy nhất” của Giáo Hội là “xúc tiến công việc của Đức Kitô dưới sự hướng dẫn thân tình của Chúa Thánh Thần… để làm chứng cho sự thật, để cứu độ chứ không phải để lên án, và để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”. Về mặt này, Giáo hội đóng góp vào “vấn đề vị trí của con người trong thiên nhiên và trong xã hội con người”, vì “các nền văn minh và văn hoá” bắt nguồn từ những truyền thống cổ xưa đã có hàng ngàn năm. Đây là những vấn nạn căn bản luôn xuất hiện trong cuộc đời con người, làm ta nhớ lại lời nhắn nhủ “Hãy tự biết mình”, được khắc trên “cổng đền Delphi” cổ. Những câu hỏi này xoáy vào chính bản chất của “đời sống con người, xã hội và lịch sử”. Những vấn nạn ấy “chủ yếu mang tính tôn giáo”, vì chúng tra hỏi “nguyên nhân của sự vật”. Những vấn nạn ngày nay càng có ý nghĩa lớn hơn vì “những thách đố lớn lao các thế hệ hiện nay đang đối mặt”.


Thách đố đầu tiên là “chính sự thật về hữu thể được gọi là con người”. Thách đố thứ hai là làm sao “hiểu được và xử lý được sự đa nguyên và sự khác biệt ở mọi cấp độ”. Thách đố thứ ba là “toàn cầu hoá”, vì chúng ta đang chứng kiến “sự khai trương một kỷ nguyên mới” của “vận mệnh con người”.
“Các môn đệ của Đức Giêsu Kitô” cảm thấy mình cũng đang bị cuốn hút vào những vấn nạn ấy; họ cũng cưu mang những vấn nạn ấy trong tâm hồn và cũng muốn cùng với mọi người dấn thân “tìm kiếm sự thật và ý nghĩa của cuộc đời để sống cuộc đời ấy như những cá nhân và như một xã hội”. Về những vấn đề này, “Thiên Chúa đã nói với con người suốt dòng lịch sử”. Trong Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, “Thiên Chúa đã bước vào lịch sử để đối thoại với con người và để mạc khải cho con người về kế hoạch cứu độ của Người, về công lý và tình huynh đệ.


Dưới dấu hiệu của tình liên đới, lòng tôn trọng và tình yêu (18-19)


“Giáo hội lữ hành qua các nẻo đường lịch sử cùng với toàn thể nhân loại”. “Công đồng Vatican II” đã minh chứng “tình liên đới, sự tôn trọng và ưu ái của mình đối với toàn thể nhân loại bằng cách tham gia đối thoại với nhân loại về những vấn đề lớn của thời đại chúng ta”. Giáo Hội thực hiện cuộc đối thoại bằng ánh sáng Phúc âm và “dưới sự thôi thúc của Thánh Thần” để “Giáo hội phục vụ nhân loại”. Giáo hội đề nghị với mọi người một nền nhân bản phản ánh “kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa”. Kế hoạch này nhằm kêu gọi “một nền nhân bản toàn diện và liên đới có thể xác lập một trật tự xã hội, kinh tế và chính trị mới, đặt nền tảng trên phẩm giá và tự do của mọi người trong hoà bình, công lý và tình liên đới”.


JOE HOLLAND, Giáo sư Triết học và Tôn giáo, Saint Thomas University of Florida, Chủ tịch Phong trào Pax Romana (Phong trào Trí thức Công giáo) Hoa Kỳ
Đan Quang Tâm dịch