Áp lực lớp 1
Áp lực lớp 1
Những năm gần đây, từ ‘áp lực‘ là một trong những từ khóa xuất hiện nhiều nhất, và cũng là một trong những từ được xã hội dùng nhiều nhất. Đủ thứ áp lực trong đời sống cá nhân, đời sống xã hội.
Ở đây tôi muốn nói, một dạng áp lực khá kỳ lạ, đó là áp lực trên việc học của trẻ lớp 1.
Vài chục năm về trước, không bao giờ chúng ta nghe trẻ em đi học lớp 1 lại chịu áp lực, dù là áp lực của học sinh hay áp lực của phụ huynh. Bây giờ thì chuyện áp lực cho trẻ học lớp 1 đã đè lên phụ huynh, đè lên trẻ em, ảnh hưởng tới cô giáo, và như thế, nó là từ mà xã hội không thể không nhắc đến, không thể không quan tâm.
Chương trình học, cái này là bình đẳng cho cả con nhà nghèo lẫn con nhà giàu, đó là khoản mà phụ huynh kêu ca nhiều nhất. Các cháu nhỏ, chưa biết kêu ca, nhưng nhiều cháu đã tỏ ra lo sợ, tỏ ra phải vất vả khi học. Mới lớp 1, mà đã có nhiều cháu phải học thêm, đơn giản, vì nếu không học thêm thì theo không kịp chương trình. Đã có những đòi hỏi phải sớm biết đọc biết viết, phải thế này thế khác mà trẻ em chưa thể nghĩ tới.
Với trẻ em lớp 1, thì chuyện ăn ngủ vui chơi phải được đặt trước chuyện học, cùng lắm, thì phải song hành với chuyện học. Khi trẻ lớp 1 mà phải học nhiều hơn chơi, tất sẽ phải chịu áp lực. Với trẻ con, chịu áp lực sớm như thế rất không có lợi cho sức khỏe, cho sự phát triển bình thường của thể chất và trí tuệ.
Với phụ huynh, thì “áp lực lớp 1” của con cộng thêm vào bao nhiêu áp lực phải chịu, đã khiến nhiều phụ huynh mỏi mệt, dù không biết kêu vào đâu, kêu vào ai.
Có thể chương trình giáo dục dành cho lớp 1 có nhiều điểm rất thoáng và chú trọng đến tâm sinh lý trẻ em, nhưng thực tế sách giáo khoa lại khá nặng nề và chưa chắc đã phù hợp với tinh thần của chương trình giáo dục. Hãy suy nghĩ từ chính sách giáo khoa, để tìm cách giảm áp lực không đáng có cho học sinh. Và nhất là không để loại sách tham khảo tràn vào học đường, bất chấp bậc học và lớp học của học sinh.
THANH THẢO
TNO