Nhiều bệnh viện ở TP.HCM thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Nhiều bệnh viện ở TP.HCM thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Trong khi ngành y tế báo động bệnh tay chân miệng có xu hướng đang tăng cao, nhiều bệnh viện TP.HCM đã cạn kiệt thuốc phenobarbital điều trị tay chân miệng.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), TP.HCM đang bước vào mùa bệnh tay chân miệng.
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 6.358 ca tay chân miệng tại 24 quận, huyện. Riêng tuần cuối tháng 9, thành phố ghi nhận 640 ca bệnh – cao nhất trong tất cả các tuần tính từ đầu năm đến nay.
Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), ông Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện – cho hay hiện bệnh viện có khoảng 40 ca bệnh mắc tay chân miệng điều trị nội trú, trong đó có 1 ca bệnh nặng phải truyền kháng thể. Hiện thuốc phenobarbital tại bệnh viện vẫn còn nhưng rất hiếm.
“Bệnh viện phải lên kế hoạch sử dụng thuốc hợp lý, tránh lãng phí. Chúng tôi đã báo cáo đến Bộ Y tế về tình trạng này, hiện đang chờ phản hồi của Bộ Y tế ” – ông Tiến nói.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm – thần kinh bệnh viện này – cho biết hiện trung bình mỗi ngày khoa điều trị khoảng 30 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó có một số trường hợp chuyển biến nặng (độ 2B, độ 3) thế nhưng bệnh viện đã cạn kiệt thuốc phenobarbital (chuyên điều trị co giật) từ ngày 27-9.
Tương tự, tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), ông Nguyễn Minh Quân – giám đốc bệnh viện – cho hay bệnh viện cũng rơi vào tình trạng thiếu thuốc điều tay chân miệng, rất may các ca bệnh đều nhẹ và ổn định.
Các bác sĩ cho biết phenobarbital là thuốc điều trị co giật ở người lớn và trẻ em, đặc biệt khi bệnh nhân mắc tay chân miệng bắt đầu trở nặng (độ 2A, độ 2B).
Phenobarbital có ưu điểm là thời gian điều trị lâu dài, ít gây ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp. Do đó, phenobarbital được ưu tiên dùng đối với các bệnh có co giật ở trẻ như tay chân miệng, động kinh, rối loạn tiêu hóa, vàng da sơ sinh.
Phenobarbital thuộc phác đồ điều trị tay chân miệng của Bộ Y tế và nằm trong danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm virus đường ruột enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ ăn chín uống sôi, ở sạch, giữ bàn tay sạch, chơi đồ chơi sạch và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để hạn chế lây cho trẻ khác.
Khi trẻ có một trong các dấu hiệu như sốt cao liên tục, giật mình, chới với khi ngủ hoặc thức, run tay chân, đi đứng loạng choạng không vững, nôn ói liên tục, da xanh tái, thở mệt… phải đưa trẻ nhập viện ngay.