Nhiều vấn đề ‘nóng’ đầu năm học
Nhiều vấn đề ‘nóng’ đầu năm học
Tại buổi họp báo do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 30.9, nhiều thông tin xoay quanh việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp; sử dụng sách tham khảo thế nào; thi cử, tuyển sinh giai đoạn tới ra sao… đã được giải đáp.
Siết quản lý sử dụng sách tham khảo
Xung quanh việc lạm dụng, ép buộc học sinh (HS) mua sách tham khảo vào dịp đầu năm học, ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp năm học, cũng như chấn chỉnh kịp thời tình trạng lạm thu. Bộ yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc HS phải mua tài liệu tham khảo. Các sở GD-ĐT phải tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc cung cấp SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, ông Nam chia sẻ thị trường sách tham khảo rất lớn, đa dạng và phong phú, Bộ không thẩm định nội dung sách tham khảo, nhưng Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quản lý sách tham khảo cho phù hợp hơn trong mỗi trường.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đã có quy định rất chặt chẽ về việc đưa sách vào nhà trường. Đặc biệt, giáo viên (GV) không được đưa vào bài dạy, bài kiểm tra đánh giá những nội dung vượt quá chương trình và nội dung ấy lại xuất hiện trong sách tham khảo.
Sẽ sớm công bố phương án thi và tuyển sinh 2021 – 2025
Xung quanh vấn đề thi tốt nghiệp THPT giai đoạn tới, ông Trần Quang Nam cho biết, căn cứ vào kết quả đổi mới giai đoạn trên, Bộ đã xác định định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 – 2025 về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. “Bộ đang xây dựng để sớm công bố phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021 – 2025, trên quan điểm phân rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ và trách nhiệm triển khai cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục đối với các kỳ thi và tuyển sinh. Trong đó, tăng cường tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH trong tuyển sinh; đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh; có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước tiên tiến về giáo dục trên thế giới”, ông Nam nói.
Sẽ hướng dẫn việc cho học sinh sử dụng điện thoại
Ông Trần Quang Nam cho biết Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học Bộ mới ban hành, cho phép HS được sử dụng trong giờ học. Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh, quy định này nhằm hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học chứ không phải HS cứ muốn là mang điện thoại và sử dụng trong lớp học. Việc sử dụng điện thoại chỉ được thực hiện với mục tiêu phục vụ học tập và được GV cho phép và kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, ông Nam cho biết: “Tới đây, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn để sử dụng điện thoại trong lớp học, phối hợp với các đơn vị liên quan có chuyên môn về công nghệ thông tin nhằm kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong lớp học, mục tiêu là chỉ phục vụ việc học”.
Chương trình lớp 1 mới có nặng?
Trước câu hỏi về việc trên một số diễn đàn, phụ huynh nói chương trình lớp 1 mới hiện nay là nặng, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết Bộ chưa nhận được bất kỳ phản ánh chính thức nào từ GV, các nhà khoa học về điều này.
Theo ông Tài, lớp 1 có 9 môn học có quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học khi kết thúc năm học. Ông Tài cũng cho biết, trong chương trình mới, Bộ có đưa ra một mục khác với chương trình hiện hành, đó là có sự phát triển, điều chỉnh chương trình trong quá trình thực hiện.
“Như thế, trong quá trình triển khai chương trình, Bộ tiếp tục lắng nghe phản biện những việc phát sinh trong thực tế, khi có đủ thời gian, có đầy đủ căn cứ khoa học đánh giá, lúc đó chương trình sẽ có tổng kết lại để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn triển khai”, ông Tài nói.
Chậm nhất chiều 5.10, các trường ĐH công bố điểm chuẩn
Cập nhật hết ngày 27.9, có tổng số 275.530 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, với tỷ lệ điều chỉnh là 42,49%. Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết chậm nhất là chiều 5.10, tất cả các trường sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thu tiền của phụ huynh để mua bó hoa tặng giáo viên cũng sai quy định
Trước câu hỏi báo giới đặt ra về việc có nên tồn tại Ban đại diện cha mẹ HS hay không, sau một số ồn ào về việc Ban đại diện cha mẹ HS thu sai quy định và gây sức ép với một số phụ huynh không đồng ý với các khoản thu này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng luật Giáo dục 2019 quy định có Ban đại diện cha mẹ HS. Trách nhiệm của gia đình trong việc phối hợp với nhà trường là rất quan trọng, không thể vì một số hiện tượng tiêu cực mà đặt vấn đề không cần Ban đại diện cha mẹ HS.
Về kinh phí, ông Thành khẳng định, Ban đại diện cha mẹ HS không được thu “bổ đầu”, cào bằng; không được quyên góp của cha mẹ HS bất cứ khoản nào mà không phục vụ đúng mục đích, yêu cầu. “Thu tiền để mua một bó hoa tặng cô cũng là sai so với Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS”, ông Thành nhấn mạnh.
TUỆ NGUYỄN – QUÝ HIÊN
TNO