23/11/2024

Lời nói đầu Cẩm nang Giáo huấn Xã hội

Ta được truyền cảm hứng, được đánh động, nhưng ta sẽ làm gì? Làm thế nào có thể ứng đáp tốt nhất?

Lời nói đầu Cẩm nang Giáo huấn Xã hội

Hồng Y Peter K.A. Turkson

Đan Phú Thịnh dịch

Handbook of Catholic Social Teaching: A Guide for Christians in the World Today: Schlag, Martin, Turkson, Peter K.A.: 9780813229324: Amazon.com: Books

“Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Gioan 4,20). Cốt lõi đức tin của chúng ta là hai mệnh lệnh của Giới Răn Trọng Nhất (Matthêu 22, 35-40 và Máccô 12, 28-34) kết nối mật thiết không tách rời nhau. Tin mà không có lòng mến là đức tin chết: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Giacôbê 2, 17). Và có lẽ giáo huấn hùng hồn nhất Đức Giêsu từng đưa ra vẫn là dụ ngôn Người Samari Tốt lành (Lu-ca 10, 25-37).

Ta được truyền cảm hứng, được đánh động, nhưng ta sẽ làm gì? Làm thế nào có thể ứng đáp tốt nhất?

Từ kinh nghiệm đức tin của cộng đồng Hội Thánh tuôn chảy những phản xạ xã hội của Kinh thánh, của Phúc Âm. Qua các thời đại, được truyền cảm hứng từ đức tin và đức mến các người nam nữ thánh thiện, các giáo phận, các phong trào trong Hội Thánh và các hội dòng tu trì đã thực hiện mọi hình thức phục vụ người nghèo và người cơ nhỡ, bao gồm các tù nhân và người tị nạn, người bệnh và những người đang hấp hối, khách hành hương, người nô lệ và nhiều người khác.

Bằng phương thế này, Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Kitô giáo phải được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày và định hướng việc canh tân thực tại xã hội. Trách nhiệm của nhân loại và của người Kitô hữu cần được thực hiện tại những nơi này: trong gia đình và trong Hội Thánh, trong công việc và trong chính trị”[1].

Trong kỷ nguyên hiện đại, Giáo hoàng Lêô XIII là người đầu tiên chính thức khai mở Giáo huấn Xã hội Công giáo, điều này giúp cho đức tin và truyền thống của ta có liên quan đến những hoàn cảnh thay đổi và đầy thách thức của xã hội hiện đại.

Là ngôn ngữ của đức-tin-trong-hành-động, của suy tư và lý trí, bắt nguồn trong Kinh Thánh và trong đối thoại với các khoa học nhân văn, giáo huấn xã hội của Hội Thánh đưa ra những hướng dẫn đáng tin cậy, được xây dựng trên nền tảng suy tư và minh triết thực tiễn, tích lũy qua nhiều thế kỷ. Cuộc sống của những người nam người nữ đã cung cấp cho thế giới nhiều mẫu gương thực tế về tình yêu Kitô giáo. Các mục tử và các nhà thần học đã đưa ra những ý tưởng và lời khuyên về bản chất của mối tương giao Kitô giáo trong đời sống xã hội. Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách: quyền của người lao động, các tệ nạn của chế độ toàn trị, việc coi thường phẩm giá và quyền con người trên diện rộng, sự tấn công của mô hình kỹ trị, các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, sự hủy hoại môi trường tự nhiên, nạn buôn người và di cư cưỡng bách, và biết bao vấn đề khác.

Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Hội Thánh bàn luận nhiều vấn đề như thế, và điều này làm cho quyển Tóm lược trở thành một tài liệu tham khảo rất hữu ích cho bất cứ ai muốn biết sứ điệp xã hội Kitô giáo. Tuy nhiên, vì độ dài của sách và sự phức tạp không thể tránh khỏi của một số đoạn văn, những người bắt đầu tìm hiểu về học thuyết xã hội của Hội Thánh có thể thoái chí nản lòng. Thêm vào đó, kể từ khi sách ra mắt năm 2004, đã có những thông điệp mới và các tài liệu khác xứng đáng có chỗ trong bất kỳ bản tổng lược nào về giáo huấn xã hội của Giáo hội. Điều này phản ánh thực tế rằng các chủ đề và thách thức mới liên tục xuất hiện và đòi hỏi một câu trả lời bắt nguồn từ đức tin.

Do đó, tôi vui mừng thấy Giáo sư Martin Schlag xuất bản cuốn Cẩm nang Giáo huấn Xã hội Công giáo này. Đó là một catependium theo nghĩa là cẩm nang tóm tắt quyển Tóm lược trong khi vẫn giữ được toàn bộ nội dung của quyển Tóm lược (…pendium) và áp dụng cách tiếp cận hỏi-đáp trong việc dạy giáo lý (cate…) vốn tỏ ra rất hiệu quả. Điều này giúp phần trình bày trở nên thân thiện và dễ tiếp cận cho các người trẻ cũng như các người khác.

Là nhà tư vấn cho Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Đức ông Martin Schlag đã chứng kiến ​​một số cuộc tranh luận trong hội đồng của chúng tôi và vẫn giữ liên lạc mật thiết với chúng tôi trong khi viết cuốn sách. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các tài liệu mới và các chủ đề mới mà quyển Tóm lược 2004 đã không bàn tới. Các bàn luận về những điều này nằm trong “các chủ đề đặc biệt”.

Tôi hy vọng catependium này sẽ được tiếp nhận rộng rãi và đến với nhiều người trên khắp thế giới. Tuy nhiên, quan trọng nhất, tôi hy vọng và cầu nguyện rằng nội dung của nó sẽ lay động nhiều trái tim để đáp lại những khuấy động của Chúa Thánh Thần, và mở lòng chúng ta trước các nhu cầu của các anh chị em của chúng ta và của Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta.


  1. Thánh Gioan Phaolô II, Bài giảng Lễ tuyên chân phước Adolph Kolping (1813-1865), 27 tháng 10 năm 1991.