Tiếp xúc da kề da với cha mẹ có thể giảm tín hiệu đau đớn gửi đến não của trẻ
Tiếp xúc da kề da với cha mẹ có thể giảm tín hiệu đau đớn gửi đến não của trẻ
Theo nghiên cứu mới do ĐH College London (UCL) công bố ngày 24-9, phản ứng đối với cơn đau của trẻ sơ sinh trải qua xét nghiệm lấy máu ở gót chân sẽ giảm xuống nếu chúng được cha mẹ bế và tiếp xúc da kề da.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu hoạt động não bộ của 27 trẻ từ 3 tháng tuổi trở xuống để khám phá ra điều này. Họ cũng phát hiện việc vỗ về trẻ trong khi vẫn bọc chúng trong khăn, hay qua lớp vải áo quần, vẫn không dễ chịu bằng tiếp xúc da kề da.
“Dù chúng tôi chưa thể xác nhận rằng đứa trẻ có thật sự cảm thấy ít đau hơn hay không, khám phá này đã củng cố vai trò quan trọng của việc tiếp xúc giữa cha mẹ và trẻ sơ sinh. Khi một đứa trẻ được cha mẹ bế và tiếp xúc da kề da, quá trình xử lý cấp cao hơn của não để phản ứng cơn đau đã phần nào giảm bớt” – bác sĩ Lorenzo Fabrizi, người đồng dẫn đầu nghiên cứu trên, cho biết.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí European Journal of Pain. Nhóm của ông Fabrizi cũng phát hiện phản ứng ban đầu của não bộ đối với cơn đau không thay đổi dù cha mẹ bế trẻ có tiếp xúc da kề da hay không.
Thế nhưng đối với vết chích ở gót chân, các chuyên gia cho biết các đợt hoạt động sau đó sẽ giảm bớt ở những đứa trẻ được tiếp xúc da với da. Vết chích dạng này sẽ kích thích một chuỗi 4-5 đợt phản ứng của não.
“Các bậc phụ huynh và bác sĩ lâm sàng đã biết tầm quan trọng của việc chăm sóc có tiếp xúc da kề da đối với trẻ sơ sinh trong nhiều năm. Nay chúng tôi đã có thể chứng minh rằng điều đó có một cơ sở sinh lý thần kinh vững chắc. Đây là một khám phá thú vị” – bác sĩ Judith Meek, người đồng dẫn đầu nghiên cứu, nhấn mạnh.