60, 70 vẫn chơi bóng rổ, bóng chuyền
60, 70 vẫn chơi bóng rổ, bóng chuyền
Vui khoẻ mỗi ngày, những U60, U70 chơi bóng rổ, tạo động lực rèn luyện sức khoẻ cho giới trẻ.
Dù già hay trẻ thì việc tập thể dục rất quan trọng, ít nhất cũng phải dành nửa tiếng trong ngày để tập thể dục. Còn khỏe thì tập nhiều, yếu thì tập ít, ngừng suy nghĩ mà hãy hành động ngay lập tức duy trì thói quen tập luyện mỗi ngày, dần dần biến nó thành sở thích.
Thông điệp các “vận động viên U60, U70” muốn gửi gắm.
Đúng 6h30, các thành viên trong đội bóng chuyền U60 của phường 7, Q. Gò Vấp, TP.HCM tập trung đầy đủ, rộn tiếng cười nói. Lưới được căng lên, những người lớn tuổi bắt đầu các bài tập khởi động để chuẩn bị cho các hiệp đấu.
Quân nhân về hưu
Không gian nhỏ trong con hẻm trên đường Lê Văn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trở thành địa điểm để đội bóng chừng 20 người tham gia thi đấu và cổ vũ đã được gần 3 năm nay. Đúng giờ, các ông bà người đi bộ, người đi xe nhanh chóng có mặt với đồng phục hai màu xanh lá và xanh dương, hai màu cả nhóm yêu thích với lý do “màu này mát mẻ, khỏe khoắn lại gần gũi với thiên nhiên”.
Các thành viên đa số là quân nhân về hưu, có người là cán bộ các nhà máy tại khu vực với nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng phần lớn trên 60 và xấp xỉ 70 tuổi, linh hoạt, khỏe mạnh và yêu đời.
Như một thói quen, trước giờ giao hữu, hai đội bắt tay thân mật và chạm tay thể hiện quyết tâm chiến thắng. Nói là thi đấu nhưng thật ra các ông bà tham gia tâm niệm đây là hoạt động thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, vận động chân tay là chính. Họ chơi nghiêm túc, bài bản như những vận động viên chuyên nghiệp, có trọng tài, có người theo dõi tỉ số, có cách di chuyển và những chiến thuật cụ thể.
“80 vẫn chạy tốt”
Trong đội hình ấy có một cụ bà nổi bật với dáng người cao ráo, mái tóc bạc trắng, nước da hồng hào, đôi tay nhanh nhẹn đỡ bóng để chuyền cho đồng đội. Nhìn phong thái như vậy, không ai nghĩ năm nay bà đã gần 80 tuổi. Đó là cụ Đồng Thị Tư, thành viên lớn tuổi nhất trong đội bóng.
“Trước đây tôi chỉ quanh quẩn ở nhà làm việc nên người nặng nề, tay chân bị đau, đi cầu thang rất khó khăn. Sau khi chơi thể thao, có lẽ máu lưu thông tốt hơn nên việc đi lại cũng nhẹ nhàng, tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn. Vận động thể thao chưa bao giờ là muộn, hãy bỏ ra chút thời gian để không ngược đãi bản thân mình”, bà Tư chia sẻ.
Trong văn hóa Việt Nam, 70 tuổi được gọi là tiểu thọ, 80 tuổi gọi là trung thọ, trên 80 tuổi gọi là tản thọ; những người ở độ tuổi trên 70 mà vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn quả thực là rất quý.
Thắt chặt tình người
Nhiều thành viên chia sẻ từ ngày tham gia chơi thể thao, tinh thần phấn chấn hơn, các bệnh như nhức mỏi tay chân, đau xương khớp cũng giảm bớt. Tuổi già hằng ngày ra công viên chơi, tiếp xúc không khí trong lành nên thấy người khoan khoái, khỏe mạnh hơn hẳn. Không chỉ vậy, hoạt động thể thao còn là cơ hội để mọi người giao lưu, chia sẻ các kinh nghiệm trong cuộc sống. Sau mỗi buổi tập, những hội viên cùng nhau tâm sự chuyện nhà cửa, con cháu. Những điều giản dị đó cũng đủ khiến tuổi già thêm vui vẻ, hạnh phúc.
Ngồi ở ghế dự bị, vừa giữ cháu, bà Nguyễn Thung (63 tuổi) vừa vỗ tay cổ vũ cho đồng đội đang thi đấu. Bà cho biết ở nhà thấy chân tay buồn bực, từ lúc nghỉ hưu cũng ít vận động hẳn, sáng nào cũng ra công viên vừa tập thể dục vừa trò chuyện với mọi người. Bà chọn bóng chuyền vì môn thể thao này không quá nặng lại có tính đoàn kết và đề cao tinh thần đồng đội.
Loại bóng chuyền mà đội chơi là bóng chuyền hơi, xuất phát từ khu vực miền Bắc. Theo chia sẻ của các thành viên đội bóng, loại bóng này nhẹ, tâng nên thích hợp với những người lớn tuổi, khi đỡ bóng sẽ tránh được các chấn thương do va chạm mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thịnh, đội trưởng đội bóng chuyền U60, cho biết sau khi về hưu ông đứng ra thành lập đội bóng giúp kết nối mọi người trong khu phố. Ban đầu đội có 10 người, sau đó thành viên tham gia ngày nhiều thêm đến nay đã hơn 20 người, tất cả các thành viên đều hoạt động dựa trên nguyên tắc chia sẻ và giúp đỡ nhau.
Tiếp thêm động lực cho người trẻ
Ai cũng biết sức khỏe là vàng, có sức khỏe là có tất cả. Hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe là vậy nhưng không phải ai cũng có được động lực, quyết tâm để thực hiện điều đó. Không có thời gian, không có môi trường, không có bạn tập, hàng loạt lý do được đưa ra để biện hộ cho việc lười thể dục thể thao của bản thân.
“Thật sự mà nói, trước đây bản thân mình dành rất ít thời gian để tập thể dục. Là nhân viên văn phòng, sau một ngày dài đi làm về mệt mỏi, mình chỉ muốn nằm ngủ thôi chứ không còn sức để tập thể dục. Sau khi thấy các cô chú ngày nào cũng tập thể dục, mình nhận ra sức khỏe là vốn quý nhất. Các cô chú đã tiếp thêm động lực để mình cố gắng tập thể dục mỗi ngày, dù ít hay nhiều” – Huyền Như (27 tuổi, P.7, Q.Gò Vấp) nói.