24/11/2024

Điều trị ung thư từ xa

Điều trị ung thư từ xa

Hệ thống hỗ trợ tư vấn, hội chẩn khám chữa bệnh từ xa được Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ra mắt hôm qua (15.9) sẽ triển khai tới các bệnh viện từ Đà Nẵng trở vào, với kỳ vọng sẽ giúp khoảng 30% bệnh nhân ở tỉnh có thể khám chữa bệnh tại địa phương.
Chuyên gia tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trao đổi chuyên môn với bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Bình Định /// Ảnh: Duy Tính
Chuyên gia tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trao đổi chuyên môn với bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Bình Định  ẢNH: DUY TÍNH
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM, cho biết Ung bướu là 1 trong 24 BV tuyến trên được Bộ Y tế chỉ định tham gia đề án “Khám chữa bệnh từ xa (telehealth) giai đoạn 2020 – 2025” và là BV đầu tiên trực thuộc Sở Y tế TP.HCM đưa vào hệ thống hỗ trợ tư vấn, hội chẩn khám chữa bệnh (KCB) từ xa. Đây là chương trình của Bộ Y tế nên hiện tại hội chẩn, tư vấn từ xa với các BV là miễn phí.
Điều trị ung thư từ xa

Toàn cảnh hội chẩn sáng 15.9 giữa Bệnh viện Ung bướu với hơn 70 điểm cầu    ẢNH: DUY TÍNH

Buổi hội chẩn 70 điểm cầu

Ngay sau lễ khai trương, BV Ung bướu TP.HCM thực hiện hội chẩn, tư vấn ca bệnh thực tế với BV đa khoa Bình Định và BV Ung bướu Đà Nẵng. Buổi hội chẩn, tư vấn có 70 BV khác cùng theo dõi.

Khoảng 30% BN có thể điều trị tại địa phương

Theo BV Ung bướu TP.HCM, có 7 nhóm hoạt động hỗ trợ từ xa đối với tuyến dưới, gồm: tư vấn y tế từ xa, với việc thành lập và duy trì bộ phận KCB từ xa tại BV để tư vấn sức khỏe từ xa, kết nối bác sĩ đến người dân; hội chẩn, tư vấn KCB từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa, chuyên gia chẩn đoán hình ảnh của BV Ung bướu làm việc với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tuyến dưới thông qua các giải pháp truyền tải hình ảnh trực tuyến; hội chẩn tư vấn huyết học, truyền máu, vi sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo; hội chẩn phẫu thuật từ xa, phẫu thuật từ xa có thể sử dụng công nghệ mới như robot và trang bị hệ thống các phòng mổ thông minh, tích hợp theo dõi thông tin của các thiết bị đầu cuối thông minh điều hành cuộc phẫu thuật; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gồm xây dựng chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận những dịch vụ, kỹ thuật tốt của các cơ sở y tế với nhau; truyền thông cho người dân, khuyến khích sử dụng dịch vụ KCB từ xa.
TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết hiện BV có 3.600 – 4.000 BN/ngày khám ngoại trú, 600 BN nội trú; trong đó 75% là BN các tỉnh đến. Ước tính sẽ có khoảng 30% BN ở tỉnh có thể KCB tại BV tỉnh khi triển khai telehealth.

Theo trình bày của BV đa khoa Bình Định, bệnh nhân (BN) nữ 67 tuổi, ngụ Bình Định. Năm 2011, bà bị ung thư vú đã điều trị; năm 2018 mắc ung thư cổ tử cung đã phẫu thuật và xạ trị; nay phát hiện nhiều khối u phổi, nghi ngờ ung thư phổi di căn trên nền BN đã điều trị ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Sức khỏe BN ổn định, nhưng vấn đề đặt ra là điều trị ra sao vì khối u này không biết di căn từ vú hay từ cổ tử cung. Mặt khác, BN không đồng ý sinh thiết, cũng không chịu vào TP.HCM.

Các chuyên gia BV Ung bướu TP.HCM đều có chung nhận định là qua chẩn đoán hình ảnh nghĩ đến ung thư phổi di căn, nhưng chưa biết di căn từ đâu. Vì vậy, phải sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm phổi bằng kỹ thuật xuyên thành (xuyên qua thành ngực, dưới hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh) hoặc nội soi để xét nghiệm tìm ra đặc tính sinh học của u, từ đó có căn cứ xác định khối u di căn từ đâu hoặc là u nguyên phát để có hướng điều trị chính xác nhất.
BN được dẫn vào phòng hội chẩn phía BV tỉnh Bình Định. TS-BS Dũng giới thiệu với BN rằng trước màn hình bà ngồi là các chuyên gia ung thư hàng đầu tại BV Ung bướu TP.HCM và hỏi “sau khi nghe hội chẩn bà có ý kiến gì không?”. BN trả lời và giữ “quan điểm” không vào TP.HCM chữa bệnh: “Tui hồi giờ đau bệnh cũng lâu rồi, 8 – 9 năm, mà nó nhiều bệnh. Giờ mấy bác sĩ lấy cái gì, muốn thử chỗ nào cũng được hết, nhưng phải làm ở BV đa khoa Bình Định chứ đi TP.HCM tôi không đi đâu. Nhờ các bác giúp đỡ”. TS-BS Dũng trấn an: “Nếu bác đồng ý, 2 BV sẽ trao đổi hình ảnh, thông tin cho chính xác. Trường hợp BV đa khoa Bình Định không làm được sinh thiết xuyên thành thì có thể BV Ung bướu sẽ cử người ra làm sinh thiết”. Nghe đến đây, gương mặt BN giãn ra nhẹ nhõm.
“Nếu TS-BS Dũng đồng ý thì BV đa khoa Bình Định rất mong muốn điều trị tới nơi tới chốn BN này. BV Ung bướu TP.HCM có thể cử một đoàn chuyên gia ra để làm sinh thiết xuyên thành”, TS-BS Nguyễn Hoàng Cường, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện đa khoa Bình Định, hồi đáp. Việc này lập tức được Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM đồng ý, bởi nó sẽ giúp điều trị BN tốt hơn, cũng để bác sĩ cả 2 BV học tập trên một ca bệnh có 2 loại ung thư và di căn như thế này.
“Tôi thấy ý nghĩa của việc KCB, hội chẩn từ xa, qua buổi đầu tiên này rất tốt. Chiều 15.9, tôi sẽ gửi công văn vào BV Ung bướu TP.HCM xin hỗ trợ”, ông Cường nói.
Chuyên gia tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trao đổi chuyên môn với bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Bình Định

Bệnh nhân chờ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Đảm bảo chất lượng điều trị, giảm tải tuyến trên

Theo TS-BS Dũng, BV Ung bướu TP.HCM thực hiện 7 nhóm hoạt động hỗ trợ từ xa đối với tuyến dưới. Trước mắt, mỗi cuối tuần BV sẽ thực hiện tư vấn, hội chẩn một loại bệnh ung thư ở một tỉnh hoặc một đơn vị và số ca thực hiện mỗi lần phải tính toán phù hợp, mục tiêu là giúp các BV địa phương giữ được BN muốn đến BV Ung bướu TP.HCM để điều trị nếu thấy phù hợp.
TS-BS Dũng cho hay, mong muốn của ngành y tế là tất cả BN đến mọi BV không phân biệt tuyến trên – dưới điều trị ung thư thì khả năng tiếp nhận và kết quả điều trị người bệnh hưởng được đều như nhau, nâng y tế VN ngang tầm khu vực. Mặt khác, hạn chế việc chuyển bệnh nhằm đảm bảo an toàn cũng như đỡ chi phí cho người bệnh. Muốn làm được điều này cần có tiền đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, đường truyền đủ mạnh. Đặc biệt là khi sử dụng AI (phần mềm trí tuệ nhân tạo mà BV Ung bướu đang sử dụng trong chẩn đoán ung thư) thì sẽ tốn kém thêm, nhưng sẽ phải làm nếu muốn nâng tầm BV trong lĩnh vực điều trị ung thư.
“Làm sao phải đào tạo được nhân lực đồng bộ, nếu hội chẩn từ xa nhưng tuyến dưới không làm được mà chuyển về BV Ung bướu thì chưa hiệu quả. Cơ sở vật chất phải nâng lên để chuyển tải hình ảnh động từ máy chụp qua đường truyền có chất lượng tốt, ngoài ra là còn có chức năng lưu trữ hình ảnh để sử dụng. Như vậy mới phát huy được tác dụng của hội chẩn, KCB từ xa”, TS-BS Dũng lưu ý và thông tin thêm: hiện BV Ung bướu đã tổ chức phòng khám quốc tế, tiến hành chương trình hợp tác với Nhật, Singapore để hội chẩn, tư vấn từ xa để cho BN muốn khám, hội chẩn với nhiều chuyên gia các nước này, chi phí do BN trả.
Tại lễ ra mắt, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh việc sử dụng hệ thống telehealth trong giai đoạn Covid-19 hiện rất có ý nghĩa, người bệnh không phải di chuyển từ các tỉnh đến BV Ung bướu sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho BV tuyến trên. “Sở Y tế đặt hàng BV Ung bướu TP.HCM hình thành phòng hội chẩn 2 hội đồng. Hội đồng thứ nhất gồm các chuyên gia về ung thư và thứ 2 là hội đồng trí tuệ nhân tạo mà BV đã ký kết với đối tác để sử dụng trong chẩn đoán nâng cao độ chính xác cho BN ở các tỉnh”, PGS-TS Thượng nói.
Cũng theo ông Thượng, BV Ung bướu không chỉ hỗ trợ hội chẩn cho các BV phía nam do Bộ Y tế giao nhiệm vụ mà còn hội chẩn cho các BV quận huyện, BV tư nhân ở TP. Vì vậy, đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn để có mức thu phù hợp cho các hội chẩn với cơ sở y tế tư nhân. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM giao BV Ung bướu tư vấn chuyên môn cho các bác sĩ KCB ban đầu trạm y tế và phòng khám bác sĩ gia đình khi có nghi ngờ ung thư.
DUY TÍNH
TNO