24/11/2024

Nguy hiểm khi sử dụng thuốc giảm đau không đúng cách

Nguy hiểm khi sử dụng thuốc giảm đau không đúng cách

Thuốc giảm đau được sử dụng khá phổ biến với mọi người. Tuy nhiên, đã có những trường hợp bị ngộ độc, tác dụng phụ, tương tác thuốc phải cấp cứu do dùng không đúng, dẫn đến suy gan cấp, đe doạ tính mạng.
Không nên tự ý mua thuốc giảm đau uống mà phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ /// SHUTTERSTOCK
Không nên tự ý mua thuốc giảm đau uống mà phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ  SHUTTERSTOCK

Nôn ra máu sau khi tự dùng thuốc giảm đau

Bà N.T.S (53 tuổi, ngụ Bến Tre) vừa nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) do nôn ra máu và đi tiêu phân đen. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày nghi do tác dụng thuốc.
Khi được hỏi rõ tiền sử uống thuốc thời gian qua, bà S. cho biết trước đó 4 ngày, bà bị sưng đau và bong gân ở mắt cá chân nên tự mua thuốc giảm đau celecoxib uống với liều 200 mg, 2 lần/ngày. Bệnh nhân cũng đang được điều trị bệnh tim mạch tại địa phương (tăng huyết áp và rung nhĩ) với thuốc bisoprolol 5 mg, 1 lần/ngày và rivaroxaban 20 mg, 1 lần/ngày. Vì chủ quan nên lúc mua thuốc giảm đau, bà S. không thông báo cho dược sĩ về việc đang điều trị tăng huyết áp và rung nhĩ bằng các loại thuốc nêu trên.
Bệnh nhân đã được bác sĩ cho ngưng thuốc celecoxib và thuốc kháng đông. Sau khi được nội soi cầm máu và điều trị nội khoa, bà S. được xuất viện trong tình trạng ổn định.
Theo Phó giáo sư – tiến sĩ – dược sĩ Đặng Nguyễn Đoan Trang, Trưởng khoa Dược, BV ĐHYD: Bà S. đang được điều trị bệnh tim mạch với thuốc kháng đông là rivaroxaban có nguy cơ gây xuất huyết, trong khi thuốc giảm đau bà tự ý mua và sử dụng là celecoxib – một thuốc giảm đau nhóm NSAID với tác dụng phụ điển hình là gây viêm loét dạ dày và nặng hơn có thể gây xuất xuất huyết đường tiêu hóa. Việc kết hợp hai loại thuốc như vậy sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa.
“Trường hợp của bà S. cho thấy việc trao đổi với bác sĩ và dược sĩ về tất cả các thuốc mà người bệnh đang dùng là vô cùng quan trọng. Nếu bà S. được tham vấn kỹ với bác sĩ và dược sĩ, bà có thể được tư vấn sử dụng biện pháp giảm đau không dùng thuốc như chườm đá chỗ bong gân hoặc nếu đau nhiều có thể thử giảm đau với paracetamol trước”, dược sĩ Trang nói.

Những sai lầm thường gặp khi dùng thuốc giảm đau

Theo dược sĩ Trang, thuốc giảm đau là những loại thuốc có tác dụng điều trị các cơn đau do bệnh lý, chấn thương hoặc phẫu thuật gây nên. Thuốc giảm đau chứa thành phần chính là hoạt chất có tác dụng giảm đau và các tá dược đảm bảo tính ổn định của thuốc cũng như khả năng giải phóng và hấp thu dược chất trong cơ thể.
Hiện nay, nhiều người bệnh thường có thói quen tự mua thuốc giảm đau ở nhà thuốc mà không cần sự tư vấn của dược sĩ, bác sĩ. Ghi nhận tại bệnh viện, nhiều trường hợp cấp cứu do sử dụng thuốc giảm đau không đúng như: uống quá liều, tự ý ngưng thuốc… Một số người bệnh khác lại ngại đi tái khám mà tự mua thuốc uống theo đơn cũ.
Dược sĩ Trang cảnh báo đó đều là những sai lầm khi dùng thuốc. “Việc sử dụng thuốc giảm đau được xem là “con dao hai lưỡi”, nếu không sử dụng hợp lý sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đối với các thuốc giảm đau nhóm OTC, dù được được đánh giá là khá an toàn, nhưng không đồng nghĩa chúng không gây ra các tác dụng phụ và không cần thận trọng khi sử dụng. Trên thực tế đã có những trường hợp bị ngộ độc paracetamol do dùng không đúng, dẫn đến suy gan cấp, đe dọa đến tính mạng”, dược sĩ Trang nhận định. Theo dược sĩ Trang, để sử dụng thuốc giảm đau hợp lý, hiệu quả và an toàn, người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống mà phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Đồng thời, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin cho các bác sĩ và dược sĩ về triệu chứng, mức độ đau, tiền sử dùng thuốc điều trị… để giúp lựa chọn loại thuốc giảm đau phù hợp, tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc như: không được tự ý nhai, bẻ hay nghiền viên thuốc; không tự thay đổi liều sử dụng, mua thêm thuốc hay ngưng thuốc đột ngột.
Người bệnh cũng có thể chủ động kiểm tra thành phần hoạt chất trên bao bì thuốc hoặc tờ hướng dẫn sử dụng để tránh uống nhiều chế phẩm có cùng hoạt chất, có thể gây quá liều do uống nhiều thuốc cùng một lúc.
Bệnh nhân cũng nên đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết thêm một số thông tin như các chống chỉ định, liều dùng tối đa, tác dụng phụ có thể xảy ra và ghi nhớ thời điểm dùng thuốc phù hợp để kịp thời thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết nếu có bất thường xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc.
Theo Phó giáo sư – tiến sĩ – dược sĩ Đặng Nguyễn Đoan Trang: Thuốc giảm đau có thể được chia thành hai nhóm lớn bao gồm các thuốc giảm đau không kê đơn (hay còn gọi là thuốc giảm đau OTC). Đây là những thuốc mà người bệnh có thể tự đến mua ở các nhà thuốc dưới sự tư vấn của dược sĩ mà không cần đơn của bác sĩ. Nhóm thuốc này rất hữu ích đối với những cơn đau ở mức độ nhẹ như đau đầu, đau răng, đau bụng kinh, viêm khớp…
Nhóm khác là các thuốc giảm đau kê đơn, cũng được chia thành 2 loại là các thuốc không opioid và opioid. Các thuốc không opioid bao gồm một số NSAID (ví dụ celecoxib, diclofenac…) mà người bệnh có thể được bác sĩ kê khi bị viêm, thoái hóa khớp… Các thuốc opioid là loại thuốc giảm đau mạnh nhất trong nhóm này, có thể kể đến như morphin, fentanyl. Những thuốc này cho hiệu quả giảm đau rất mạnh nhưng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng không đúng cách. Các thuốc này chỉ được bác sĩ kê đơn trong trường hợp đau nặng, không đáp ứng với các nhóm thuốc giảm đau khác và luôn cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ bởi nhân viên y tế.
NGUYÊN MI
TNO