Hai năm Hiệp định tạm thời giữa Toà Thánh và Trung Quốc
Ngày 21-9-2020 tới đây Hiệp định tạm thời 2 năm giữa Toà Thánh và Trung Quốc sẽ hết hạn. Những người gần gũi với các cuộc thương thuyết giữa hai bên đều cho rằng Hiệp định sẽ được gia hạn thêm 1 hoặc 2 năm nữa. Nhưng trong thời gian gần đây cũng có nhiều ý kiến và nhận định được nêu lên, qua các phương tiện truyền thông, kiểm điểm thành quả trong 2 năm qua.
Phe phò, phe chống
Có những người phê bình thành quả ít ỏi của Hiệp định, và đặc biệt là cái giá mà Toà Thánh phải trả là sự im lặng trước những vụ chà đạp nhân quyền của Nhà nước Trung Quốc, ví dụ trong vụ hàng triệu người bị đàn áp và cầm tù tại tỉnh Tân Cương, hay vụ Luật về An ninh Quốc gia tại Hong Kong.
Nhưng cũng có những người ủng hộ và cảm thông với lập trường của Toà Thánh. Họ ghi nhận những tiến bộ đã đạt được và nhất là tất cả các GM hiện nay tại Hoa Lục đều hiệp thông với Toà Thánh. Khi ký kết Hiệp định cách đây 2 năm, Toà Thánh muốn chấm dứt tình trạng chia rẽ sâu đậm nhất trong nội bộ Giáo hội Công giáo tại nước này, giữa một bên là các GM “hầm trú” và bên kia là các GM “công khai” hay “quốc doanh”.
Chúng tôi xin gợi lại đây một số nhận định của ký giả Ed Condon, được hãng tin Công giáo CNA ở Mỹ truyền đi ngày 2-9-2020.
Những khó khăn từ phía nhà nước
– Theo Ông Ed Condon, 2 năm sau hiệp định, Giáo hội Công giáo hầm trú tại Trung Quốc thực tế đã bị loại trừ và cũng có nhiều GM và LM Trung Quốc vẫn từ chối không chịu ký tên gia nhập hội Công giáo yêu nước, vì không muốn phải công khai hứa tùng phục quyền bính nhà nước và ý thức hệ cộng sản. Các quan chức nhà nước trả thù bằng cách xách nhiễu những người không ký tên gia nhập Hội Yêu nước, đóng cửa các thánh đường, trục xuất họ ra khỏi nhà hoặc là bắt giam họ.
Đồng thời, mặc dù Toà Thánh đã chấp nhận nhiều GM do nhà nước Trung Quốc chọn, nhưng không có tiến bộ trong việc bổ nhiệm các GM cho hơn 50 giáo phận trống toà. Một số GM giáo phận được Toà Thánh bổ nhiệm trước đây, nay được Nhà nước Trung Quốc nhìn nhận và có thể công khai hoạt động, nhưng các vị thường là những người cao niên, kể cả ở độ tuổi 80, nên không thể mong đợi các vị mang lại sự ổn định hoặc cải tiến cho Giáo Hội địa phương.
Trung Quốc im lặng
– Những người gần gũi với tiến trình bổ nhiệm ở Roma đã tỏ ra bất mãn, thất vọng về tiến trình bổ nhiệm GM ở Trung Quốc, vốn là điều chính yếu của hiệp định. Nguồn tin của Vatican nói với Hãng tin CNA rằng những danh sách các ứng viên có thể chấp nhận, được phía Giáo Hội chọn lựa kỹ lưỡng và gửi đến Bắc Kinh, nhưng rồi Toà Thánh chỉ nhận được sự im lặng từ phía Trung Quốc.
– Theo những người quen thuộc với tiến trình thương thuyết, phía Trung Quốc cũng giữ im lặng, không trả lời Toà Thánh khi được hỏi về vấn đề giáo sĩ mất tích hoặc bị bắt.
Nhà nước tiếp tục xách nhiễu
– Trong hai năm qua, các quan chức Nhà nước Trung Quốc thi hành chương trình phá huỷ thánh đường, siết chặt việc theo dõi và kiểm soát các buổi lễ, thậm chí có nơi cán bộ nhà nước thưởng tiền cho những người chỉ điểm về các nhóm Công giáo thầm lặng và hoạt động của họ. Các tín hữu Công Giáo địa phương thấy các LM và GM của họ bị xách nhiễu họ bị bó cuộc phải cúi mình trước đảng cộng sản, và không có một lời nâng đỡ hoặc khích lệ nào từ Roma.
– Hiệp định tháng 9 năm 2018 được ký kết khi Toà Thánh nhìn nhận 8 GM do nhà nước Trung Quốc, qua Hội Công giáo Yêu nước, tự ý chọn và bổ nhiệm, vì thế những người ấy bị coi là những người ly giáo, bị vạ tuyệt thông tức khắc, nhưng với hiệp định, họ được ĐTC Phanxicô công nhận, giải vạ và cho hiệp thông, thậm chí còn mời 2 GM trong số đó đến Vatican tham dự Thượng HĐGM về miền Amazzon hồi tháng 10 năm ngoái. Nay Toà Thánh cũng muốn có cử chỉ hỗ tương từ phía Bắc Kinh.
– Ngoài hơn 50 giáo phận trống toà tại Hoa lục còn có tình trạng Hong Kong không có GM chính tòa từ hơn 18 tháng rồi. Nguồn tin cho biết có 2 ứng viên không được chấp nhận: một vị ủng hộ dân chủ và và vị khác thì phò nhà nước Trung Quốc. Nguồn tin từ Roma và Trung Quốc nói với hãng CNA rằng ứng viên thứ 3 ở giữa nay đã được chọn, nhưng chưa được phê chuẩn và công bố nên ĐHY Gioan Thang Hán, nguyên GM Hong Kong, vẫn tạm thời đảm nhiệm chức vụ Giám quản Tông toà giáo phận này.
– Phía Trung Quốc có vẻ ít nhượng bộ chừng nào hay chừng đó và tiếp tục chiến thuật thương thuyết nhưng hoãn lại những nhượng bộ cần thiết. Những người gần với những vấn đề này nói rằng việc giữ nguyên tình trạng hiện nay đã là một thắng lợi cho Trung Quốc rồi.
Mục đích Toà Thánh nhắm chưa đạt được
– Một giáo sĩ lão thành ở Hoa Lục nói với CNA rằng 2 năm sau khi ký hiệp định với Toà Thánh, vị ấy không thấy có lợi ích cụ thể. “Hiệp định 2018 chủ đích là kiến tạo một Giáo Hội duy nhất tại Trung Quốc hiệp nhất với Toà Thánh. Nhưng thực tế là nó làm lộ diện nhiều tín hữu Công giáo thầm lặng để nhà nước nắm lấy. Điều mà Nhà nước Trung Quốc đạt được, đó là một Giáo Hội hiệp nhất với Bắc Kinh.”
Giáo sĩ ấy, muốn ẩn danh để tránh sự trả thù của Nhà nước Trung Quốc, đã nói thêm rằng ưu tiên của cộng sản vẫn là đặt Giáo Hội hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Đảng và Nhà nước, như chính Chủ tịch Tập Cập Bình đã nói rõ. “Cần phải hiểu rằng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Giáo Hội là một đe doạ, Giáo Hội bị coi là một tổ chức cạnh tranh với ý thức hệ của đảng. Chủ trương Trung Hoa hoá chẳng liên hệ gì với sự hoà hợp văn hoá và tất cả những gì được làm đều nhắm tháp nhập Giáo Hội và thuần hoá để biến Giáo Hội trở thành một viên chức của nhà nước.”
Nhận định tích cực
– Cũng nên nói thêm rằng trong số ra ngày 19-8 vừa qua, báo Công giáo Avvenire, Tương lai, của HĐGM Ý, có một bài ủng hộ việc gia hạn hiệp định giữa Toà Thánh và Trung Quốc, trong đó tác giả Giovanni Battista Trương (Chang) nhắc lại rằng ĐGH Phanxicô yêu mến các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc và vì thế, cùng với các hoạt động ngoại giao, ngài tìm cách chấm dứt tình trạng đối đầu trường kỳ với nhà nước cộng sản.
Và tác giả Trương kết luận:
“Chúng tôi chân thành cầu chúc và cầu nguyện để hiệp định được gia hạn, vì điều có liên hệ ở đây là 1.4 tỷ người dân Trung Quốc và 1.3 tỷ tín hữu Công giáo trên thế giới. Chúng tôi cũng cầu nguyện để Toà Thánh và Trung Quốc tiếp tục dấn thân đối thoại để vượt thắng những khó khăn trong các cuộc thương thuyết. Chỉ như thế, Giáo Hội tại Trung Quốc mới có thể tìm được một trợ giúp đích thực trong cố gắng giải quyết những vấn đề lịch sử còn bỏ ngỏ.”
Tóm lại, những ý kiến khác biệt và nhiều khi đối nghịch qua dư luận báo chí chứng tỏ tình trạng phức tạp và khó khăn quanh hiệp định tạm thời giữa Toà Thánh và Trung Quốc. Cho đến nay, văn bản hiệp định chưa được công bố chi tiết, nhưng đối với Toà Thánh, mục đích đầu tiên là hiệp nhất hai cộng đoàn Công giáo tại Trung Quốc: Công giáo thầm lặng và Công giáo công khai được nhà nước công nhận, đồng thời cung cấp những phương thế khả dĩ trong việc bổ nhiệm các GM tại nước này. Có thể cả hai mục tiêu đều chưa đạt được, nhưng cũng phải nhìn nhận có những khía cạnh tích cực và hy vọng tình trạng sẽ được cải tiến, những khó khăn sẽ được khắc phục trong tinh thần đối thoại và tín nhiệm nhau.