Thêm ca tử vong vì tự chữa sốt xuất huyết
Thêm ca tử vong vì tự chữa sốt xuất huyết
Thêm một bệnh nhân tử vong vì ngộ độc paracetamol do tự chữa sốt xuất huyết. Bác sĩ cảnh báo người dân khi có triệu chứng nên đi bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Hôm 1-9, nam bệnh nhân 57 tuổi ở Hà Nội đã tử vong sau hơn 1 tuần mắc bệnh sốt xuất huyết. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, từ 23-8 bệnh nhân đã có những biểu hiện rét run, sốt, mệt mỏi và đã tự mua paracetamol về uống.
Ngày 26-8, bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong các lý do dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tử vong có lý do sốt xuất huyết và ngộ độc paracetamol.
Đây là ca tử vong thứ 2 do sốt xuất huyết trong nửa tháng vừa qua ở Hà Nội. Cả 2 ca bệnh đều có lý do là vào bệnh viện muộn, chủ quan, tự dùng thuốc.
Cảnh báo nguy hiểm khi tự chữa bệnh
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết tính đến hết tháng 8-2020, Hà Nội ghi nhận 1.360 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó tuần gần nhất có 29 ca, trong khi cùng kỳ 2019 có đến trên 5.100 ca bệnh, trong tuần gần nhất của cùng kỳ có trên 860 ca mắc.
Số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã giảm so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, khi số mắc giảm rõ rệt, thì cả 2 ca tử vong vừa qua ở Hà Nội đều rất đáng tiếc: một bệnh nhân 17 tuổi, tử vong do sốc sau khi đã được truyền dịch tại nhà.
Bệnh nhân 57 tuổi kể trên đã có 4 ngày tự điều trị (có sử dụng paracetamol) nhưng không đỡ. Ngày 26-8 bệnh nhân vào viện thì 27-8 đã hôn mê, suy đa tạng, 1-9 bệnh nhân tử vong. Thời điểm vào viện như vậy là rất muộn.
Tại khoa virus – ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương hiện có trên 10 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị. Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai Đỗ Duy Cường cho biết từ đầu năm đến nay có hàng trăm bệnh nhân vào điều trị, các trường hợp sốt xuất huyết nặng thường gặp ở phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận…
Năm nay do đặc biệt là dịch COVID-19 kéo dài, có trường hợp sốt xuất huyết nhưng lại nghĩ bị COVID-19 hoặc sợ COVID-19 nên đến bệnh viện muộn hơn. Nguy cơ vì vậy cũng cao hơn.
Khống chế sốt xuất huyết trong đại dịch
Theo Cục Y tế dự phòng, các tỉnh thành như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre, Đồng Nai, TP.HCM số mắc sốt xuất huyết trong những tuần gần đây có gia tăng hơn thời gian trước đó, đặc biệt tại Phú Yên, số mắc đã tăng 33%.
Ngoài lý do hiện đang trong mùa dịch, số mắc còn có thể tăng trong thời gian từ nay đến tháng 11, đặc biệt là tại miền Bắc đỉnh dịch thông thường vào tháng 11 hằng năm.
Những năm gần đây do yếu tố thời tiết, môi trường, biến đổi khí hậu, yếu tố mùa dịch, chu kỳ dịch sốt xuất huyết đã không còn rõ ràng. Trước đây chu kỳ dịch sốt xuất huyết thông thường là 5 năm/lần dịch lớn, nhưng gần đây có những dấu hiệu cho thấy khác hơn, chu kỳ năm nay dịch giảm thì năm sau dịch sẽ gia tăng.
Và dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát tại tất cả các khu vực (Hà Nội và Tây Nguyên dù trước đây không phải vùng dịch sốt xuất huyết lớn, nhưng gần đây đã có nhiều năm bùng dịch lớn với hàng chục ngàn ca mắc và nhiều ca tử vong).
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân sớm ngừa dịch thông qua các biện pháp dễ thực hiện, tại gia đình và khu vực lân cận như diệt lăng quăng, diệt muỗi, ngủ màn, loại bỏ các dụng cụ phế thải có chứa nước.
Tránh nhầm lẫn với triệu chứng COVID-19
Năm nay dịch COVID-19 kéo dài gần như suốt năm, BS Đỗ Duy Cường – giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai – khuyến cáo đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý, vì có một số triệu chứng dễ nhầm lẫn với COVID-19 như sốt, đau mỏi cơ… Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.