Cũng triệu view, vào top trending
Gõ từ khóa “nhạc chế” trên công cụ tìm kiếm Google, sẽ cho ra 120 triệu kết quả trong 0,32 giây. Từ kết quả này, thấy không ít những clip, MV nhạc chế (thay đổi – đặt lại một phần hoặc toàn bộ lời bài hát đã nổi tiếng) được đầu tư không thua các MV của nghệ sĩ chuyên nghiệp và hot không kém so với rất nhiều sản phẩm sở hữu hàng chục triệu lượt xem (view). Nếu theo dõi top trending (hiệu ứng lan tỏa mạnh được nhiều người quan tâm – NV) YouTube, sẽ thấy các sản phẩm nhạc chế cũng “chễm chệ” trên cuộc đua này cùng những MV của ca sĩ chính thống, trong đó có thể kể đến: Mình có con em khùng (Thiên An), Đại chiến rùa và thỏ, Kỳ nghỉ tết huyền thoại (Hậu Hoàng)… và đặc biệt Chuyện cô bé lọ lem (DiDi – Long.C) từng vào top 1 trending sau hơn 5 ngày ra mắt với 12 triệu view (đến nay sau 3 tuần đã lên hơn 23,4 triệu view và đứng thứ 38 trên top thịnh hành).
Điều đó cho thấy một thực trạng trong bình diện chung không sáng sủa của đời sống âm nhạc
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long
Bên cạnh đó, nhiều MV nhạc chế khác đạt lượng view mơ ước của không ít ca sĩ: Muôn kiếp là bạn bè parody (Thanh Tiến Phàn, hơn 1,8 triệu view sau 2 tháng), Anh tôi là đầu gấu phần 3 (Trai Ngoan, hơn 5,7 triệu view sau hơn 2 tháng), Đấu trường sinh tử (DiDi, hơn 33,8 triệu view sau 2 tháng)… Cũng cần nói thêm, theo thống kê của YouTube Rewind 2019, trong top 10 video được xem nhiều nhất tại Việt Nam, có 3 video về nhạc chế: Những chị đại học đường (Hậu Hoàng), Sau sáu rưỡi (Trung Ruồi), Để Mị nói cho mà nghe parody (BB Trần).
Dù lượt xem không hẳn tỷ lệ thuận với chất lượng, nhưng việc “hút view” của những MV nhạc chế, theo nhà nghiên cứu âm nhạc – nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, “điều đó cho thấy một thực trạng trong bình diện chung không sáng sủa của đời sống âm nhạc”.
Hình ảnh một số MV nhạc chế đang hot ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
|
Bởi những thập niên trước, nhạc chế thể hiện phần nào đặc tính của
người Việt, là sự tếu táo, hóm hỉnh nhằm mang lại tiếng cười ý nhị hay một thông điệp nào đó trong cuộc sống. “Có thể nó được chế ra từ sự chiêm nghiệm, trải đời của chính người hát, hoặc bởi những người có nghề như diễn viên hài, đạo diễn, biên kịch, nhạc sĩ với nhiệm vụ xây dựng một tiết mục hài hay tiểu phẩm nhằm phục vụ khán giả” như nhìn nhận của nhạc sĩ
Nguyễn Quang Long. Còn nay, lời của những bài nhạc chế khiến người nghe hết hồn hoặc cười không nổi: mình có con em khùng, vừa khùng nó còn bị lùn (Mình có con em khùng, chế theo bài Jingle bell); alo mày đến đâu rồi con điên kia…thôi thì nâng chén cho một xã hội công bằng, không say không về nếu say cũng không có về (Nhậu cũng là một đam mê, chế bài Ôi tình yêu – nhạc Thái lời Việt); ôi có trai kìa, nhìn mà thèm khát biết bao, vừa đẹp vừa cao như cái sào… anh đi đâu em theo cùng với (Chuyện cô bé quàng khăn đỏ, chế bài Boom boom boom boom)… Chưa kể, còn có vô số những “chửi từ” kiểu: con ranh, con điên, con khốn, thằng/con chó… cùng những hình ảnh kém duyên chế giễu chuyện tế nhị của phái nữ cũng tràn ngập trong clip, MV nhạc chế hiện nay.
Hình ảnh một số MV nhạc chế đang hot ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
|
Vấn đề bản quyền
Hẳn không ít người sẽ thắc mắc, vì sao sản phẩm có “vấn đề” như vậy vẫn nhận được hưởng ứng từ khán giả – hiển thị ở lượt view cao. “Theo tôi, nó đáp ứng được 2 yếu tố: giải trí và tò mò. Khán giả ở ta, đặc biệt bộ phận khán giả trẻ hiện dễ chạy theo trend, đôi khi họ chỉ cần tiếng cười đơn thuần là giải trí chứ không nghĩ tới những chuyện xa xôi như giá trị
nghệ thuật của tác phẩm, chức năng
giáo dục, nâng cao
thẩm mỹ – những điều mà bản thân một tác phẩm được gọi là âm nhạc/nghệ thuật phải có”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long lý giải.
Những “chế sĩ” ban đầu thích chế và “hồn nhiên” đăng lên YouTube, chỉ đến khi bị phản ứng (như trường hợp hiện tượng mạng Hoa Vinh chế lời ca khúc Độc thoại của Tuấn Hưng với từ ngữ tục tĩu, bị Tuấn Hưng gay gắt lên tiếng, sau đó đã phải xin lỗi) hay bị phạt (như trường hợp 2 ca sĩ Yanbi và Mr.T chế lời ca khúc Thu cuối với từ ngữ thiếu
văn hóa khi hát trên sân khấu đã bị Sở VH-TT-DL địa phương phạt mỗi người 5 triệu đồng) thì mới bắt đầu để ý đến chuyện xin phép hoặc chú ý nội dung. Một số MV gần đây có quảng cáo sản phẩm nên đã liên hệ nhạc sĩ xin chế lời cũng như thực hiện việc trả tác quyền qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN – VCPMC (như MV Chuyện cô bé lọ lem chế bài Ông xã em number one của nhạc sĩ Phi Bằng), hay như nhạc sĩ Thái Thịnh gần đây cho biết một số vài trường hợp liên hệ anh xin chế lời bài hát…
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC, muốn làm nhạc chế hay viết lời khác (phái sinh) cho một tác phẩm, phải được sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm.
Ở khía cạnh khác, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận chia sẻ: “Ở thời đại 4.0, việc sản xuất và phát tán một sản phẩm giải trí thật đơn giản và ai cũng có thể làm. Vấn đề là nếu đã làm thì hãy nghĩ sao để cho ra những sản phẩm có ảnh hưởng tốt đến cộng đồng”. Theo anh, việc “chế” ra sản phẩm cho thiếu nhi hay thiếu niên trong bối cảnh đang thiếu sản phẩm cho các em là điều đáng hoan nghênh; nhưng các ê kíp sản xuất nên chú ý vấn đề đầu tiên là bản quyền – phải xin phép tác giả cũng như thực thi tác quyền, thêm nữa là chú ý về nội dung – thay vì bỏ công sức sản xuất các sản phẩm nội dung nhảm nhí hoặc gây tò mò thì cần chú trọng đến chất lượng.
Mặt khác, theo nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận: “Ngoài những sản phẩm có màu sắc vui nhộn, cũng có khá nhiều những kẻ lợi dụng điều luật chưa chặt chẽ của các trang
mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để dùng nội dung phản cảm câu view nhằm đạt mục đích khác”. “Cần có những quy định cụ thể, rõ ràng và chi tiết cho hoạt động của các trang mạng xã hội có trụ sở tại Việt Nam, các trang mạng hoạt động công khai hướng vào Việt Nam. Nếu là trang có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài cần đạt được những thỏa thuận phù hợp giữa hai bên. Còn với trang trong nước, cần sớm có quy định, có chế tài xử phạt thật nặng, thậm chí xử lý hình sự những trường hợp được coi là gây nguy hại đến đạo đức, lối sống, định hướng giới trẻ”, ông Long nhấn mạnh.