18/11/2024

Năm thế kỷ đề tên Qui Nhơn trong nguyên bản Việt Nam sử lược

Năm thế kỷ đề tên Qui Nhơn trong nguyên bản Việt Nam sử lược

Với cuộc tranh luận về địa danh Qui Nhơn hay Quy Nhơn sôi nổi trong mấy ngày qua, người viết không bàn luận gì về mặt ngữ nghĩa, vì cấu trúc tiếng Việt giữa cũ và mới khác nhau đã khá rõ. Tuy nhiên, sự luận bàn thú vị này khiến cho người viết phải đọc lại một ấn phẩm lịch sử nổi tiếng của học giả Trần Trọng Kim, là Việt Nam sử lược.
Bìa 1 và bìa 4 quyển 'Việt Nam sử lược' do NXB Tân Việt in năm 1954 /// ẢNH: TRẦN THANH BÌNH
Bìa 1 và bìa 4 quyển ‘Việt Nam sử lược’ do NXB Tân Việt in năm 1954 ẢNH: TRẦN THANH BÌNH
Tại ấn bản 587 trang của Nhà xuất bản Tân Việt in năm 1954 (tái bản lần thứ 5), học giả Trần Trọng Kim có nhắc hai chữ “Qui Nhơn” trong 34 trang sách có diễn ra các sự kiện xung quanh địa danh này.
Trong số 34 trang rải rác có ghi tên Qui Nhơn, trải dài trong hơn 5 thế kỷ (năm 1377 đến năm 1874), từ thời Hồ Quí Ly (nguyên bản chữ Ly, tên gọi của vị quan chuyên quyền, soán đoạt ngôi nhà Trần, ông viết trong sách) cho đến triều Nguyễn thời vua Tự Đức, địa danh Qui Nhơn là cách ghi cuối cùng của tác giả được in trong sách, ở tại đoạn trích văn bản Hòa ước năm Giáp Tuất (1874).
Nguyên văn như sau: “Khoản XI: Vua nước Nam phải mở cửa Thị Nại (Qui Nhơn), cửa Ninh Hải (Hải Phòng), thành Hà Nội và sông Hồng Hà, cho ngoại quốc vào buôn bán” (trang 519).
Còn ở lần ghi tên Qui Nhơn đầu tiên, ở trang 172, là vào thời nhà Trần, thuộc chương 10: Nhà Trần, thời kỳ thứ ba (1341-1400). Mục 3: Trần Duệ Tông (1374-1377), niên hiệu: Long Khánh. Ở mục này, đề cập đến công trạng của vua Duệ Tông (vốn là Thái tử Kính, em vợ của Lê Quí Ly), Trần Trọng Kim nói về chuyện đánh Chiêm Thành như sau, người viết xin lược giải:
“Năm 1376, quân Chiêm lại sang phá ở Hóa châu, Duệ Tông định thân chinh đi đánh, đình thần can ngăn không được. Vua sai quân dân Thanh Hóa, Nghệ An vận tải 5 vạn thạch lương vào Hóa châu, rồi rước Thượng hoàng (là vua Trần Nghệ Tông-NV) lên duyệt binh. Cùng trong năm ấy, vua Chiêm là Chế Bồng Nga đem cống 15 mâm vàng, nhưng quan trấn thủ Hóa châu là Đỗ Tử Bình lấy đi, rồi sớ tâu về triều nói dối rằng Chế Bồng Nga vô lễ ngạo mạn, xin vua cử binh đi đánh. Vua sai Lê Quí Ly (tức là Hồ Quí Ly, sẽ giải thích sau-NV) đốc vận lương thực đến cửa bể Di Luân (thuộc huyện Bình Chính, Quảng Bình) và tự lĩnh 12 vạn quân, cả thủy bộ cùng tiến đi đến cửa bể Nhật Lệ (ở làng Đồng Hới, huyện Phong Lộc, Quảng Bình) đóng lại một tháng để luyện tập sĩ tốt.
Qua tháng giêng Đinh Tị (1377) mới tiến quân vào cửa Thị Nại (tức là cửa Qui Nhơn) đánh lấy đồn Thạch Kiều và động Kỳ Mang, rồi kéo quân đến đánh thành Đồ Bàn, là kinh đô Chiêm Thành”…
Tính ra, lịch sử suốt 5 thế kỷ ấy trong sách của ông, Trần Trọng Kim vẫn dùng chữ theo kiểu cũ: Qui Nhơn!
Ở các chương sách sau đó ghi lại những năm tháng các chúa Nguyễn nối tiếp nhau vào phương Nam mở cõi, định ra phiên trấn, thiết lập một xứ Đàng Trong rộng lớn và sau đó xảy ra nhiều cuộc nội chiến đẫm máu với nhà Tây Sơn, địa danh Qui Nhơn cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Việt Nam sử lược in cách đây hơn 65 năm.
Năm thế kỷ đề tên Qui Nhơn trong nguyên bản Việt Nam sử lược1

Bìa 1 quyển Việt Nam sử lược do NXB Kim Đồng in năm 2019   ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Ví dụ: Tại phần 4 trong cùng sách, có tên Tự chủ thời đại, ở chương 8 với tựa đề Vận trung suy của chúa Nguyễn, trang 345, có đến 4 lần, học giả Trần Trọng Kim nhắc đến địa danh, đều ghi là Qui Nhơn. Xin trích vài đoạn như sau:
– “… Trương Phúc Loan là người tham lam, làm nhiều điều tàn ác, trong nước ai ai cũng oán giận, bởi thế cho nên ở phía Nam thì có Tây Sơn dấy binh đánh phá ở đất Qui Nhơn ở mặt bắc thì có quân họ Trịnh vào lấy đất Phú Xuân, làm cho cơ nghiệp họ Nguyễn xiêu đổ vậy…”.
– Ở mục 2, với tựa đề Tây Sơn dấy binh: “Lúc bấy giờ ở huyện Phù Ly (nay đổi là Phù Cát) đất Qui Nhơn, có người tên là Nguyễn Nhạc khởi binh phản đối với chúa Nguyễn…”.
Đặc biệt, trong quyển sử giá trị dày công biên soạn của mình được in lần thứ nhất cách đây đúng 100 năm (năm 1920), học giả Trần Trọng Kim có những cách dùng từ rất khác. Những chữ y và i hầu như đổi ngược lại cách sử dụng từ trong các văn bản so với ngày nay.
Cho nên, tại bản đặc biệt in lại của Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2019 của nhóm tác giả dày công sưu dụng và biên tập, Nhà xuất bản Kim Đồng trong lời nói đầu có viết rất rõ ràng: “Ở lần xuất bản này, chúng tôi in theo nguyên tác bản in năm 1954 (in lần thứ năm) của Nhà xuất bản Tân Việt. Đây là bản in đầy đủ nhất, đã được tác giả chỉnh sửa trước khi mất. Tính đến nay, kể từ khi xuất bản lần đầu, Việt Nam sử lược đã có cuộc đời gần 100 năm và cũng hơn 60 năm trôi qua kể từ khi tác giả chỉnh sửa lần cuối. Một số thông tin, chi tiết mà tác giả đưa ra có thể không khớp với lịch sử chính thống, một số cách dùng từ có thể không còn phù hợp với cách nói hiện nay, rất mong bạn đọc tiếp nhận cuốn sách trên tinh thần tham khảo.
Trong quá trình biên tập, những cách viết, cách trình bày theo kiểu cũ đều được chữa cho phù hợp với cách viết của tiếng Việt hiện tại, chẳng hạn không dùng dấu gạch nối giữa các từ ghép, sửa những lỗi in sai… Những chỉnh sửa này đã được gia đình tác giả cho phép. Riêng về địa danh, chúng tôi giữ nguyên cách gọi cũ…”.
Năm thế kỷ đề tên Qui Nhơn trong nguyên bản Việt Nam sử lược2

Bìa 4 quyển Việt Nam sử lược do NXB Kim Đồng in năm 2019  ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Với tinh thần ấy, những chữ “Qui-nhơn” mà tác giả viết trong sách cũ, những người biên soạn đều đã chỉnh sửa thành “Quy Nhơn” suốt 34 trang của bản sách mới. Hoặc cho dù vẫn giữ địa danh chính xác, người đọc có thể hiểu rõ là ở đâu, nhưng cách viết đã có khác. Chẳng hạn ở bản sách xuất bản năm 1954 của Nhà xuất bản Tân Việt, một số địa danh do tác giả ghi như là “huyện Phù-ly”, thì nay được sửa lại là “huyện Phù Li”; hoặc “động Kỳ-mang” thì ở bản mới của Nhà xuất bản Kim Đồng được ghi là “động Kì Mang”; hoặc với tên riêng cũng được sửa chữa, ví dụ ở bản sách cũ thì ghi là “Hồ Quí-Ly”, nhưng tại bản sách của Nhà xuất bản Kim Đồng được sửa lại là “Hồ Quý Li”…
Về tên của vị vua ngồi trên ngai vàng chưa được một năm, rồi nhường ngôi cho con, là Hồ Quí-Ly (như trong sách do Nhà xuất bản Tân Việt in, đã dẫn), sở dĩ lúc thì sách ghi là Lê Quí Ly, lúc lại ghi Hồ Quí Ly, thì Việt Nam sử lược (bản cũ) lý giải, nguyên văn như sau: “Quí-Ly là dòng dõi người ở Chiết-giang bên Tàu, tổ là Hồ Hưng Dật, từ đời Ngũ-quí sang nước ta ở làng Bào-đột, huyện Quỳnh Lưu. Sau ông tổ tứ đại là Hồ Liêm ra đời ở Thanh-hóa, làm con nuôi nhà Lê Huấn, cho nên mới đổi họ là Lê, là Lê Quí-Ly…”.
Rồi sau đó, khi ông lên ngôi, mới đổi lại nguyên họ Hồ, là Hồ Quý Li (tên ghi theo bản sách mới của Nhà xuất bản Kim Đồng).
Như vậy, theo như lời nói đầu của Nhà xuất bản Kim Đồng, cách chỉnh sửa cho đúng với tiếng Việt hiện tại, tinh thần quyển Việt Nam sử lược hoàn toàn không thay đổi, duy chỉ có từ ngữ sử dụng trong sách mới cho dễ đọc, phù hợp với bây giờ mà thôi. Người viết muốn đối chiếu hai bản sách như vậy, cũng chỉ với dụng ý đưa ra một cách tham khảo giữa cách thể hiện ngôn ngữ cũ và mới, vốn không chỉ xuất hiện riêng trong một quyển sử, nó có quá nhiều ở các văn bản trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, mà cuộc tranh luận về tên địa danh Qui Nhơn hay Quy Nhơn, là một ví dụ.
Và điều này đòi hỏi có một sự thống nhất trong cách sử dụng ngôn ngữ, phải có một công trình xác định rõ ràng, được luật hóa và công bố, nếu không sẽ gây ra nhiều cuộc tranh luận triền miên khó có hồi kết.
Tại bản sách đặc biệt Việt Nam sử lược in năm 2019 của NXB Kim Đồng, ái nữ của học giả Lệ Thần Trần Trọng Kim, là bà Trần Thị Diệu Chương có bài viết được in theo sách, trong đó có ghi:
“Sau khi xuất bản lần thứ nhất năm 1920, tại Sài Gòn, Việt Nam sử lược được Nhà xuất bản Tân Việt tái bản lần 3 vào tháng 7 năm 1949, lần 4 vào tháng 2 năm 1951, và lần 5 vào tháng 3 năm 1954. Những lần tái bản này được chính học giả Trần Trọng Kim biên tập, chỉnh sửa rất cẩn thận. Trong đó lần tái bản thứ 5 vào năm 1954 là lần cuối cùng tác giả đọc duyệt, biên tập cuốn sách trước khi về cõi vĩnh hằng.
Rời đất nước từ mấy chục năm, không có đủ thời gian để theo dõi hết tình hình xuất bản những cuốn sách của cha chúng tôi tại Việt Nam, nhưng với những gì bạn đọc, giới nghiên cứu đón nhận và đánh giá, bàn luận, chúng tôi ý thức được rằng Việt Nam sử lược đã khẳng định sức sống và có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.
Mùa đông năm Ất Mùi 2015, chúng tôi bất ngờ được đón tiếp một biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng tại tư gia (Quận 7, Paris, Pháp) với đề nghị Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ tái bản cuốn Việt Nam sử lược của cha chúng tôi. Dù rằng cuốn sách đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền và đã thuộc lĩnh vực công, nhưng một lời đề nghị như vậy cũng khiến gia đình chúng tôi hết sức cảm kích…”.
TRẦN THANH BÌNH
TNO