Mở đường cho đổi mới giảng dạy
Mở đường cho đổi mới giảng dạy
“Quyết định tinh giản chương trình của Bộ GD-ĐT như một làn gió mở đường cho giáo viên mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy”. Đó là ý kiến của một giáo viên ở Q.3, TP.HCM.
Hôm nay 1-9, học sinh nhiều tỉnh thành trong cả nước tựu trường chuẩn bị cho năm học mới 2020 – 2021. Ngoài chuẩn bị những biện pháp an toàn trong dịch bệnh, nội dung được các trường quan tâm là tinh giản chương trình trong năm học mới.
Giáo viên phấn khởi
Ông Hà Hữu Thạch – hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3 – cho biết: “Trước đây, giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy vẫn phải đảm bảo khối lượng kiến thức mà Bộ GD-ĐT quy định.
Theo đánh giá của một số giáo viên, đợt giảm tải lần này khá hợp lý, bỏ được những bài khó và chưa sát với thực tế. Thế nên, năm nay các tổ chuyên môn của trường sẽ họp và xây dựng lại chương trình theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, giảng dạy kỹ năng sống…”.
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10 – thông tin: “Hiện tại, chúng tôi đang lên kế hoạch dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến để thực hiện trong năm học mới. Chương trình đã được Bộ GD-ĐT tinh gọn là điều kiện thuận lợi cho trường chúng tôi xây dựng lại các bài học theo chủ đề, theo hướng tích hợp liên môn…”.
Một giáo viên môn toán ở Q.3 cũng bày tỏ: “Thật ra, trước đây trường chúng tôi đã biên lại các bài dạy trong sách giáo khoa thành tổ hợp, chủ đề. Việc này mất khá nhiều công sức nhưng chưa đạt được yêu cầu như mong muốn. Vì những bài khó, nặng, có thời lượng dạy ít tiết thì biên theo hướng tăng số tiết dạy chứ không cắt giảm lượng kiến thức hàn lâm, thiếu tính thực tế. Đơn giản vì cắt giảm kiến thức của mình lại xuất hiện trong đề thi, khi đó giáo viên không biết ăn nói như thế nào với phụ huynh. Nay Bộ GD-ĐT mạnh dạn cắt bỏ những bài chưa sát với thực tế khiến chúng tôi rất phấn khởi”.
Cũng theo giáo viên này: “Quyết định tinh giản chương trình mới đây của Bộ GD-ĐT như một làn gió mở đường cho giáo viên mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy. Bởi chúng tôi không phải lo lắng dạy thiếu kiến thức cho học sinh nữa. Sau khi tinh giản, chương trình có phần nhẹ hơn, chúng tôi sẽ dành thời gian còn lại cho học sinh thực hành, đi thực tế…”.
Chương trình đã được Bộ GD-ĐT tinh gọn sẽ là điều kiện thuận lợi cho trường chúng tôi xây dựng lại các bài học theo chủ đề, theo hướng tích hợp liên môn…
Ông Huỳnh Thanh Phú (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM)
Định hướng để trường chủ động
Một giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng cách tinh giản của Bộ GD-ĐT hợp lý khi chỉ giảm độ khó, khoảng 10-20% nội dung kiến thức nhưng không cắt cơ học hoàn toàn một phần kiến thức nào trong chương trình hiện hành. Với chương trình này, thay vì dạy kỹ thì dạy cơ bản.
Còn theo cô Châu Loan – giáo viên địa lý Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), chương trình tinh giản vừa công bố có điểm tương đồng khá lớn với hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THPT từ năm 2011 của Bộ GD-ĐT.
“Ngoài nội dung đã tinh giản năm 2011 có thêm một số nội dung tinh giản khác theo hướng tích hợp một số bài vào một bài hoặc một chủ đề, lược bớt một số nội dung không cần thiết hoặc trùng lặp, chuyển một số nội dung sang phần tự đọc, tự học.
Về cơ bản, nội dung tinh giản tập trung nhiều vào lớp 12, nhất là phần địa lý các ngành kinh tế và các vùng kinh tế. Những điều chỉnh này là hợp lý, giúp giảm bớt áp lực cho học sinh và phù hợp với tình hình thực tế mà vẫn đảm bảo được yêu cầu kiến thức, kỹ năng của bộ môn”.
Theo cô Châu Loan, ai kỳ vọng chương trình tinh giản lần này “cắt giảm” được nhiều thì có thể sẽ thất vọng. Nhưng nếu hiểu đó như định hướng để các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, thiết kế nội dung dạy học theo hướng tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới thì sẽ thấy thuyết phục.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) – nêu quan điểm: “Sau khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình tinh giản, trường đã giao cho các tổ bộ môn nghiên cứu và nhận phản hồi.
Về cơ bản, giáo viên đều cho rằng hướng tinh giản phù hợp với việc triển khai chương trình nhà trường (kế hoạch giáo dục) mà trường tôi đã thực hiện mấy năm qua. Cách tinh giản của Bộ GD-ĐT là gợi ý để các nhà trường dựa vào đó, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học hợp lý, phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện dạy học”.
Cô Nhiếp nói thêm: “Theo giáo viên bộ môn của trường tôi, trong chương trình tinh giản, có những kiến thức không trọng tâm được đưa vào phần học sinh tự đọc, tự học nhưng nó vẫn cần thiết ở đâu đó trong chương trình dạy học bắt buộc. Vì thế, khi chủ động thiết kế nội dung dạy học, các tổ bộ môn cần chú ý đến mạch kiến thức có tính tiếp nối, điều chỉnh để nội dung nào dạy trên lớp, nội dung nào học sinh tự làm, tự học với sự hướng dẫn của thầy cô giáo… Việc bỏ công vào như vậy mới có hiệu quả thực sự…”.
Và những băn khoăn…
Tuy vậy vẫn còn những băn khoăn. Thầy Lê Văn Cường – giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) – cho biết về cơ bản nội dung tinh giản vẫn đảm bảo yêu cầu cần đạt. So với chương trình chưa tinh giản không có điều chỉnh nhiều.
Tuy nhiên, thầy Cường băn khoăn vì còn những điểm chưa hợp lý như có nội dung ghép 2-3 bài vào một bài/chủ đề nhưng nội dung của các bài vẫn dạy đủ. Như vậy sẽ khó thực hiện trong một tiết học.
“Học ít kiến thức nhưng chất lượng vẫn hơn học nhiều kiến thức nhưng không hiệu quả. Với tinh thần đó, Bộ GD-ĐT nên lược bỏ hẳn một phần kiến thức lớn để học sinh bớt bị nặng. Tôi hi vọng chương trình mới áp dụng các năm tới sẽ giảm bớt nội dung so với chương trình hiện hành để học sinh không phải đi học thêm” – thầy Cường chia sẻ.
TP.HCM: “Còn nhiều vấn đề cần nỗ lực”
Sáng 31-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2019 – 2020 và triển khai phương hướng năm học 2020 – 2021.
Theo ông Lê Hồng Sơn – giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của TP năm 2020 là 99,44%, cao nhất 3 năm gần đây. Cụ thể, năm học 2017 – 2018 tỉ lệ tốt nghiệp THPT của TP là 99,40%; năm học 2018 – 2019 là 98,70%. Năm nay, TP.HCM là địa phương có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất cả nước, điểm trung bình môn toán đứng thứ nhì.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức – phó chủ tịch UBND TP.HCM – nhấn mạnh: “Trên thực tế các trường trên địa bàn TP đã rất nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục nhưng khoảng cách chất lượng giữa các trường vẫn còn, gây ra tình huống thiếu chỗ học cục bộ tại một số nơi. Vì vậy, ngành GD-ĐT TP cần rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các trường. Thời gian qua có tình trạng học sinh muốn đăng ký học tại một trường lớn hơn gấp nhiều lần số chỗ học có thể đáp ứng”.
Ngoài ra, ông Dương Anh Đức chỉ đạo thêm: “Chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan rằng ngành GD-ĐT TP vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nỗ lực. Trong đó, ngành GD-ĐT tập trung cho việc đào tạo phát triển lĩnh vực STEM là chủ trương đúng đắn. Thế nhưng, bên cạnh hai môn toán và tiếng Anh có thành tích nổi trội thì xếp hạng các môn còn lại như vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử… TP vẫn nằm ngoài top 30 của cả nước. Tôi đề nghị ngành GD-ĐT TP cần nâng chất các môn còn lại vì những kiến thức nền tảng ở cấp phổ thông rất quan trọng”.
Bộ GD-ĐT: điều chỉnh để hợp lý hơn
Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Chương trình tinh giản lần này không nặng về “cắt” mà chú trọng đến cách sắp xếp, điều chỉnh trong tổ chức dạy học để hợp lý hơn, khuyến khích các trường linh hoạt trong xây dựng nội dung dạy học, khuyến khích giáo viên đa dạng hóa cách tổ chức dạy học, học sinh làm quen với việc nghiên cứu tài liệu trước khi đến lớp, rèn năng lực tự học”.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, việc tinh giản vẫn theo tinh thần của công văn 4612 được Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 2017. Tuy nhiên, thay vì để các trường “tự bơi”, Bộ GD-ĐT ban hành chương trình tinh giản để thống nhất áp dụng trên toàn quốc từ năm học này.
Khoảng 5-6 năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT cũng đưa vào nhiệm vụ năm học về việc xây dựng kế hoạch dạy học trong mỗi nhà trường, đẩy mạnh các mô hình, phương pháp dạy học: dạy học theo dự án, chủ đề, tích hợp kiến thức liên môn, đầu tư cho việc thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và đáng chú ý là việc áp dụng giáo dục STEM…
Khi nghiên cứu và thực hiện việc tinh giản chương trình lần này, Bộ GD-ĐT cũng cân nhắc và bám sát những thành quả đổi mới trên để từ đây nhân rộng hơn các mô hình, phương pháp giáo dục tích cực. Nó không chỉ nhằm “giảm áp lực” hay “tiết kiệm thời gian” mà mục tiêu lớn hơn là tiệm cận với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới.
VĨNH HÀ
Phụ huynh dựng ký túc xá cho con
Phụ huynh Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) sửa phòng ký túc xá cho con – Ảnh: LÀI HỒ
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc chuẩn bị cho năm học mới 2020 – 2021 của nhiều trường học ở Nghệ An bị ảnh hưởng và chậm hơn so với những năm học trước. Mặc dù vậy, đến ngày 31-8 các trường học ở tỉnh Nghệ An đã hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp để sẵn sàng đón hơn 800.000 học sinh tựu trường vào hôm nay 1-9 và khai giảng vào ngày 5-9.
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, phụ huynh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương) từ các bản làng xa xôi đã cùng nhau đem nứa, lá cọ đến tu sửa, gia cố khu nhà ở cho học sinh bán trú. Đây là năm thứ tư trường tổ chức cho học sinh bán trú ăn ở tập trung.
DOÃN HOÀ