23/12/2024

TP.HCM gặp khó khăn trong bảo tồn biệt thự ở vùng lõi đô thị

TP.HCM gặp khó khăn trong bảo tồn biệt thự ở vùng lõi đô thị

Trong tương lai TP.HCM có thể phát triển theo nhiều hướng với nhiều đô thị vệ tinh, nhưng quận 3 với vị trí trung tâm và các công trình biệt thự trên nền tảng đô thị cũ vẫn xem là ‘thành phố mẹ’.

 

TP.HCM gặp khó khăn trong bảo tồn biệt thự ở vùng lõi đô thị - Ảnh 1.

Bệnh viện Mắt TP.HCM – 1 trong 8 công trình của quận 3 được đưa vào danh mục kiểm kê di tích – Ảnh: DUYÊN PHAN

Đây là báo cáo của ông Trần Thanh Bình, phó chủ tịch UBND quận 3, tại buổi khảo sát của Ban văn hóa – xã hội HĐND TP.HCM về kết quả giám sát việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị sáng 26-8.

Bảo tồn kiến trúc đô thị: nhiều vướng mắc

Quận 3 trong chuỗi liên kết với quận 1 được xem là vùng lõi đô thị Sài Gòn ngay từ ngày đầu thành lập. Thống kê từ năm 2017 cho thấy quận 3 có 266 căn biệt thự thuộc trục đường Tú Xương và khu T78.

Dù vậy, trong công tác bảo tồn các công trình thuộc cảnh quan kiến trúc đô thị vẫn còn nhiều vướng mắc.

Cụ thể, quận 3 đang có 12 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng. Và thời gian qua quận cũng đưa 8 công trình vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử bao gồm: nhà nguyện Tòa tổng giám mục TP.HCM, nhà thờ Tân Định, Nhà thiếu nhi TP.HCM, Bệnh viện Mắt TP.HCM, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Chantarangsay, mộ ông binh bộ kiểm duyệt Ty thừa vụ lang họ Trần, chùa Khánh Hưng.

Tuy nhiên, trong quá trình ứng xử với các công trình kiến trúc để xem xét công nhận di tích, một vấn đề tồn đọng từ trước là ý kiến giữa các cơ quan nhà nước và chủ sở hữu các công trình vẫn chưa gặp nhau. Cụ thể là có một số chủ sở hữu không muốn đưa công trình do mình làm chủ vào danh mục kiểm kê di tích.

Ông Trần Thanh Bình cho biết thêm việc vận động thuyết phục các chủ sở hữu tư nhân còn gặp khó khăn, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của họ, “khi giàu thì đôi dép người ta cũng muốn giữ, nhưng lúc nghèo thì có khi bàn thờ người ta cũng bán” – ông ví von.

Ông Hoàng Nghị, trưởng phòng di sản Sở Văn hóa và thể thao, cho biết thêm về trường hợp nhà thờ Tân Định vừa qua muốn tu sửa một số hạng mục nhưng cũng gặp khó khăn do giữa nhà thờ và Nhà nước còn chưa gặp nhau về vấn đề bảo tồn, mặc dù công trình này chỉ mới được đưa vào danh mục kiểm kê di tích, tức là còn chưa được lập hồ sơ để xem xét công nhận.

Điển hình cho việc “chưa gặp nhau” này là trong số 8 công trình của quận 3 được đưa vào danh mục kiểm kê di tích thì trong thời gian qua chỉ mới có 3 công trình được chủ sở hữu đồng thuận để lập hồ sơ xem xét công nhận là: Bệnh viện Mắt TP, Nhà thiếu nhi TP, mộ ông binh bộ kiểm duyệt Ty thừa vụ lang họ Trần; 5 công trình còn lại vẫn chưa đồng ý thực hiện hồ sơ.

Tìm tiếng nói chung giữa Nhà nước và tư nhân

Ghi nhận từ phía quận 3 còn cho thấy các công trình là biệt thự và có nguồn gốc biệt thự hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giải quyết cấp phép xây dựng, sửa chữa cải tạo “do quá trình quản lý sử dụng trong một thời gian dài trước đây đã phân chia biệt thự cho nhiều hộ sử dụng, có ranh và không gian không đồng nhất, vô tình đã phá vỡ hình thức sử dụng kiến trúc biệt thự, gây khó khăn trong việc bảo tồn cũng như xây dựng mới”.

Trong thực tế, quận cũng ghi nhận một số trường hợp do biệt thự cũ xuống cấp, chủ sở hữu tự ý tháo dỡ hoặc sửa chữa gây khó khăn trong công tác quản lý tại địa phương.

Trong hướng tìm kiếm giải pháp, phát biểu với chuyên môn kiến trúc sư, ông Trần Thanh Bình cho rằng thực tế các biệt thự có giá trị ở khu trung tâm quận 3 cũng không nhiều. Cụ thể là ít biệt thự giữ được tính nguyên bản, tính nguyên vẹn của thửa đất.

“Tại sao người dân không muốn đưa vào di tích?”, ông Bình đặt câu hỏi thẳng thắn và lý giải một phần vấn đề: Vì người ta không được tự do sửa chữa. Không ai muốn bỏ cả ngàn lượng vàng ra mua một căn biệt thự để rồi không được tự do tu bổ hay sửa chữa cả.

Trước khó khăn đó, ông Bình kêu gọi phải tìm cách giữ gìn thống nhất, đồng bộ giữa phần hồn (văn hóa) và phần xác (kiến trúc, xây dựng, môi trường) của di tích mới có thể gọi là bảo tồn.

Về vấn đề khúc mắc này, trao đổi riêng với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa – chuyên gia về đô thị học và quản lý đô thị – cho rằng cả Nhà nước và tư nhân cần ngồi lại bàn phương án khai thác các biệt thự cần bảo tồn. Khi đó, biệt thự sẽ được giữ gìn mà người dân và Nhà nước đều kinh doanh có lợi.

“Ví dụ bây giờ đưa biệt thự của người ta vào tour du lịch, chủ nhà sẽ mở quán cà phê, làm bánh, bán trái cây… thì người ta mới đồng ý giữ lại ngôi biệt thự ấy.

Và cũng đừng bao giờ chỉ nghĩ cách khai thác đơn lẻ, mà cần phải liên kết trong một tổng thể chung. Tức là đặt các biệt thự vào trong chuỗi phát triển, chuỗi du lịch, theo kiểu giới thiệu các khu vực theo từng tuyến nội dung” – ông Hòa gợi ý.

Phân loại 96 biệt thự tại quận 3

Đến nay quận 3 đã phân loại 96 biệt thự trên địa bàn gồm: 40 biệt thự nhóm 1, 39 biệt thự nhóm 2, 17 biệt thự nhóm 3.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, việc phân loại các công trình là để đưa ra thái độ ứng xử rõ ràng. “Trong mấy trăm ngôi biệt thự của quận 3, cái nào nên giữ lại phải có lý do,

chẳng hạn nó đại diện cho một trường phái kiến trúc, hoặc nó gắn với một sự kiện lịch sử nào đó, hoặc nó từng là nơi gắn bó của một nhân vật lịch sử nổi tiếng thì giữ lại. Còn ngôi biệt thự nào bình thường không tiêu biểu thì cũng nên “giải phóng” cho người ta làm ăn.

Và khi phân loại xong thì giữ lại một số rất ít thôi, số đó Nhà nước phải đầu tư, khai thác, làm dự án như một số nơi trên thế giới. Chẳng hạn thành phố Penang (Malaysia) giữ lại nhà theo từng khu vực: chỗ nào dân ở, chỗ nào nhà nước khai thác, khai thác bao nhiêu phần trăm và người dân cùng với nhà nước chia nhau lợi nhuận thế nào… Và họ duy trì hình thái kiến trúc của ngôi nhà ấy” – ông Hòa chia sẻ.

LAM ĐIỀN
TTO