24/12/2024

Lộ trình 10 năm nâng chuẩn giáo viên

Lộ trình 10 năm nâng chuẩn giáo viên

Năm học mới 2020-2021 cũng là thời điểm các địa phương phải thực hiện việc nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình, như quy định mới trong Luật giáo dục. Thách thức rất lớn khi gần 300.000 giáo viên sẽ phải đào tạo nâng chuẩn trong khoảng 10 năm tới

Lộ trình 10 năm nâng chuẩn giáo viên - Ảnh 1.

Cô trò Trường mầm non Vàng Anh, Q.5, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn sẽ được tạo điều kiện về thời gian và được hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo theo quy định. Giáo viên cũng được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục; được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật, trong đó có phụ cấp đứng lớp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng cho các địa phương triển khai kế hoạch trên, ông Đặng Văn Bình, phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết:

“Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được tiến hành trong 10 năm, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 1-7-2020 (ngày Luật giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành) đến ngày 31-12-2025. Giai đoạn 2 từ ngày 1-1-2026 đến hết ngày 31-12-2030.

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành kế hoạch 5 năm thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 1 làm căn cứ để UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai hằng năm”.

* Hầu hết giáo viên trong diện nâng chuẩn đều đảm nhiệm việc đứng lớp. Đây sẽ là khó khăn cho các cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn gì về việc này?

– Lộ trình nâng trình độ chuẩn kéo dài trong hơn 10 năm, do đó nhà trường, địa phương có thể tính toán số lượng giáo viên đi học theo từng năm, cử ai đi học trước, ai đi học sau để phù hợp với thực tiễn của từng trường và giáo viên.

Mặt khác, các giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn theo hình thức vừa làm vừa học. Thời gian, hình thức học tập cũng có thể thực hiện linh hoạt, như học trực tuyến, học tập trung, học trực tuyến kết hợp với tập trung, học vào ngày nghỉ, học trong hè.

Vì thế trong nghị định 71 về lộ trình thực hiện nâng chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cũng quy định rõ ngoài thời gian tham gia đào tạo, giáo viên vẫn phải làm nhiệm vụ giảng dạy.

Để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến việc dạy học trong các nhà trường, địa phương phải có phương án bố trí, sắp xếp hợp lý. Không thể cử đồng loạt nhiều giáo viên ở một trường đi học trong một thời điểm, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Lộ trình 10 năm nâng chuẩn giáo viên - Ảnh 3.

* Theo nhiều hiệu trưởng, phần lớn giáo viên trong diện phải nâng chuẩn của trường tuổi đời đã cao, khả năng tiếp thu cái mới hạn chế, trong khi vẫn phải vừa học vừa làm, vậy có giải pháp gì để khắc phục khó khăn này? Trường hợp hết thời hạn giáo viên vẫn không đạt chuẩn thì sẽ phải xử lý như thế nào?

– Khi nghiên cứu xây dựng nghị định 71, ban soạn thảo đã tính đến yếu tố độ tuổi để đảm bảo giáo viên vẫn có khả năng tiếp thu kiến thức trong quá trình tham gia đào tạo. Cụ thể, độ tuổi phải nâng trình độ chuẩn đối với giáo viên mầm non là còn đủ 7 năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu; giáo viên tiểu học 8 năm, trình độ cao đẳng còn đủ 7 năm; giáo viên THCS còn đủ 7 năm.

Theo cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, giáo viên trong độ tuổi từ 45 tuổi trở lên chỉ chiếm khoảng 28,9%.

Những giáo viên này sẽ được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn trước. Trường hợp hết thời gian thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn, giáo viên không được cấp bằng tốt nghiệp sẽ thực hiện theo quy định về sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư quy định sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn đào tạo. Thông tư này sẽ ban hành trong năm nay.

* Hiện nay chương trình tập huấn nâng hạng giáo viên và nâng chuẩn đang có sự chồng chéo gây tốn thời gian, kinh phí, áp lực cho giáo viên. Việc này cần giải quyết như thế nào, thưa ông?

– Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên (theo nghị định 71) chỉ dành cho đối tượng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật giáo dục 2019.

Đối tượng này khi chưa đạt chuẩn thì cũng không đủ tiêu chuẩn tham gia bồi dưỡng để có đủ điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Như vậy, không có chuyện giáo viên thuộc đối tượng phải đào tạo nâng chuẩn lại tham gia bồi dưỡng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

* Thầy Đỗ Đình Quý (hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Hòa, huyện Vũ Thư, Thái Bình):

Tôi ủng hộ việc nâng chuẩn giáo viên để đáp ứng yêu cầu giáo dục cao hơn trong giai đoạn tới. Hiện tại, theo chuẩn mới, trường tôi mới có 40% giáo viên đạt chuẩn, còn lại 60% chưa đạt chuẩn.

Như vậy, số người sẽ phải đi học để nâng chuẩn khá đông, chủ yếu là giáo viên đang trực tiếp đứng lớp. Độ tuổi giáo viên trong toàn trường lại rất cao nên khả năng tiếp thu chưa biết có đáp ứng được để nâng chuẩn trình độ hay không.

* Cô Nguyễn Bích Nhàn (giáo viên tiểu học tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình):

Tôi công tác trong ngành giáo dục 22 năm, thời gian còn lại tính đến nghỉ hưu không nhiều nhưng vẫn trong diện đi học nâng chuẩn.

Theo quy định, việc học nâng chuẩn được hỗ trợ kinh phí, nhưng có thể sẽ có những khoản đóng góp khác, trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, lương giáo viên tiểu học thấp.

Tôi lo lắng về chuyện kinh phí sẽ phải trang trải. Ngoài ra cũng lo không biết có tiếp nhận được kiến thức để thi lấy bằng được không.

2 giai đoạn

Lộ trình nâng chuẩn giáo viên được thực hiện thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 1-7-2020 đến hết ngày 31-12-2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp.

Giai đoạn 2 từ ngày 1-1-2026 đến hết ngày 31-12-2030, thực hiện nâng chuẩn đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.

Để giáo viên tiểu học có bằng đại học

 

nh-ky dong8 1(read-only)

Cô trò Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM trong một giờ học – Ảnh: NH.H

Thực hiện Luật giáo dục 2019, giáo viên bậc tiểu học có trình độ đại học. Mừng! Trình độ chuyên môn của giáo viên càng cao thì chất lượng giáo dục càng được cải thiện, nhất định là như thế!

Nhưng không hẳn là ngay lập tức giáo viên đang có trình độ cao đẳng sáng mai tỉnh dậy là đạt trình độ đại học. Học để đạt chuẩn không phải một sáng một chiều, ít ra thì cũng mất khoảng 1,5 năm, nghĩa là nếu thầy cô đi học ngay sau ngày 1-7 năm nay thì cũng phải đến tháng 1-2022 trong tay họ mới có tấm bằng đại học – đủ chuẩn giáo viên tiểu học.

Để chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên tiểu học đạt chuẩn, ngành giáo dục cần phải chuẩn bị nhiều, rất nhiều.

Trước khi viết bài này, tôi có hỏi một vài sở giáo dục – đào tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, có tỉnh tỉ lệ giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn lên tới 30-40%.

Số giáo viên tiểu học trong các trường phổ thông của cả nước chiếm khoảng 35-40% tổng số giáo viên, nghĩa là cả nước sẽ có khoảng 100.000 giáo viên cần phải đào tạo để đạt chuẩn trong các năm tới. Chỉ với số lượng vậy thôi thì các trường sư phạm phải dồn tất cả công suất trong 2 năm liên tục mới hoàn thành nhiệm vụ.

Phải có một kế hoạch cho sự thay đổi, khi mà chương trình giáo dục phổ thông mới, bậc tiểu học sẽ tổ chức giảng dạy ngày hai buổi. Học ngày hai buổi, thứ sáu, thứ bảy lại đi học để đủ chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chắc chắn thầy cô sẽ vất vả. Cả tuần vừa đi làm vừa đi học liệu thầy cô có đủ sức khỏe theo đuổi để có được tấm bằng đại học cho đủ chuẩn?

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên là cần thiết! Đặt chuẩn trình độ đại học giáo viên tiểu học là một bước tiến cần thiết, khi mà chúng ta luôn nói trong mọi văn kiện rằng giáo dục là quốc sách hàng đầu. Từng tỉnh thành phải có kế hoạch đào tạo đáp ứng yêu cầu chuẩn giáo viên tiểu học để không bị rơi vào tình trạng thiếu thầy cô giảng dạy.

Về phía thầy cô cần phải chủ động trong học tập để không bỏ lớp bỏ trường. Với các trường sư phạm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn hiện nay không phải là chuyện dễ.

Ngoài các nguồn lực trên, sự sẵn sàng của thầy cô, còn cần nguồn kinh phí đủ lớn để làm việc này. Không phải chỉ là huy động thầy cô tới trường để học tập, thầy cô các trường sư phạm phải sẵn sàng, mà còn cần một nguồn tài chính đủ lớn để hoàn thành sứ mệnh này.

Nếu không làm tốt công việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên tiểu học đạt chuẩn thì cũng giống như cho thêm nước vào bình, đó không phải là món trà chanh giải cơn khát đạt chuẩn mà chỉ là chén trà nguội đêm khuya.

Hi vọng là trong vòng 5 năm tới, đội ngũ giáo viên tiểu học cả nước sẽ đạt chuẩn. Để sau 10 năm nữa, đội ngũ giáo viên mầm non trong cả nước sẽ đạt chuẩn trình độ đại học.

Có kế hoạch, có sự chuẩn bị chu đáo chưa bao giờ là thừa. Giáo dục càng cần như vậy!

Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

VĨNH HÀ thực hiện
TTO