14/11/2024

Trẻ em KT3 lo không được vào lớp 1

Trẻ em KT3 lo không được vào lớp 1

Với những gia đình không có hộ khẩu ở TP.HCM, KT3 là giấy tờ “lận lưng” để trẻ được xét vào lớp 1. Tại TP.HCM có những nơi bị áp lực sĩ số nên có thể có nguy cơ thiếu chỗ học, làm hàng ngàn gia đình đang lo sốt vó trước năm học mới.

 

Trẻ em KT3 lo không được vào lớp 1 - Ảnh 1.

Nộp hồ sơ vào lớp 1 Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Hàng ngàn trẻ em ở Q.12 có nguy cơ không vào được lớp 1 đang là một thực tế “nóng”, khiến nhiều phụ huynh quan tâm.

Nơi được, nơi không

Chị Nguyễn Thị Thơ (Q.12) có con sinh năm 2014, đúng tuổi vào lớp 1. Từ khi con 2 tuổi, cả gia đình chị vào TP.HCM lập nghiệp.

“Năm nay con vào lớp 1, tôi có giấy tạm trú tạm vắng ở đây gần 5 năm. Thuê nhà thì khó xin tạm trú, nhưng nghe xin học phải cần nên tôi đã nhờ người xin được. Khổ nỗi thời gian nhập chưa đầy 1 năm nên hồ sơ bị lấn cấn. Vợ chồng tôi tính đường cuối là khăn gói về quê” – chị nói trong buồn bã.

Hay trong group “Con đi tiểu học” trên mạng xã hội, không ít phụ huynh có con đúng tuổi vào lớp 1 đến trước thềm năm học mới vẫn hốt hoảng khi hồ sơ của con mình bị rớt liên tục. Chị N.M.Hoa (tỉnh Bến Tre) chia sẻ trong group rằng chị có KT3 ở khu phố 4, P.Tân Hưng Thuận (Q.12) thiếu 1 tháng nữa tròn 1 năm, nhưng vẫn chưa tìm được chỗ học cho con.

“Tôi tìm hiểu đúng tuyến sẽ được phân về Trường tiểu học Trần Văn Ơn. Nhưng quy định tuyển sinh của quận là như thế, nên tôi được hiệu trưởng giải thích, khuyên rằng không còn cách nào khác. Tôi gõ cửa các trường khác, họ giới thiệu hỏi phòng, quận. Con người ta đã sắm đồng phục, sách vở, con mình không biết về đâu, tôi rất lo”.

Trong khi đó, có một số quận huyện khác ở TP.HCM, học sinh có tạm trú, dù mới nhập có 1 tháng, vẫn được xếp lớp. Phản hồi câu chuyện của chị N.M.Hoa, chị N.T.Yến (Q.Tân Bình) cho rằng đây là chuyện “lạ kỳ”.

Chị cho biết: “Tôi làm công nhân từ miền Trung vào. Mấy năm trước con nhỏ gửi ông bà ở quê, năm nay con vào lớp 1 tôi đưa con vào để dạy dỗ. Tôi nhập tạm trú tháng 5, tháng 7 tuyển sinh và con tôi trúng vào Trường tiểu học Phan Huy Ích”.

Đảm bảo quyền đi học của học sinh

Mỗi quận huyện có con số tuyển sinh đầu cấp riêng. Có những nơi khó khăn vì áp lực sĩ số nên chưa giải quyết được chỗ học. Tuy nhiên có những nơi khó khăn để đảm bảo sĩ số cho 2 buổi/ngày nhưng vẫn đảm bảo quyền đi học của học sinh.

Ông Khưu Mạnh Hùng, trưởng Phòng GD-ĐT Q.12, cho biết hiện Q.12 vừa tuyển được 7.404 học sinh cho 22 trường tiểu học, với sĩ số 50 em/lớp.

“Con số này đã là cao, nhưng còn đến 1.700 học sinh thuộc diện có KT3 chưa đủ điều kiện tuyển sinh, phải chờ UBND quận chỉ đạo. Sau đó, quận sẽ xem xét giải quyết các em có KT3 sau 31-7-2019; con gia đình diện chính sách, hộ nghèo, mồ côi, khuyết tật; hay trường hợp các em không có tạm trú nhưng có anh chị đang học tiểu học ở quận; hoặc gia đình hết hạn nhưng không gia hạn KT3 cũng được xem xét lại” – ông Hùng nói.

Còn theo ông Trần Khắc Huy, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, quận không có học sinh thuộc diện KT3 chưa đủ điều kiện tuyển sinh. “Chúng tôi tạo điều kiện để trẻ được xem xét giải quyết đến trường, bố trí chỗ học cho các em. Các em diện cư trú, tạm trú có xác nhận của chính quyền địa phương, không xác nhận thời gian là được” – ông Huy nói.

Lý giải điều này, ông Huy phân tích: “Việc tạo điều kiện như vậy vẫn đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo tương đối học 2 buổi/ngày. Năm nay ở quận 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Quận đảm bảo tương đối được điều này vì ngay từ đầu, trước khi có kế hoạch tuyển sinh, khoảng tháng 3, các phường có điều tra thống kê theo độ tuổi vào mẫu giáo, lớp 1.

Sau khi có kết quả điều tra, quận đưa ra dự kiến trong kế hoạch tuyển sinh là con số điều tra cộng thêm 10% cho năm học 2020-2021. Mọi thứ vẫn nằm trong khả năng dự báo, chỉ đột biến ở phường 15, gần KCN Tân Bình vì khu công nhân, nhưng phường này có đến 3 trường tiểu học là Tân Trụ, Nguyễn Văn Kịp và Phan Huy Ích. Còn lại các phường khác đều ổn”.

“Sáng 24-8, TP.HCM sẽ họp bàn về vấn đề hàng ngàn học sinh ở Q.12 hiện chưa có trường lớp để vào lớp 1. Khi đó, TP sẽ có giải pháp và thông tin cụ thể” – ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết.

Cố gắng cân đối

Q.2 có số tuyển sinh tăng hơn các năm trước nhưng học sinh diện tạm trú, cư ngụ trên địa bàn đều được đi học. Ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, trưởng Phòng GD-ĐT Q.2, cho biết: “Tất cả những trường hợp cư ngụ ở Q.2, có tạm trú được công an phường xác nhận, có nộp hồ sơ theo quy định trong kế hoạch tuyển sinh đều được tạo điều kiện. Làm được điều này đúng là vất vả cho quận, bởi phải cân đối để đảm bảo học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày. Với những trường chuẩn quốc gia, chúng tôi giữ đúng chuẩn 35 em/lớp như Trường tiểu học An Bình và Trường THCS Võ Trường Toản theo mô hình tiên tiến. Các trường khác, quận cố gắng cân đối trong mức có thể, đảm bảo quyền đi học của các em”.

THẢO THƯƠNG
TTO