Chung sống an toàn với dịch
Chung sống an toàn với dịch
Trước thực tế dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kéo dài, việc xác định ‘chung sống an toàn với dịch’ đã được đặt ra nhằm xây dựng và thực hiện những biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả.
Đánh giá diễn biến dịch bệnh trong cả nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) nhận định có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa, không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch.
Theo BCĐ: “Với diễn biến như đã ghi nhận trong đợt dịch lần thứ 3 này, nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả các địa phương. Hôm nay dịch Covid-19 có thể bùng phát ở tỉnh này, ngày mai có thể xuất hiện ở địa phương khác… Dịch bệnh còn kéo dài. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng được dịch Covid-19 khi nào có thuốc đặc trị, hoặc có vắc xin đặc hiệu”.
Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng về công tác quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ, cũng nhấn mạnh: “Tới đây dịch bệnh còn kéo dài, chúng ta phải xác định tinh thần chung sống an toàn với dịch”. Theo Phó thủ tướng, trong nước duy trì phương châm phòng chống dịch của chúng ta là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Chống dịch như hiện nay không thể cứ xuất hiện 1 ca bệnh mới là đình chỉ mọi hoạt động, “đóng băng” cả một huyện, một tỉnh. Chủ trương của chúng ta là phát hiện ở đâu, khoanh vùng dập dịch ở đó.
Khẩu trang thành “vật bất ly thân”
PGS-TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng thời gian tới, bên cạnh các giải pháp chuyên môn, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao ý thức cộng đồng, luôn đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là, có ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn dịch tễ để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và cộng đồng trong trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh.
Một chuyên gia về y tế dự phòng cũng cho rằng với Covid-19, hiện chưa có thuốc đặc hiệu, chưa có vắc xin. Do đó, để bảo vệ mình và cộng đồng, các biện pháp vừa qua được người dân thực hiện để chống dịch cần phải trở thành thói quen sinh hoạt hằng ngày, như đeo khẩu trang khi ra bên ngoài, hạn chế tập trung đông người, sát khuẩn tay… “Nếu khẩu trang như tấm chắn ngăn hít phải các giọt bắn thì thực hiện giãn cách hỗ trợ giảm thấp nhất nguy cơ lây nhiễm từ những người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng”.
Nghiên cứu mới công bố của các chuyên gia điều trị Covid-19 trên nhóm bệnh nhân tại Việt Nam hồi đầu tháng 8 cho thấy, có 64% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng.
Không ra khỏi nhà nếu không cần thiết
Tại Hà Nội, dù vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch ở mức “nguy cơ thấp”, nhưng chính quyền đã nâng cao mức cảnh báo với người dân, vì nguy cơ tiềm ẩn đối với Hà Nội vẫn rất lớn. Tân Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội Ngô Văn Quý mới đây đã ra văn bản yêu cầu TP thực hiện 11 điểm, đặc biệt yêu cầu không lơ là, chủ quan, bảo đảm kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn.
|
Ngoài các biện pháp phòng chống mà Bộ Y tế đưa ra, Hà Nội tiếp tục kêu gọi, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời…
Các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng và các sự kiện chưa cần thiết; các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường; quán nước vỉa hè… phải ngừng hoạt động; việc hiếu, hỉ tập trung đông người cũng được yêu cầu hạn chế…
“Nếu buộc phải ra ngoài thì đeo khẩu trang và khử khuẩn theo đúng khuyến cáo”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền kêu gọi “nhân dân ủng hộ, giúp đỡ ngành y tế”.
Tại Hải Dương, chính quyền địa phương cũng liên tục thông báo tình hình dịch bệnh qua loa phát thanh. UBND TP.Hải Dương yêu cầu người dân không ra khỏi TP nếu không có sự đồng ý của chính quyền. Người dân được khuyến cáo ở nhà sau 22 giờ hằng ngày và dừng hết mọi hoạt động ở khu công cộng, hoạt động thể thao, tôn giáo. Chị Vũ Hồng, ngụ P.Bình Hàn, chia sẻ: “Giãn cách xã hội nên chúng tôi cũng cảm thấy bí bách, nhưng dịch nguy hiểm quá, phải chấp hành. Lo thì có lo nhưng không ai hoang mang. Tôi thấy chính quyền các cấp làm rất quyết liệt và mạnh tay”.
Không sờ, vịn đồ vật nơi công cộng
Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều thời gian qua, là trong giai đoạn dịch bùng phát gần đây, không biết F0 ở đâu thì khu vực nào có nguy cơ? Làm sao phòng tránh? Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo: “Khu vực nào cũng có nguy cơ, người lạ trước mặt là người có nguy cơ”. Vì vậy, người dân tránh đến nơi có đám đông khi không cần thiết.
Còn theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), người dân phải che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; tránh chạm vào các bề mặt ở nơi công cộng, vì chúng có thể bị bám dính vi rút từ người mắc bệnh. “TP.HCM là vùng trũng và khó có thể bịt – hạn chế hay chốt chặn người từ nơi khác đến, và đây cũng không phải là giải pháp để ngăn dịch. Trong hoàn cảnh hiện nay, tự mỗi người dân phải là “một chiến sĩ” chống dịch”, lãnh đạo HCDC nói.
Kiểm soát chặt người về từ vùng dịch
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp ở Hải Dương, UBND TP.Hải Phòng đã thành lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 liên ngành tại các cửa ngõ ra, vào TP bằng đường bộ. Mỗi chốt bố trí 48 người, chia làm 4 ca và hoạt động 24/24 (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ). Các chốt sẽ kiểm tra y tế người và phương tiện vào TP.Hải Phòng bằng cách đo thân nhiệt và khai báo y tế. Trước đó, từ 0 giờ ngày 6.8, chính quyền TP.Hải Phòng đã xử phạt người dân không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.
Tương tự, ngày 16.8, ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc CDC tỉnh Thanh Hóa, cho biết qua rà soát từ ngày 13 đến 13 giờ ngày 16.8, trên địa bàn tỉnh có 130 người từ tỉnh Hải Dương trở về. Trong đó, có 2 người (đều ngụ H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) liên quan đến những điểm đang phong tỏa do dịch Covid-19 ở TP.Hải Dương (Hải Dương) và hơn 40 người khác thuộc diện lấy mẫu và đã được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 (đến chiều 16.8 đều chưa có kết quả).
|
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương thống kê, quản lý chặt số người từ Hải Dương trở về địa phương từ ngày 13.8; cách ly tập trung đối với những người là F1, giám sát y tế tại nhà đối với những người là F2; yêu cầu người dân nào từ Hải Dương trở về phải tự giác khai báo y tế…
Xử lý nghiêm người bất tuân quy định phòng chống dịch
Tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, TP.Đà Nẵng khẳng định xử phạt nghiêm các trường hợp người dân ra đường khi không cần thiết, mức phạt cao nhất đến 10 triệu đồng.
Đà Nẵng tiếp tục kêu gọi người dân ở nhà và chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Bên cạnh khuyến cáo, ban quản lý các chợ sẽ xử lý theo quy định đối với trường hợp tiểu thương và người dân không chấp hành việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn khi thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ…
Liên quan việc 1 đám tang có 3 người nhiễm Covid-19 gây nên nguy cơ lây lan ra cộng đồng là “vô cùng lớn”, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ hôm qua yêu cầu Q.Thanh Khê chịu trách nhiệm chính việc truy vết F1 từ ngày 10 – 15.8 nhằm kịp thời ngăn chặn những F1 này tiếp tục thành F0.
Về nguy cơ mất an toàn cho F1 ngay cả khi đã vào khu cách ly tập trung, ông Thơ chỉ đạo các quận, huyện ngay sau khi nhận thông báo ca nghi nhiễm Covid-19 của CDC Đà Nẵng phải lập danh sách, cách ly F1 và tiến hành xét nghiệm ngay trong ngày. Sở Y tế đánh giá tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung; UBND phường, xã và các tổ công tác Covid-19 cộng đồng thường xuyên quản lý, giám sát cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1 trở về sau khi đã hết cách ly tại cơ sở cách ly tập trung.
THANH NIÊN
TNO