Chỉ tiêu… không thật
Một chuyên gia đến từ cơ quan tham mưu, xây dựng chỉ số này còn thừa nhận đây là con số… “bịa”, do các cơ quan tham mưu vẽ ra.
Chỉ tiêu… không thật
Một chuyên gia đến từ cơ quan tham mưu, xây dựng chỉ số này còn thừa nhận đây là con số… “bịa”, do các cơ quan tham mưu vẽ ra.
Minh hoạ: DAD
Sau khi các chuyên gia, đại biểu Quốc hội “đấu tranh” qua ít nhất 2 nhiệm kỳ Quốc hội để chỉ tiêu tạo việc làm mới được loại khỏi bộ chỉ tiêu pháp lệnh trong các nghị quyết, thì nay đến lượt chỉ tiêu lao động qua đào tạo lại được cho là không thực chất.
Thậm chí, một chuyên gia đến từ cơ quan tham mưu, xây dựng chỉ số này còn thừa nhận đây là con số… “bịa”, do các cơ quan tham mưu vẽ ra.
1 năm được cấp 3 chứng chỉ nghề
|
Trong định hướng đẩy mạnh nền kinh tế tri thức, cũng như để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá, lao động qua đào tạo là một trong những chỉ số pháp lệnh, được chốt trong các nghị quyết của Quốc hội (QH), giao nhiệm vụ cho Chính phủ thực hiện.
Theo kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) đã được thông qua, VN phấn đấu đến 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt mức 65 – 70%. Theo báo cáo mới nhất ngày 20.9 của Bộ KH-ĐT, trong số 12 chỉ tiêu được QH giao năm nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo là một trong 4 chỉ tiêu “đạt” (8 chỉ tiêu khác dự kiến sẽ vượt), với con số ước thực hiện 58,6% (kế hoạch giao từ 58 – 60%).
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm nghiên cứu từ thực tế, TS Huỳnh Thế Du, Trường đại học Fulbright, cho rằng đây là chỉ tiêu mà kỳ tới QH nên bỏ, đặc biệt là đào tạo việc làm ngắn hạn. “Khi chúng tôi làm cụ thể với Hà Giang, một người ở Mèo Vạc (một huyện vùng cao đa phần là đồng bào dân tộc), 1 năm được dạy 3 chứng chỉ: sửa chữa máy vi tính, sửa chữa xe máy, thợ nhiếp ảnh, mà 3 nghề này chẳng liên quan gì đến ông đó hết”, TS Huỳnh Thế Du nói, và cho biết ở một số địa phương khác như TP.HCM, Bình Định, Hà Giang, Tây Ninh, Quảng Ninh đều có câu chuyện tương tự.
“Chỉ tiêu của QH đưa ra, giao cho Bộ LĐ-TB-XH thực hiện tiêu tốn mỗi năm mấy trăm tỉ đồng, nhiều nhất là mấy nghìn tỉ đồng, bởi một địa phương như Hà Giang, chi phí đào tạo đã mấy chục tỉ rồi, nhân 63 tỉnh thành là con số khủng khiếp, nhưng lại tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế rất thấp, ý nghĩa xã hội cũng thấp. Tôi không tin rằng những người học các lớp đó mà có sự thay đổi về công ăn việc làm; ngược lại, nó tạo ra rất nhiều bóp méo, lệch lạc”, TS Du nói thêm.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH. Ông Lợi cũng đề nghị “nhiệm kỳ sau bỏ chỉ tiêu lao động qua đào tạo” vì cho rằng, “đây là một cách đánh lừa thiên hạ”. Lý giải về con số này, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), thừa nhận con số lao động qua việc làm là “bịa”, “mà chúng tôi bịa”!
Chi phí đào tạo nghề rất lớn nhưng bị cho là không tạo nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế ẢNH: NGỌC THẮNG |
Vì sao phải bịa ?
Trả lời câu hỏi vì sao “bịa”, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: “Có những chỉ số chỉ là công cụ thôi, nhưng chúng ta đưa vào là mục tiêu phấn đấu, phấn đấu không được, bị phê bình hết hơi, chẳng tội gì mà không bịa. Chỉ tiêu lao động qua đào tạo là bịa, mà chúng tôi bịa, vì chẳng ai theo dõi cả”.
Bà Hương còn cho biết thêm: “Một lần tôi đã bị bộ trưởng mắng là đáng lẽ phấn đấu đến 2015 phải đạt tỷ lệ 50% (lao động qua đào tạo), mà chúng tôi tính ngược tính xuôi chỉ được 49% thôi. Bộ trưởng báo cáo và bị phê bình. Thế nên, chẳng tội gì mà không phết lên 50%”.
Vị chuyên gia này cho rằng, nguyên nhân do “người nghe muốn nghe cái gì” chứ không phải do người báo cáo, và đặt câu hỏi: “QH thực sự có dám đối diện với sự thật là lao động qua đào tạo có mỗi 23% thôi, so với các nước là thua rất nhiều hay không?”.
Nhắc lại chỉ tiêu tạo việc làm mới trước kia, bà Hương cho biết: “Chúng tôi nói thẳng, không bao giờ ra được chỉ tiêu về giải quyết việc làm. Cục Việc làm đã từng tha thiết đề nghị bỏ, nhưng (2 đời) bộ trưởng chẳng dám bỏ, QH cũng chẳng dám bỏ, chẳng ai dám bỏ”.
Trên thực tế, từ năm 2015 xây dựng kế hoạch cho 2016, chỉ tiêu tạo việc làm mới đã không được đưa vào nghị quyết, sau một quá trình dài góp ý của các chuyên gia, đặc biệt là “2 ông Lợi” – 2 Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội 2 nhiệm kỳ QH. Từ cuối nhiệm kỳ QH khóa 12 (2007 – 2011), Phó chủ nhiệm ủy ban này, ông Đặng Như Lợi đã thẳng thắn đặt nghi vấn về tính chính xác của chỉ tiêu mỗi năm tạo hơn 1 triệu việc làm mới. Cũng tại nhiệm kỳ đó, trả lời chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc thừa nhận: VN không tính được bao nhiêu việc làm mới tạo ra một năm.
Sang nhiệm kỳ khóa 13 (2011 – 2016), lại đến Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi lên tiếng trong nhiều kỳ họp, dẫn cả những con số để chứng minh như: GDP tăng trưởng cao nhất vào 2006 là 8,23%, thấp nhất vào 2012 là 5,03%; tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đỉnh cao là 2007 với 46,5%, 2012 còn 28,5%; nhưng tỷ lệ giải quyết việc làm lại tăng giảm không đáng kể, vẫn quanh mức 1,5 triệu người. Nguyên nhân của việc này là do VN thiếu công cụ để tính toán cho chính xác, mà buộc phải tính toán vì đây là chỉ tiêu được giao trong nghị quyết, nên các bộ đành phải… áng chừng. Do đó, con số thống kê không hề có ý nghĩa, thậm chí còn tạo ra những hiểu biết lệch lạc về nền kinh tế, rất tai hại cho điều hành… Thực tế cũng chứng minh, việc bỏ chỉ tiêu tạo việc làm mới đã không phương hại gì đến nền kinh tế.
Số liệu lao động có tay nghề qua đào tạo ở mức 50 – 60% đạt chỉ tiêu theo kế hoạch mà chúng ta vẫn thường thấy qua thống kê các năm phải xem xét lại. Ngay Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi chủ trì một phiên họp gần đây cũng đã nói, không thể thống kê chung chung như thế để đạt chỉ tiêu mà phải có phương pháp thống kê chính xác. Nếu tính theo chứng chỉ được cấp thì tỷ lệ này đâu đó chỉ hơn 20%. Phải thắng thắn với nhau về những số liệu chưa chính xác đó mới đưa ra được giải pháp để nâng cao năng suất lao động. Bởi thực tế năng suất lao động của chúng ta dù thời gian qua có cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn thấp so với khu vực và rất thấp so với thế giới. 60% tay nghề qua đào tạo kia nếu đúng thì năng suất sao thấp như vậy. Nên tôi đề nghị phải định lượng được con số này mới đưa vào chỉ tiêu kinh tế – xã hội hằng năm. Còn như hiện nay thì không có tác dụng gì cả, thậm chí làm sai lệch đi hiệu quả năng suất lao động, vào GDP của cả nền kinh tế.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư
Tiêu Phong (ghi)
|
Sẽ không có thu nhập 3.500 USD/người
Ngoài những chỉ tiêu được khuyến cáo cần phải bỏ vì không có khả năng thống kê, hay thống kê cũng không có ý nghĩa, thì có những chỉ tiêu cần phải xem xét lại khi đặt kế hoạch.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh mới đây tiết lộ, để phục vụ việc đánh giá giữa nhiệm kỳ, và cũng là cơ sở để xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm tới, ủy ban đã làm việc với Bộ KH-ĐT, thì phát hiện vấn đề: Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người Quốc hội đặt ra đến 2020 đạt 3.200 – 3.500 USD/người/năm là rất khó khả thi.
Theo ông Thanh, khả năng năm nay thu nhập đầu người chỉ đạt 2.540 USD. Với tốc độ tăng trưởng này, một năm thu nhập đầu người sẽ chỉ tăng thêm 140 – 150 USD thôi, tức là 2 năm nữa, “giỏi lắm” VN đạt mức 2.900 USD/người, chứ không thể với đến con số kế hoạch.
Lý giải vì sao không đạt kế hoạch, PGS Vũ Sỹ Cường cho rằng, do bản thân việc đặt kế hoạch đã sai. “Nếu đặt chỉ tiêu trong 5 năm (2016 – 2020), thu nhập đầu người tăng lên 3.200 USD, chúng ta cần tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm 8,4%. Trong 3 năm nay, chúng ta có khi nào tăng trưởng nổi 8,4% hay không mà chúng ta đặt mục tiêu cao thế? Ngay từ khi đặt ra chỉ tiêu đã thấy phi lý rồi”, PGS Cường nói.
TS Huỳnh Thế Du còn cho rằng, nếu đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP thì nên bỏ chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, vì nó mâu thuẫn nhau. “Tôi chứng minh bằng một ví dụ, nếu GDP vẫn thế mà lạm phát tăng 20%, tỷ giá giữ nguyên, thì tự động GDP đầu người đạt mục tiêu. Tuy cả 2 chỉ số đều đạt, nhưng nó không phản ánh sự lành mạnh của nền kinh tế”, TS Du nói, và khuyến cáo: “Nếu cứ để cả hai thì nó mâu thuẫn nhau, trở thành ông nọ đá bà kia”. Trong trường hợp này, GDP đầu người đạt mục tiêu còn cho thấy sự tai hại, vì lạm phát quá cao.
Dẫn ví dụ tương tự về một chỉ số đến 2020 khó lòng đạt được, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho rằng 8 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký mới chỉ tăng 5,3%, quy mô vốn tăng 8,9%; rất thấp so với con số của cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 12,4% và 40%, nên “Chính phủ muốn đạt 1 triệu DN chắc là cực kỳ khó”.
Ông Bùi Sỹ Lợi đồng ý với quan điểm này, cho rằng không thể bói đâu ra 1 triệu DN vào 2020, hay con số 730.000 DN đăng ký mới được Bộ KH-ĐT báo cáo trong năm nay cũng “không có thực”, khi mà con số của Tổng cục Thuế báo cáo cho thấy chỉ có hơn 400.000 DN đóng thuế, và Bảo hiểm xã hội cũng cho thấy chỉ có gần 400.000 DN đóng BHXH.
Tuy nhiên, không đạt chỉ tiêu có phải là một chỉ dấu đáng buồn cho tăng trưởng không? Theo các chuyên gia, vấn đề không phải như vậy, nó chỉ phản ánh việc thái độ của VN với các con số nên thay đổi để sát với thực tế, để chấp nhận thực tế.
Ông Nguyễn Tiên Phong, chuyên gia của UNDP (Chương trình phát triển LHQ), cho rằng nhiều nước cũng sử dụng các chỉ số như VN, nhưng khác biệt ở chỗ nó chỉ là các chỉ số để điều hành, không phải chỉ tiêu pháp lệnh, buộc phải đạt được. “Một con số tưởng chừng rất đúng là số DN thành lập mới, nhưng nó cũng không nói lên được gì nhiều. Định hướng nền kinh tế VN thời gian tới là năng lực cạnh tranh, là hiệu suất, hiệu quả và năng suất; mà Tổng cục Thống kê đã nói, năng suất tỷ lệ thuận với quy mô DN, mức độ tập trung vốn, vậy thì chưa chắc con số DN nhiều đã hay (bằng chứng là thống kê cho thấy khu vực ngoài nhà nước là khu vực kém hiệu quả nhất của nền kinh tế VN hiện nay, theo Tổng cục Thống kê – PV). Hay phải là DN với trình độ công nghệ cao và quy mô tập trung vốn. Thứ nhất, chúng ta cần các chỉ số về chất lượng; thứ hai cần tính lại vấn đề pháp lý của nó. Nếu anh cài về pháp lý thành một chỉ tiêu buộc phải đạt, người ta lập tức sẽ có cách xử lý các con số”, ông Phong khuyến cáo.
Vũ Hân
|
VŨ HÂN